Chẳng kịp sống cho riêng mình

21/01/2021 - 13:08

PNO - Phụ nữ là vậy, một đời chỉ biết nuôi con rồi lại nuôi cháu, chẳng giây phút nào sống cho riêng mình. Như cô Năm, lúc bệnh hiểm nghèo cũng chỉ lo những đứa cháu thơ dại bơ vơ.

Cô Năm không phải bà con của tôi. Chúng tôi chỉ là khách quen của quán bún bò mang tên "Cô Năm" có bà chủ quán hiền hậu. 

Cô Năm đẹp lắm, nói cho dễ hình dung là thời trẻ khuôn mặt cô đẹp phải cỡ hoa hậu, người mẫu bây giờ. Khi có tuổi, cô lại đẹp kiểu các bà mẹ sang trọng trên phim Hàn. Nhan sắc như vậy, nhưng đời cô thật buồn.

Hôm ấy cô Năm xỉu ngay tại quán... - Ảnh minh họa
Hôm ấy cô Năm xỉu ngay tại quán... - Ảnh minh họa

Mẹ tôi kể, hồi ấy, cô đi thanh niên xung phong về thì bạn trai bạn gái đã lập gia đình hết, cô trở thành “quá lứa lỡ thì”. Không còn cơ hội lấy chồng, sau này cô đơn thân sinh con 1 trai 1 gái.

Làm thủ quỹ trong cơ quan nhà nước một thời gian, cô phải xin nghỉ, mở quán bún bò để nuôi các con. Cô nấu ăn ngon, lại sạch sẽ chu đáo nên quán bún lúc nào cũng đông khách. Tuy nghề bán quán thức đêm dậy sớm vất vả, nhưng có đồng ra đồng vào, đời sống của cô đáng lẽ cũng dư dả nếu như con cái không phá phách.

Con trai lớn của cô được học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm hẳn hoi, nhưng rồi anh ham mê cờ bạc, nợ nần khắp nơi. Cuối năm trước, để cứu con, cô phải đứt ruột bán ngôi nhà đang ở để trả nợ. Sau đó, cô thuê căn nhà nhỏ, tiếp tục công việc bán buôn góp tiền nuôi 3 đứa cháu nội cùng con dâu.

Con gái út yêu sớm nên học hành dang dở, hết cấp III là lấy chồng sinh con. Chàng rể của cô Năm cũng quá trẻ, luôn trong tình trạng thất nghiệp, nên con gái cô thường xuyên về xin tiền mẹ. Vậy là xem như quán bún bò gồng gánh nuôi cả con ruột, con rể, lẫn cháu nội, cháu ngoại.

Hồi giữa năm, đùng một cái cô Năm xỉu tại quán. Đưa cô đi khám, bác sĩ nói với anh con trai rằng cô Năm bị ung thư máu giai đoạn cuối. Con cái bàn nhau rồi giấu không cho cô biết bệnh.

Một lần ghé thăm cô, tôi nghe cô kể: “Không biết cô đau cái gì mà được họ tiếp hai bịch máu, tới khi được yêu cầu nộp 10 triệu đồng nhập viện, thì không có tiền nên chúng nó đưa cô về. Cô có nói với mấy đứa, nếu có đau gì, cũng phải chạy vạy để chữa trị chứ. Không đứa nào chịu học nghề nấu bún bò của cô. Bây giờ cô nằm xuống thì ai nuôi lũ cháu?”.

Lần nhập viện thứ hai không lâu sau đó, chỉ húp được mấy muỗng cháo thì cô tắt hơi thở cuối, ở cái tuổi 63.

Tôi xót xa nhớ lời tâm sự của cô trong một lần ghé ăn sáng: “Lo đám cưới cho bé Út lần này là xong, coi như cô hoàn thành sứ mệnh dựng vợ gả chồng cho 2 đứa. Có thể sống cho riêng mình và thong dong tuổi già. Mừng thật con ơi!”. Vậy mà, chưa một lần thảnh thơi, cô đã...

Xóm chúng tôi rủ nhau viếng cô Năm, nhắc chuyện, ai cũng rơi nước mắt. Thương cô Năm, thương cả những phận đàn bà lam lũ chịu thương chịu khó quanh mình. Phụ nữ là vậy, một đời chỉ biết nuôi con rồi lại nuôi cháu, chẳng một giây phút sống cho riêng mình. Như cô Năm đấy, lúc bệnh hiểm nghèo cũng chỉ lo những đứa cháu thơ dại bơ vơ. 

Cô Năm mất, quán bún đóng cửa, mấy thanh niên phụ quán thất nghiệp, phải về quê. Con hẻm vốn nhộn nhịp người xe trở nên vắng ngắt, chúng tôi mất một điểm ăn uống quen. Nhiều lần đi qua, tôi tự hỏi, không biết gia đình ấy rồi sẽ thế nào, đàn cháu của cô nay ra sao. 

Ngày cuối năm, tôi bỗng nghe chị hàng xóm rủ ghé quán cô Năm ăn bún bò. Chị kể, anh con trai đầu của cô Năm nghỉ làm nhà nước rồi, anh rành công thức của mẹ nên nấu khá ngon, khách khen không thua gì tô bún của cô Năm hồi trước. Con dâu, con rể, con gái của cô bây giờ cũng tụ lại. Người dọn bàn, người đứng sắp tô, người dắt xe cho khách...

Tôi nghe chuyện mà vui mãi. Thôi thì, chỉ mong có nguồn kiếm sống để nuôi mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng nấu có hay dở thế nào, tôi cũng sẽ rủ bạn bè ghé ăn ủng hộ, như một cách gửi lòng thương nhớ cô Năm, mong không còn lo cho đám trẻ, dù cô đã không còn trên đời...

Nguyễn Trần Hoàng Uyển

                                                                                                  

                                             

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI