Chẳng lẽ cứ sống vậy đến hết đời?

12/01/2025 - 19:39

PNO - Tôi nhìn ra trong nụ cười đó bao nỗi chua xót nhọc nhằn không ai thấu. Cái gánh nặng gia đình chắc khó mà bứt rời khỏi đôi vai nhỏ nhắn của chị.

Phải chăng vợ  càng mạnh mẽ, tháo vát thì chồng càng ỷ lại? (ảnh minh họa)
Phải chăng vợ càng mạnh mẽ, tháo vát thì chồng càng ỷ lại? (ảnh minh họa)

Trong chuyến đi lấy hàng ở chợ đầu mối Hóc Môn sáng hôm đó, chị bị tai nạn, vết rách sâu, làm bắp chân lộ cả mỡ, máu tuôn không ngừng. Vậy mà chị vẫn quyết chạy xe máy về tận nhà, đánh cược tính mạng, vì... xót tiền.

Nếu muốn tìm những người phụ nữ mạnh mẽ đúng nghĩa, hãy ra chợ. Chỉ cần nhìn sự tảo tần của họ bên những chiếc xe máy thồ cả đống hàng hóa, rau củ, trái cây từ chợ đầu mối túa về những ngôi chợ nhỏ khác để mưu sinh, là đủ biết họ mạnh mẽ cỡ nào.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm sẽ không thể xách nổi bọc khoai mì nặng gần bằng bao xi măng, hay vác nổi bao bắp trái nặng sơ sơ… 50kg, chưa kể thùng bắp cải, giỏ khổ qua, rồi lằng nhằng các thứ rau lang, rau muống... Tôi nhìn cách chị thồ xe hàng ngập lút đầu đó về chợ, rồi cách chị thoăn thoắt xuống hàng mỗi sáng mà nể.

Ai có thể ngờ phụ nữ chưa đầy 60kg, cao vừa mét rưỡi có thể làm tất tần tật những việc tưởng chỉ dành cho đàn ông đó. Cực khổ khiến chị già trước tuổi. Không ít tiếng thở dài thương cảm thốt ra từ khách quen khi nhìn chị: "Cực chi mà cực dữ thần!".

Chị cười tươi rói, 2 gò má nắng táp đen sạm, nếp nhăn dày quanh mắt: "Số mình vậy rồi, mình không làm thì con mình đói, thất học cả đám".

Mấy ngày này, chỗ chị ngồi vắng ngắt. Bữa trước, trong chuyến đi lấy hàng từ chợ đầu mối rau củ Hóc Môn về quận 9, xe chị vô ý máng vào đuôi xe tải đang đậu bên đường. Bắp chân bị chân chống xe máy rạch một đường sâu hoắm, máu tuôn không ngừng, lộ cả phần mỡ trắng. Ngực chị đập vào khung xe, bầm tím. Vậy mà chị vẫn gắng gượng tự chạy xe máy về đến nhà, sau khi đã nhờ người bạn hàng đi cùng chuyển số hàng hóa về. Ai cũng lắc đầu trách chị quá coi thường mạng sống. Nói dại, quãng đường xa vậy, vết thương mất máu, lỡ chị ngất xỉu giữa đường thì khổ...

Bạn hàng kể, chị giống như được bề trên độ, nếu không, chắc gì cả người cả xe còn nguyên vẹn tới nhà. Không có bảo hiểm y tế, chị xót tiền nên chỉ vào bệnh viện khâu vá vết thương rồi mua thuốc theo toa, về nhà dưỡng thương, nhất quyết không nhập viện. Đã vậy, tôi nghe nói chị còn đòi ra chợ trở lại khi cái chân còn “tuầy huầy”, không thể đi đứng.

Chị cười chua chát: “Ngồi một chỗ bán cũng được, không đi lấy hàng nữa. Tạm thời lấy lại hàng hóa của bạn hàng trong chợ, lời ít hơn nhưng khỏi phải đi xa. Tết tới nơi rồi, nằm nhà hoài chắc con đói rã”.

Chị có 2 đứa con, đứa lớn đang học năm thứ nhất đại học, đứa nhỏ mới lớp 3. Quanh năm suốt tháng, chị chưa bao giờ dám mặc một bộ đồ mới đúng nghĩa, dù ngày tết đi nữa. Những bộ đồ “vía” đi tiệc tùng là người quen tặng. Chị cười hiền: "Số mình chắc bị trời bắt mặc đồ “khính” mới sống lâu". Nhưng con chị thì khác. Chúng gọn gàng, sạch sẽ, quần áo không nhếch nhác như con nhà nghèo khác. Tôi nhìn ra tình thương vô biên của chị dành cho 2 con. Dường như cả đời này chị chỉ biết sống vì con!

Nhưng còn chồng chị? Khi tôi nhắc tới chồng, chị chỉ khẽ lắc đầu. Chồng chị là một thợ hồ. "Lý tưởng đàn ông" của anh chảy trong những ly bia cuối tuần, trong những trận banh bóng, quán xá. Đây là lý do một phụ nữ nhỏ bé như chị buộc phải đứng lên, vươn vai gánh vác mọi thứ, sơ sểnh một chút là xót những đồng tiền cực khổ kiếm được, bởi chẳng bàn tay đàn ông nào chìa ra gánh thay chị.

Nhưng chị cứ sống như thế này hoài sao, đến chết? Người ta sau 40 tuổi là thời gian phụ nữ sống cho bản thân, vì trách nhiệm cho gia đình, cho con cái đã nhẹ bớt. Nhưng với chị, cái gánh nặng gia đình chắc khó mà bứt rời khỏi đôi vai nhỏ nhắn và cuộc đời đầy cơ cực kia. Ai cũng khuyên chị bớt ôm đồm lại, biết chăm sóc sức khỏe bản thân một chút. Phụ nữ mà mạnh mẽ, giỏi giang quá, chồng sẽ ỷ lại. Chị chỉ cười trừ. Tôi nhìn ra trong nụ cười đó là bao nỗi chua xót nhọc nhằn không ai thấu!

Trà An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI