Chẳng cần mùi hương

10/02/2025 - 15:06

PNO - Nhổ tóc sâu cho má, tôi chợt tự hỏi, có phải má sợ hương thơm sẽ gợi nhắc và làm thức dậy những khát khao.

Nhà có 2 chị em. Ba tôi bệnh mất sớm, má một mình gánh gồng chăm lo cho chị em tôi và trả nợ vay mượn thuốc thang cho ba.

Má bán hàng ăn trong xóm chợ. Chợ phình to dần đến xóm tôi, má không phải gánh hàng đi về nữa mà mở quán tại nhà. Rồi má nấu thêm nồi cơm và kho ít đồ mặn để bán cơm trưa bình dân. Quán có thêm cô Thoa phụ bếp, chị em tôi từ đó chỉ việc học hành.

Những lúc vắng khách, má thường nhờ Hà nhổ tóc sâu. Hà nhét cái nhíp vô tay tôi, chun mũi nói: “Em ghét tóc má đầy mùi hành tỏi, mắm muối”. Tôi thấy cô Thoa giật mình kéo đuôi tóc đưa lên mũi. Hôm sau, cô Thoa khoe mới mua chai dầu gội loại khác mắc tiền hơn mà thơm lắm, lại còn ngăn mùi bám vô tóc. Cô Thoa nói sẽ mua tặng má tôi một chai. Má kêu lên: “Thôi đừng, chị có ai đâu mà xài loại mắc tiền chi cho tốn kém”.

Từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với việc má chắt chiu dành dụm. Vậy nên câu nói đó tôi nghe như một điều quen thuộc. Tôi khi đó đã không hiểu được sâu xa.

Cho đến khi tôi biết yêu, biết nhớ nhung và trong giấc mơ cũng thoảng mùi nước hoa của người…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cho đến khi cuộc tình tan vỡ, ngón tay dễ dàng nhấn xóa những tin nhắn hẹn hò và bao tấm ảnh gợi nhắc kỷ niệm mà tôi không muốn nhớ tới nữa, nhưng làm sao xóa được làn hương. Rất lâu sau đó, tôi vẫn còn ngẩn ngơ khi người lạ ngang qua mang theo mùi hương ngày cũ.

Nhổ tóc sâu cho má, tôi chợt tự hỏi, có phải má sợ hương thơm sẽ gợi nhắc và làm thức dậy những khát khao. Có phải lời từ chối mùi thơm của chai dầu gội đắt tiền cũng là cái lắc đầu, không cho những điều thầm kín có cơ hội trỗi dậy, là từ chối những tơ vương có thể xảy ra để giữ được sự yên ổn cho chị em tôi?

Tôi nhớ, có lần Hà hầm hừ kể: “Mấy bữa nay chú Minh kỳ ghê. Ngày nào cũng tới ăn cơm rất trễ, khi không còn người khách nào, để trò chuyện với má”.

Chị em tôi hứa với nhau sẽ làm này làm kia bù đắp cho má, nhưng chưa làm được gì thì tôi lấy chồng rồi sinh con, khiến má thêm việc. Vợ chồng tôi đi làm, cứ gửi cu Tí cho bà ngoại cả ngày. Ừ thì má bán quán tại nhà nên tiện thể chăm cháu, chiều vợ chồng tôi về ghé đón cu Tí rồi ăn cơm quán má luôn cho tiện.

Lùa tay nhổ tóc sâu cho má, thấy có nhiều sợi bạc sớm, tôi muốn khóc khi nhận ra chị em tôi đã vô tâm biết bao.

Cú đột quỵ của má khiến cả nhà chao đảo. Sau 3 tháng má nằm viện với niềm hy vọng hồi phục ngày càng mong manh, tới lúc cả nhà phải chấp nhận. Vợ chồng tôi đưa má về thăm quán, má vui thấy rõ.

Ban ngày, má ngồi xe lăn, vui vẻ nhìn cô Thoa nấu nướng và khách tới ăn, chiều tối cô Thoa đóng cửa quán thì Hà đi làm về. Tôi tới thăm, thấy má nghiêng tai nghe Hà nói. Hà vừa xoa bóp cho má vừa kể chuyện công ty. Nghe Hà ríu rít một hồi thì má mơ màng ngủ.

Hà dặn tôi nhớ tắt chuông điện thoại. Hà kể hôm bữa có đứa bạn gọi điện thoại rủ đi cà phê, Hà nhờ cô Thoa tới với má để Hà đi chơi. Cô Thoa nói má khóc từ lúc Hà đi. Từ đó, nghe tiếng chuông điện thoại thì má sợ lắm.

“Là má sợ em bỏ má một mình” - tôi nói. Hà cười: “Em cũng nghĩ vậy, nên thôi chẳng đi đâu nữa cho má được an lòng”.

Hà tự nguyện cũng như má ngày xưa, nhưng tôi khi đó vô tâm, dại khờ không hiểu. Còn nay, tôi nhói lòng nhìn em gái mình ngoài 30 mà ngày nào cũng chỉ lui tới trên một con đường từ nhà đến công ty và ngược lại cùng những buổi tối giống hệt nhau.

Không có người nhìn ngắm, không cần làm đẹp nên áo quần không cần thướt tha, không cần trang điểm và cũng không mùi thơm nước hoa. Hà đang lặp lại má, có phải? Tôi không muốn em gái mình như vậy nhưng biết làm sao đây? Tôi nghe buốt trong tim, thương má, thương em mình quá đỗi.

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI