Chẳng có việc gì mang tên 'việc của đàn bà'

18/07/2018 - 16:00

PNO - Cả cuộc đời cô dành đến hơn hai phần ba cho việc đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, lau dọn, chăm sóc mọi người trong gia đình. Tôi hỏi, cô có muốn thay đổi không, cô đáp: thay đổi gì nữa, gần hết đời rồi.

Hồi nào đến giờ, người ta toàn nghe “việc của đàn bà” khi nói đến chuyện nhà cửa, bếp núc, giặt giũ, quét dọn, chăm con… Thế thì việc của đàn ông là gì? Chẳng lẽ chỉ là thưởng thức những bữa ăn đàn bà nấu, mặc những bộ đồ đàn bà giặt, bước đi trong căn nhà sạch sẽ được đàn bà lau dọn, hôn hít cưng nựng những đứa trẻ ngoan ngoãn thơm tho từ tay đàn bà chăm…?

Chang co  viec gi  mang ten 'viec cua  dan ba'

Tôi biết có những người đàn bà học thức và thành đạt, nhưng họ chưa từng biết đến khái niệm nữ quyền hay bình đẳng giới. Họ tự ôm vào người tất cả mọi việc có tên, không tên quanh mình và định danh “việc của đàn bà”.

Họ ra ngoài xã hội có khi hét ra lửa và dưới quyền họ là những người đàn ông; nhưng khi bước chân về nhà, nơi họ là bà chủ uy quyền, thì lại trở nên yếu đuối và lệ thuộc, cả về suy nghĩ và hành động.

Tôi biết có những người đàn bà chỉ trích gay gắt những người đàn bà khác vì dám “kêu gào bình đẳng giới”. Họ “dị ứng” và bĩu môi khi nghe bản tin về một phong trào gì đó liên quan đến quyền lợi phụ nữ. Họ cho đó là chuyện không cần thiết, thậm chí là “làm quá”, vì thời nay phụ nữ đã sung sướng quá rồi, còn muốn gì hơn nữa.

Một lần, tôi còn nghe câu nói này thốt ra từ một phụ nữ: “Đúng là sướng quá hóa rồ! Cứ đứng núi này trông núi nọ. Sống ở xứ này, thời này là đã sung sướng đủ đường rồi. Nhìn phụ nữ mấy nước Hồi giáo Trung Đông hay châu Phi kìa, muốn ra ngoài chạy xe đạp còn bị cấm, có nơi còn cấm không cho đi học hay xài điện thoại…”.

Chị nói đúng. Nhưng có lẽ chị quên rằng, xã hội loài người cần có những bước phát triển mới, nâng cấp để đi lên.

Tôi cũng biết một số người đàn bà quê mùa ít học nhưng lại rất tiến bộ trong cách nghĩ, cách làm. Họ biết đòi hỏi cho mình sự tôn trọng và chia sẻ. Họ giáo dục con gái không chỉ biết dạ vâng hay phân biệt việc của “đàn” nào cả.

Họ cũng dạy những đứa con trai biết vào bếp phụ mẹ và chị, biết lặt rau, rửa chén… chứ không phải nằm gác chân chờ gọi ăn cơm, hay biết ngứa mắt khi thấy cái nhà bẩn và biết vị trí đặt cây chổi trong căn nhà. 

Một lần, tôi thấy mợ chồng liếc xéo chồng tôi, đay nghiến: “Ơ, cái thằng này, mày không làm thì chết à? Việc đó không phải của đàn ông”. Đó là lúc chồng tôi xăng xái dọn cái mớ con vừa ị xong. Trong khi đó, mẹ chồng tôi lại bảo: "Chẳng có ai chết vì làm những việc nhẹ hơn sức mình. Thế nên, chỉ có việc của đàn ông. Chẳng có việc gì mang tên việc của đàn bà cả! 

Chính từ suy nghĩ, quan điểm đó… cuộc sống hôn nhân của bố mẹ chồng tôi cũng rất khác so với nhiều nếp nhà khác. Việc lớn nhỏ nào bố chồng tôi cũng xắn tay vào làm, miễn vợ con được an nhàn, thảnh thơi.

Trong khi mợ chồng tôi quanh năm cặm cụi với vô số “việc của đàn bà”, nhất là mỗi khi nhà có tiệc tùng hay họp mặt… mợ dù rất mệt nhưng không dám nghỉ ngơi, cũng không dám nhờ chồng chia sẻ chỉ vì sợ không chu toàn, sợ “người ta cười” vì để đàn ông lo việc đàn bà.  

Chang co  viec gi  mang ten 'viec cua  dan ba'

Một người đàn bà khác mà tôi biết từng kể rằng, cả cuộc đời cô dường như đã dành đến hơn hai phần ba cho việc đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, lau dọn, chăm sóc mọi người trong gia đình. Thế mà khi tôi hỏi, cô có muốn thay đổi không, cô đáp: thay đổi gì nữa, cũng gần hết đời người rồi.

Thế mới biết, đàn bà hạnh phúc phần lớn là do biết chọn lựa thái độ sống và tin rằng mình xứng đáng được yêu thương, trân trọng. Tôi rất thích câu nói của cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt, vợ của cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt: “Không một ai có thể làm cho bạn thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”. Vâng, nếu bạn muốn được yêu thương, thì trước hết hãy học cách yêu mình. 

Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI