Tôi ở tỉnh vào thành phố đi học. Con nhà nghèo lại quê mùa nên tôi rất rụt rè, nhút nhát. Những khi hội họp và hoạt động phong trào, trong khi bạn bè sôi nổi ý kiến này kia, thì tôi luôn im lặng, nép vào một nơi không ai chú ý tới.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Có lẽ, tôi chỉ có một điểm cộng duy nhất là chăm chỉ học hành - sự chăm chỉ có được vì nghĩ đến số tiền hàng tháng ba má chắt chiu gửi cho tôi và đơn giản chỉ vì tôi không biết dùng thời gian vào việc gì khác.
Nghe bạn bè trong ký túc xá nói chuyện về anh này anh kia, chuyền nhau những mẩu thông tin thời trang giảm giá giờ vàng, tôi thường làm lơ bằng cách chúi mũi vào sách. Cũng vì thế, thư viện là nơi duy nhất tôi thường xuyên lui tới sau trường học và ký túc xá.
Với tôi, đó là nơi an toàn nhất cho mục đích lấy được tấm bằng đại học loại giỏi để có cơ hội tìm được việc làm như ý. Không ngờ, đó lại là nơi tôi vướng phải rắc rối của đời mình.
Anh có lần đã nói, thấy tôi chỉ chăm chú vào sách vở, không thèm nhìn ai, anh nghĩ tôi kiêu lắm nên muốn chinh phục. Đến khi hiểu ra tôi đầy mặc cảm thì anh đã quen… nhìn thấy tôi rồi! Anh là người đã kéo tôi khỏi cái khung khép kín mà tôi tự đóng cho mình.
Anh chỉ cho tôi thấy, thư viện còn có những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn tuyệt vời chứ không chỉ là tài liệu học hành. Mỗi tuần, anh nhét vào ba lô của tôi một cuốn, sau đó thì chúng tôi tranh luận về nhân vật. Anh hay đóng vai phản biện để tôi vì bênh vực cho nhân vật của mình mà phải “cãi lý” mạnh miệng hơn.
Rồi anh rủ tôi đi xem bộ phim về cuốn tiểu thuyết đó “để biết thêm ý kiến của đạo diễn”. Anh rủ tôi đi karaoke để biết đó không phải là nơi dành riêng cho những ai nuôi mộng ca sĩ. Anh lấy bản thân ra để chứng minh cho tôi thấy anh hát dở ơi là dở, nhưng vẫn có quyền tham gia hò hét cùng bạn bè để thư giãn cuối tuần...
Cứ thế, anh dẫn dắt tôi dần vượt qua mặc cảm tự ti. Còn với nỗi áy náy của tôi về sự chắt chiu của ba má, anh giới thiệu cho tôi mấy mối làm thêm. Anh nói, với tính cách của tôi thì dạy kèm là thích hợp nhất, nhưng cũng nên chọn làm ở những nơi đòi hỏi sự xông xáo để mình mạnh mẽ và học được nhiều kinh nghiệm sống hơn.
Anh kéo tôi tham gia những bữa tiệc để biết những người trong bữa tiệc đó không đáng ngại như khi tôi nhìn họ từ xa... Tôi dần tự lập được, không còn nỗi hồi hộp cuối tháng đợi tiền nhà gửi lên, mà thường là đến giữa tháng tôi mới nhận được. Không chỉ thế, tôi còn dành dụm gửi về cho ba má.
Mỗi khi về thăm nhà, ba má và các em tôi thật sự ngỡ ngàng và tự hào trước những thay đổi của tôi. Tôi ăn mặc đẹp đẽ hơn và quan trọng là đã tự tin hơn rất nhiều. Bắt chước anh, tôi hướng dẫn các em biết đặt ra mục tiêu cho mình và biết cách phát triển bản thân hợp lý, chứ không lao vào học trong nỗi mơ hồ như tôi trước đây.
Ngày tôi tốt nghiệp đại học, bạn bè hỏi vui: “Khi nào cưới?”. Vậy đó, ai cũng thấy sự gắn bó giữa anh và tôi; nghĩ chúng tôi đã là một cặp. Có người còn nói, gặp được người như anh mà không cưới nhanh thì coi chừng hối hận. Tôi cũng nghĩ vậy! Anh là một may mắn lớn nhất đời tôi. Có anh, tôi như có một bờ vai.
Cưới thôi.
Tôi gặp Duy trong bữa cơm giữa đại diện hai công ty, mà tôi là trợ lý của sếp. Duy cũng là trợ lý của sếp bên kia. Thường thì ai cũng tìm cách để công ty của mình được lợi nhiều nhất, nhưng cách Duy trình bày cho thấy hai bên đều có lợi, cùng chiến thắng thì mới lâu bền.
Duy còn bày tỏ mong muốn lần bắt tay làm ăn này là khởi đầu cho một trăm năm sau, thế hệ kế thừa của cả hai công ty còn nhắc lại như một kỷ niệm không thể quên. Buổi gặp cũng chỉ mới là thăm dò thôi, chuyện ký kết hợp đồng còn xa, nhưng ai cũng có thiện cảm với Duy.
Thương trường nhiều cạm bẫy, những gì Duy nói như một cơn gió mát làm lòng người như dịu lại. Tối hôm đó, tôi tìm facebook của Duy. Trái tim tôi chợt nhói lên khi thấy hình Duy tươi cười choàng vai một cô gái rất dễ thương. Nhưng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi đọc dòng comment: “Trời ơi, bé Thùy Dương đó hả? Cho tôi làm em rể ông nghe Duy?”.
Đàn ông ít kể về gia đình, facebook của Duy toàn nói về công việc và những status về chuyện thời sự xã hội. Tôi lại tìm vào trang của Thùy Dương... Tôi tự nhủ, mình chỉ đang tìm hiểu về đối tác thôi, nhưng càng lúc tôi càng muốn biết nhiều hơn về gia đình Duy.
Tôi đọc những status cũ của Thùy Dương, theo dõi những status mới, lướt qua những dòng viết về công việc, đọc thật kỹ những gì cô viết về ba mẹ và người anh trai. Hai anh em chắc thân tình và Thùy Dương thấu hiểu anh mình lắm, nên status nào kể vể Duy cũng tràn đầy tự hào, thương mến.
Công việc cũng buộc tôi thường gặp Duy để điều đình nọ kia. Đối diện, tôi luôn cố làm ra vẻ bình thản nhất, nhưng sau đó là cố nhớ lại đến từng chi tiết nhỏ... Đến một ngày, Duy dịu dàng hỏi: “Hôm nay mình gạt công việc qua một bên được không?”…
Tôi đã cứng cỏi trả lời Duy là tôi chỉ quan tâm đến công việc.
Tôi nghĩ, mình sẽ là người chẳng ra gì nếu nói lời chia tay anh. Tôi thật sự sợ hãi ý nghĩ đó. Nhưng, lòng tôi lại luôn nghĩ đến Duy. Tôi chợt cảm thấy hối tiếc vô cùng. Tôi và anh chưa có con với nhau; nếu chia tay cũng không đến nỗi vướng bận. Nhưng, có thật là không vướng bận?
Hàng đêm, nhìn anh say ngủ, tôi vẫn tự hỏi mình, có thật là không vướng bận? Ngay lúc này đây, chỉ nghĩ thôi tôi đã thấy mình còn tệ hơn cả phản bội, mà là một kẻ vô ơn. Người ta nói, vợ chồng đến lúc nào đó chỉ còn lại cái nghĩa với nhau và đó là điều giữ người ta lại bên nhau trước những cám dỗ. Mà tôi thì nợ anh bao ân nghĩa.
Tâm trí tôi tua lại chuyện cũ như một cuộn phim chiếu chậm, trong đó tôi còn là một cô gái quê mùa đầy mặc cảm, nếu không có anh... Ý nghĩ đó làm tôi đau nhói. Chẳng lẽ suốt đời này tôi phải chôn chặt mình trong cuộc hôn nhân này chỉ vì chữ “nghĩa”? Tôi giật mình nhận ra, với anh, tôi chưa bao giờ có cảm giác ghen tuông. Tôi luôn yên tâm. Với anh, trái tim tôi chưa bao giờ đau.
Tôi rối bời. Có phải tôi đang mù quáng? Được bình an là điều quý giá mà bao phụ nữ ước ao, tôi cũng biết vậy. Duy có phải là một cám dỗ? Chỉ là cám dỗ sao tôi luôn thấy đau đớn và hối tiếc, giá như...
Ước gì Duy chỉ là cơn say nắng.
Nguyên Hương