Phóng viên: Chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo quân đội, ký ức của chị về tuổi thơ thế nào, chị có được rèn giũa bởi tính cách kỷ luật của cha, hoặc sự mạnh mẽ của mẹ?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Minh Hải: Bố tôi là thiếu tướng Nguyễn Như Thiết, ông đỗ Tú tài Trường trung học Albert Sarraut, đi theo cách mạng từ thời trẻ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 - Tư lệnh Quân khu 3; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thời chống Pháp, bố tôi là trợ lý cho đại tướng Văn Tiến Dũng. Mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Trinh, nữ Anh hùng, Đội phó Đội du kích Hoàng Ngân. Tình yêu của ông bà là nguyên mẫu trong tiểu thuyết Nhãn đầu mùa của nhà văn Đào Xuân Tùng và Trần Thanh.
Sau khi hòa bình lập lại, cha tôi thường chụp ảnh tư liệu ở đơn vị, tối cuối tuần tôi thường thấy cha lụi cụi trong buồng tối mải mê với những tấm phim. Tuổi thơ tôi còn đọng lại những ký ức như vậy. Cha là người lính, mẹ cũng là người lính. Có lẽ vì thế mà tôi được thừa hưởng tính tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống của bố, tính cần cù, chịu khó, nhẫn nại, ham học hỏi của mẹ. Bố mẹ tôi là tấm gương cho các con, các cháu noi theo.
Sau này ngẫm lại, nhiều lần thấy bố say mê với những bức ảnh như vậy, cũng dần dần khiến nhiếp ảnh trở thành một cái gì đó thân quen với tôi chăng
* Theo nghề giáo nhiều năm, có khi nào chị nghĩ mình lại có duyên nghiệp thực sự với chiếc máy ảnh không?
Tôi theo nghề giáo, rồi ngồi bàn giấy, rồi kinh doanh, kha khá nghề, nhưng trong những thời gian này, chưa bao giờ tôi nghĩ tới một ngày mình sẽ cầm máy ảnh chụp một cách chuyên nghiệp.
Năm 60 tuổi, khi công việc kinh doanh có nhiều vấn đề, tôi mệt mỏi và tìm tới nhiếp ảnh như một liệu pháp tinh thần. Nhiếp ảnh giúp tôi có những chuyến đi, những khoảnh khắc thư giãn, và từ đó, cuộc sống của tôi gắn liền với chiếc máy ảnh mà không gì có thể thay thế được.
Nhiều người hỏi tôi, khi tới tuổi hưu, chị có thấy bị hụt hẫng không, hay ngược lại, đó có phải là thời gian tự do tuyệt đối không, tôi xin chia sẻ thế này: Trước kia tôi dạy môn Hóa và làm quản lý, sau đó chuyển sang làm kế toán của Xí nghiệp Liên doanh Vietsolighter - Bộ Giao thông Vận tải, rồi chuyển qua Bộ Bưu chính Viễn thông và về hưu tại đây. Sau khi nghỉ hưu, tôi mở một doanh nghiệp tư nhân nhỏ nên không có gì hụt hẫng, bởi công việc khá nhiều.
Tôi chưa bao giờ thấy tự do hẳn về thời gian vì đến giờ, doanh nghiệp nhỏ vẫn đang hoạt động. Tôi vẫn thu xếp công việc để có những chuyến đi, chụp những bộ hình mình thích.
Việc cầm máy ảnh, với tôi chưa bao giờ là muộn, vì đam mê không tuổi tác là có thật bởi lẽ, ở tuổi nào mình còn làm việc, hoạt động, có đam mê, thì đều có ích cho bản thân, cho xã hội, và gia đình. Mỗi lần xách balo đi chụp ảnh, tôi thấy cuộc đời đáng sống và sung sướng. Tinh thần tôi trẻ lại, dù có vất vả thế nào đi nữa.
* Người chơi ảnh thì nhiều, nhưng làm thế nào để có sự khác biệt giữa một bức ảnh thông thường với một tác phẩm nhiếp ảnh nhiều ý nghĩa và phải đẹp?
Với tôi, chụp ảnh là đam mê, là cảm xúc chứ không theo một khuôn mẫu nào. Mỗi nơi mình được ghé chân tới, sẽ có cảm xúc khác nhau. Năm 2015, tôi được một anh kiến trúc sư cũng là “dân” chơi ảnh, mời vào TPHCM rồi tặng tôi chiếc máy ảnh Sony Alpha A6000. Từ đó tôi bắt đầu chụp những gì xung quanh mình. Sau này, tôi cũng đã sở hữu những con máy chuyên nghiệp hơn, phù hợp hơn. Với tôi, máy móc quan trọng đấy, có thể do tôi chụp yếu nên cần máy tốt chăng?
* Một trong những chủ đề thường thấy trong các tác phẩm của chị là di sản. Trong quá trình sáng tác, chị có nhận định gì về di sản Việt Nam?
Tôi đến với các di sản từ khi chưa chụp ảnh, tôi rất thích đi thăm thú các nơi, các làng nghề. Từ khi là thành viên của Câu lạc bộ Phụ nữ với Di sản, càng thôi thúc tôi đi tìm những làng nghề, những nơi có di sản của các địa phương để ghi lại những hình ảnh còn lại. Tôi sợ sau này mai một thì không còn tư liệu nữa. Tôi chưa biết hết, đi hết các di sản của Việt Nam nhưng tôi tự hứa sẽ cố gắng ghi lại những hình ảnh đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Tôi mong di sản của nước mình sẽ được bảo tồn, duy tu. Mùa xuân cũng là mùa mà các ký ức di sản được tái hiện, nên tôi rất thích đi chụp các lễ hội làng nghề ở các vùng miền vào mùa xuân như Lễ đền Hòa Loan ở Vĩnh Phúc, lễ vật cầu bùn ở làng Vân… Ngoài ra tôi sẽ tiếp tục chụp những nơi có các làn điệu múa cổ truyền - điệu hát cổ - những di sản phi vật thể…
Tác phẩm Phơi bột mì (Tây Ninh)
Tác phẩm Kéo cói về nhà (Bình Định)
* Chị cũng là một trong những tay máy quan tâm đến động vật hoang dã?
Lúc đầu tôi chỉ say mê hoa, nhất là hoa sen, sau đó là phong cảnh Việt Nam, rồi khi chứng kiến cảnh những con chim chiền chiện, bói cá đậu trên đài hoa, trên bông hoa sen, tôi thấy thiên nhiên đẹp quá. Mỗi lần chụp được shot ảnh những chú chim đẹp đang bay hay chim mẹ mớm mồi cho con, hay những chú bồng chanh bắt được mồi là lòng tôi lại thấy rung động. Tôi say mê những chú chim di cư, những chiều hoàng hôn với đàn cò bay qua mặt trời, những cánh chim rập rờn trong ánh bình minh lên… Tôi như ngụp lặn trong niềm hạnh phúc mỗi khi bắt được những nét biểu cảm, nhưng khoảnh khắc đẹp của các loài chim…
U70 rồi nhưng sự say mê vẫn ngày càng lớn trong tôi, dù vác máy móc không phải dễ dàng ở độ tuổi này. Ai cũng biết chụp về các loài chim rất vất vả, bởi những hoạt động bản năng của chúng. Có lúc tôi dựng lều chờ đợi, bỏ cả ăn uống, nắng như thiêu đốt, mưa xối xả, lăn lê bờ ruộng, đầm, bãi sông… nhưng vẫn không gặp được chim… Không phải lúc nào bạn xách máy đi chụp là cũng thành công.
* Được biết chị vừa có bộ ảnh rất cảm động về gia đình trong những ngày Tết, chị có thể chia sẻ với độc giả về ý nghĩa của bộ ảnh đó?
Bạn cứ đến miền quê những ngày giáp Tết, sẽ thấy sự xao xuyến của không khí Tết cận kề. Những tất bật lo toan cũng dần được giải quyết để gia đình quây quần sum vầy bên nhau, cùng gói bánh chưng, bánh tét, cùng dọn nhà dọn cửa, quét vôi quét sơn đón Tết.
Đúng là dù có đi đâu cũng phải “no” ba ngày Tết là vậy. Tôi rất yêu làng Đường Lâm, nơi còn đó những ngôi nhà cổ với tường đá ong đã vài trăm tuổi, nhuốm màu thời gian và mang kiến trúc đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Không gian mùa xuân, sum họp gia đình như đặc quánh lại, thấm đẫm thương yêu.
Mỗi lần chụp Tết quê, là một lần đưa tôi lại cảm xúc những ngày bé được người lớn đưa đi sơ tán, được ngồi xem các cô các bác gói bánh chưng ở quê. Thế nên tôi lúc nào cũng muốn lưu giữ lại những hình ảnh Tết để con cháu thấy và hiểu được những truyền thống của dân tộc.
* Những hành trình của chị, những tấm ảnh chị chụp, đều ẩn chứa sự tích cực. Là bởi cuộc sống của chị vốn viên mãn?
Không đâu, tôi đã trải qua đắng cay mặn ngọt đủ cả nên tôi rất mong những hành trình và tác phẩm của mình sẽ góp phần truyền cảm hứng cho chị em, rằng nếu có gì buồn phiền, hãy tìm cách giải quyết, tinh thần thoải mái sẽ làm được nhiều việc. Nếu có đam mê thì cứ thực hiện theo khả năng của mình, đừng ngại vượt lên chính mình!
* Kế hoạch năm 2025 của chị sẽ là gì?
Tôi đang ở Na Uy chụp bắc cực quang, đây là một chuyến đi khởi hành đầu năm mà gặp nhiều may mắn hơn cả sự mong đợi. Cực quang đêm nào cũng có và mạnh tới mức không thể ngờ. Thiên nhiên kỳ vĩ và con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Mỗi lần thấy cực quang xuất hiện là tim tôi đập thình thịch. Tôi thực sự hạnh phúc.
Nếu kế hoạch cho phép, tôi sẽ cùng anh em bạn bè đi Trung Á, Trường Sa, Nam Mỹ, Namibia, Iceland. Đó là những miền đất trong danh sách phải đến của tôi năm 2025.
*Xin chân thành cảm ơn và chúc chị cùng gia đình một mùa xuân hạnh phúc!