Chặng đường 50 năm của TPHCM - ký ức và những kỳ vọng

08/03/2025 - 13:57

PNO - TPHCM đã trải qua những ngày tháng không thể nào quên, nhưng cũng có những bước đi lên, lớn mạnh và có sự đóng góp vô cùng ý nghĩa trong hành trình phát triển của đất nước

Sáng 8/3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị Báo cáo viên trung ương toàn quốc tháng 3/2025 và phát động cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến Tự hào Việt Nam, nhằm tìm hiểu về 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, ông Lê Hải Bình – Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM bắt tay trò chuyện với ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM tại sự kiện
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM bắt tay trò chuyện với ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM tại sự kiện

Có mặt tại sự kiện, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương – đã kể lại ngày đầu giải phóng và xây dựng đất nước.

Lúc bấy giờ, ông đang hoạt động ở Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định vốn được Thành ủy giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng tấn công của quân giải phóng.

Ký ức không thể quên của ông là sáng 30/4/1975, nghe dân quân tuyên bố đã giành được chính quyền, quần chúng nhân dân đổ ra đường, mang cờ tràn ngập các ngả đường bất chấp hiểm nguy, bám theo xe tăng của quân giải phóng.

“Có thể nói, đó là điều bất ngờ bởi những giây phút im lặng vì không còn tiếng bom pháo, không còn tiếng máy bay ầm ĩ trên bầu trời. Trưa 30/4, thành phố im phăng phắc, chỉ còn tiếng reo hò của dân. Khí thế cách mạng tưng bừng phấn khởi. Đó là hình ảnh rất xúc động”, ông Phạm Chánh Trực nhớ lại.

Sau những khoảnh khắc vui mừng đó, lãnh đạo đã nhìn thấy ngay nguy cơ đói sẽ diễn ra, do đó, chỉ đạo các cấp tập trung giải quyết cứu đói. Ngay lập tức, các cơ sở triển khai ngay các hoạt động phát gạo, thực phẩm cho dân.

Đánh giá câu chuyện hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc sau nửa thế kỷ đất nước giải phóng, ông Phạm Chánh Trực cho rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước trong mấy mươi năm qua đã tạo sự phát triển cho đất nước, cũng là minh chứng để kiều bào suy nghĩ khác về đất nước.

Lượng kiều hối đổ về quê hương, nhiều kiều bào chọn về nước đầu tư, kinh doanh, sản xuất cho thấy mối dây liên hệ, gắn bó sâu sắc với đất nước, dân tộc.

Ở tuổi 97, đại tá tình báo lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (ông tư Cang) vẫn nhớ rõ từng sự kiện lịch sử, đặc biệt sự khốc liệt của những ngày cuối đầy ác liệt của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng đất nước.

Năm 17 tuổi, ông trở thành bộ đội và cùng đất nước trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đuổi Pháp xong, ông tập kết ra bắc 7 năm. Giữa tháng 4/1961, khi đang học ở học viện chính trị, ông được Tổng cục tình báo rút về tham gia đánh Mỹ ở Lữ đoàn biệt động Đặc công Thành phố.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Tư Cang đặt biệt nhấn mạnh những sự hi sinh, mất mát của lực lượng biệt động đặc công nói riêng và của người dân cả nước nói chung đã góp phần làm nên chiến thắng, độc lập như một lời nhắc nhở về trách nhiệm đối với thế hệ hôm nay.

Đại tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (tư Cang) chia sẻ về nhiệm vụ của ông trong trận đánh cuối cùng
Đại tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) chia sẻ về nhiệm vụ của ông trong trận đánh cuối cùng giải phóng đất nước

Chia sẻ một góc nhìn khác về TPHCM trong 50 năm qua, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHCM – nhấn mạnh về sự đóng góp của TPHCM vào quá trình đổi mới đất nước và khẳng định đó là một quá trình đóng góp đầy ý nghĩa.

Theo ông, đột phá lớn nhất là từ chỗ không thừa nhận kinh tế hàng hóa, TPHCM đã thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Và đến đại hội lần thứ VII, TPHCM đã hình thành khái niệm xuất khẩu, sau đó là xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành cơ chế sản xuất thị trường có sự đóng góp của nhân dân. Chia sẻ về những điểm nghẽn và những trở ngại trong sự phát triển của TPHCM.

Không phủ nhận hiện nay, TPHCM vẫn còn đối mặt với nhiều điểm nghẽn. Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch tin rằng, với nghị quyết 98, Trung ương đã từng bước quan tâm đến việc gỡ cơ chế cho thành phố.

Ông nhận định: “Đây sẽ là cơ hội để thành phố có chiếc áo phù hợp nhằm thực hiện tốt vai trò của mình, cũng như huy động nguồn lực, dư địa chính sách để phát triển”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ tại sự kiện
Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ tại sự kiện

Đề cập đến phương hướng phát triển của TPHCM, tiến sĩ Trần Du Lịch khẳng định, TPHCM phải tham gia, nỗ lực khá nhiều để đảm bảo tăng trưởng cả nước đạt 2 con số trong năm 2025.

Để xứng đáng là một thành phố đầu tàu, một thành phố phát triển theo định hướng quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM phải thực hiện chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đặc biệt, phải là địa phương đi đầu trong việc triển khai nghị quyết 57.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tặng hoa cảm ơn những nhân chứng của
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - tặng hoa cảm ơn những nhân chứng của quá trình giải phóng, phát triển và lớn mạnh của TPHCM trong 50 năm qua

“Hiện nay, chúng ta kỳ vọng TPHCM chuyển từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng, do đó cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hệ tầng số. Đồng thời cũng cần khắc phục một vấn đề rất lớn, đó là phát triển văn hóa mang tính đột phá và ngang bằng với sự phát triển kinh tế”, ông Trần Du Lịch nói thêm về nhiệm vụ trước mắt mà TPHCM cần thúc đẩy.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI