Chẳng còn cơ hội cô đơn

23/12/2018 - 06:00

PNO - “Ở chung cư, ba năm chưa biết tên hàng xóm” - là chia sẻ của một chị đồng nghiệp khi tôi quyết định mua nhà ở chung cư. Nhưng khi về chung cư sống, tôi mới biết chuyện đó “xưa rồi Diễm”.

Nơi tôi sống là hàng chục tòa cao ốc với hơn 10.000 cư dân nhưng lối sống vẫn chan chứa tình quê.

Chang con co hoi co don
Chung cư, ngôi nhà lớn của nhiều người - Ảnh: P.Huy

Gần 23g, loa thông báo của Ban quản lý chung cư vang lên thông tin cần hỗ trợ tìm người đi lạc. 10 phút sau, tôi xuống sân để tìm hiểu chuyện gì xảy ra thì đã có hàng trăm người tập trung bên dưới. Mọi người í ới nhau mượn đèn pin rồi tỏa ra khắp nơi để tìm một cụ bà mất tích.

Tôi được hàng xóm thuật lại rằng, hôm nay có một cụ bà bị bệnh tâm thần đến ở với con gái để chữa bệnh. Đến trưa, cụ bà đi ra ngoài rồi mất tích. Sau một lúc quan sát hình ảnh từ camera, bảo vệ phát hiện cụ bà đi về phía rừng cỏ lau bên hông chung cư. Một người đàn ông hoảng hốt: “Trong đó bùn lún lắm, phải kiếm ra nhanh không thì bà cụ sẽ gặp nguy hiểm”. Sau lời kêu gọi, nhiều người lao vào đám cỏ lau lùng sục khắp nơi với hy vọng tìm thấy bà cụ đi lạc. 

Cuộc tìm kiếm chỉ kết thúc khi lực lượng cứu hộ tìm được bà cụ đi lạc ở một con hẻm cách chung cư chừng 2km. Trở về nhà khi đã gần 3g sáng, cư dân chung cư cùng chung niềm vui khi bà cụ được an toàn. Chuyện “đội cứu hộ lâm thời” chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đẹp mà tôi từng chứng kiến từ khi về đây.

Ngày mới dọn về chung cư, anh hàng xóm sang tận nơi chào hỏi và giúp tôi khuân vác đồ đạc. Vợ chồng tôi bày tỏ sự ngại ngùng trước hành động sốt sắng của anh hàng xóm nhưng anh cười xuề xòa: “Ở đây toàn là người quê nên sống đầm ấm lắm”. Do công việc hay đi làm về muộn nên mãi hơn một tháng sau tôi vẫn chưa gặp lại anh để cảm ơn. Cho đến một hôm, gần 21g, vợ anh sang gõ cửa nhà tôi để gửi tặng miếng mít mà anh vừa mang từ quê lên. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại cầm chén sang nhà anh xin nước mắm, cũng có khi con anh sang nhà tôi “mượn tạm” vài quả ớt. Nhiều hôm, vợ tôi cười bảo: “Ở Sài Gòn hiếm có nơi nào mà giống ở quê như chung cư mình”.

Chang con co hoi co don
Ảnh minh họa

Ở chung cư tôi sống, phong trào “buôn tại gia” đang phát triển rất mạnh. Cứ mỗi lần ai về quê mang đồ quê lên thì hay rao bán rẻ để mọi người cùng được thưởng thức đặc sản quê mình. Hôm trước, biết chúng tôi sắp có con nhỏ, chị hàng xóm vừa ngỏ ý nhượng lại chiếc xe đẩy trẻ em còn mới toanh với số tiền chỉ bằng 1/4 giá gốc. Ngày trước, tôi mang chiếc kệ đựng chén bát ra định vứt thì cô công nhân vệ sinh chặn xin lại. Hai hôm sau, cô đến gặp tôi trả 20.000 đồng tiền bán chiếc kệ. Cô dặn: “Thấy chiếc kệ của con còn mới nên cô rao bán rẻ lại cho người khác 20.000 đồng, người ta mua liền. Hôm sau có gì còn dùng được, con cứ rao bán rẻ lại cho người cần chứ đừng vứt đi nhé”. Từ đó, gia đình tôi có thói quen rao bán - mua lại các mặt hàng ở trang rao vặt của chung cư.

Tháng trước, trên nhóm Facebook của chung cư đăng tải lời kêu gọi giúp đỡ một hộ gia đình ở chung cư có người chồng không may qua đời do tai nạn giao thông. Không ai bảo ai, mỗi người tự nguyện đóng góp một ít để giúp gia đình nọ vượt qua những ngày khốn khó. Sau ba ngày, số tiền 74 triệu đồng đã được chuyển đến để làm tang ma cho người chồng xấu số. Như đã thành thông lệ, mỗi lần cư dân nào ở chung cư tôi có việc cần giúp đỡ, mọi người sẽ kêu gọi nhau cùng chung tay. 

Trong bối cảnh hằng ngày ở đâu đó, người ta vừa mới bóc trần những đường dây lừa đảo hàng chục tỷ đồng; người ta sẵn sàng lừa lọc nhau chỉ vì một khoản lợi nhuận vài trăm ngàn đồng... sau mỗi ngày làm việc trở về nhà, tôi cảm nhận được tình quê vẫn ấm áp bên trong những tòa cao ốc.

Và tôi biết chúng tôi sẽ không bao giờ cô đơn trong ngôi nhà lớn của mình, khi người ta vẫn sống, vẫn quan tâm tới nhau bằng tình xóm giềng như ông bà, cha mẹ mình ở quê ngày trước.

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI