Chẳng có con hoang trong cuộc đời này!

20/09/2017 - 13:14

PNO - Tôi tin rằng đứa trẻ nào ra đời cũng từ tình yêu, tôi cũng không ngoại lệ. Cha mẹ tôi cũng từng yêu nhau. Để có được kết tinh của tình yêu đó, là sự xuất hiện của tôi. Chỉ có điều nó quá ngắn ngủi mà thôi.

Và sự ra đời của tôi là một vết nhơ của mẹ.

Vài tháng sau khi mang thai, mẹ tôi phát hiện bà không phải là người vợ duy nhất của cha. Người vợ cả của cha nghe nói đẹp lắm, lại thuộc dòng trâm anh thế phiệt. Bà đã đến tận nhà ngoại tôi, đưa mẹ tôi một khoản tiền, buộc mẹ tôi rời xứ và sinh nở. Bà muốn bảo vệ thanh danh của dòng tộc. Nhưng có lẽ mục đích của bà không chỉ có thế.

Chảng có con hoang trong cuọc dòi này!
Chị Ngọc và người mẹ đơn thân của mình

Ngày nay người ta gọi những người sinh con không có đàn ông bên cạnh là "mẹ đơn thân". Nhưng ở thời của mẹ tôi làm gì có "mỹ từ" đó. Những người như mẹ tôi được gọi bằng một khái niệm cay nghiệt là "chửa hoang". Và đứa con của một người "chửa hoang" dĩ nhiên sẽ là "con hoang". Vì vết nhơ đó mà mẹ tôi phải ôm cái bụng đã vượt mặt về tận Phan Thiết chờ ngày lâm bồn, đồng thời tìm một gia đình tử tế để gửi gắm đứa con bà dứt ruột sinh ra và quay về Sài Gòn làm lại cuộc đời.

Khi tôi chưa tròn một tháng tuổi, gần chỗ mẹ con tôi ở, có một gia đình vừa mất đi đứa con đầu lòng do chứng phù não. Người mẹ mất con ngực căng tức sữa, ướt đẫm chiếc áo bà ba, trông thấy tôi khóc ngằn ngặt trên tay mẹ ruột vì khát sữa, đã vội ôm tôi vào lòng cho bú. Từ những giọt sữa xa lạ nhưng nặng tình, tôi đã về làm con của bà.

Tôi chưa từng phải nghĩ ngợi gì nhiều về một mái ấm đủ đầy, bởi  ở gia đình mới này, tôi là con ruột, là chị ruột của một bầy em sau đó nữa. Cho đến khi bọn trẻ hàng xóm kháo nhau rằng, tôi là con hoang, con của một bà mẹ chửa hoang. Hai tiếng "con hoang" ám ảnh tuổi thơ tôi đến nghẹt thở! Trước mọi nghi ngại và dằn vặt ấy, cha mẹ nuôi tôi chỉ im lặng và nén tiếng thở dài.

Mọi chuyện chỉ được phơi bày khi tôi tròn 18 tuổi. Khi biết được tôi còn cha mẹ ruột ở Sài Gòn, nỗi khát khao lớn nhất trong lòng tôi là tìm lại họ. Tôi còn quá trẻ để có thể một mình đi qua thị phi và miệng lưỡi thế gian. Nên tôi cần hơn ai hết, một gia đình có cha có mẹ làm bảo chứng, rằng tôi được sinh ra trong một gia đình đàng hoàng chứ không phải là một đứa con hoang!

Nhưng đó là suy nghĩ của một cô gái mười tám đôi mươi và nhìn cuộc đời hãy còn giản đơn. Sau một thời gian lặn lội tìm được mẹ ruột, tôi vỡ ra một điều, có những thứ còn lớn hơn cả tình yêu và tình người, đó là sĩ diện và lòng thù hận. Mẹ ruột của tôi nhận tôi, dĩ nhiên, vì bà không thể chối bỏ khúc ruột của mình, nhưng lòng thù hận đã khiến bà buộc cha tôi không được nhận con của ông. Tôi trở thành đứa con không cha, từ chính thời điểm tưởng như đã tìm lại được ngôi nhà của mình.

Chảng có con hoang trong cuọc dòi này!
Ảnh minh họa

Tôi nhớ ai đó từng nói, người cha ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình cảm của con gái, và khi yêu, con gái cũng chỉ chọn một người có những điểm tương đồng với cha mình. Hình ảnh người cha qua lời mẹ tôi, tệ quá. Nên suốt một thời gian dài tôi đâm nghi ngại tình yêu, và việc chọn người để gắn bó cuộc đời cũng có gì đó không toàn vẹn. Tôi không thể trách mẹ vì đó là cảm xúc cá nhân của bà, nhưng không thể không chạnh lòng khi nghĩ đến đấng sinh thành của mình. 

Mãi đến khi cha tôi gần đất xa trời, mẹ tôi mới chấp nhận ước nguyện cuối cùng của ông là được nhìn con. Những tháng ngày ngắn ngủi được "có cha" sau hơn nửa cuộc đời "không cha", thật sự không phải là khoảng thời gian bù đắp cho những thiệt thòi của một đứa trẻ mang tiếng con hoang. Dù sĩ diện, lòng thù hận và định kiến xã hội có thể là rào cản của mọi mối quan hệ, nhưng có một điều luôn luôn bất biến: người đàn ông này là cha tôi. Dòng máu đang chảy trong người tôi là một phần máu thịt của ông. 

Ngày cha mất, mẹ tôi đến viếng như một người khách lạ. Nhưng chiếc áo sô trắng của tôi và vành khăn tang trên đầu các con nhắc tôi về huyết thống, một điều không ai chối bỏ được. Người ta nói những đứa trẻ "không cha" sẽ thiệt thòi, nhưng tôi không nghĩ vậy. "Không cha" chỉ là khái niệm dành cho những người con không được ở bên cạnh cha mình vì một lý do nào đó. Nhưng thực tế là bất cứ đứa trẻ nào cũng được tạo ra từ những người cha. Đã là máu thịt thì nó hữu hình bằng xương bằng thịt. Hoàn toàn không phải là một mối quan hệ vô hình. 

Và vì vậy, chẳng có ai là đứa con hoang trong cuộc đời này.

Hồng Hạnh
(ghi theo lời kể của chị Võ Thị Ngọc, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI