Nhưng cần gì phải là kép đẹp mới nổi tiếng, Quốc Thịnh bấy lâu nay đã gắn liền với các nhân vật hài hài, tưng tửng mà mỗi lần xuất hiện đều đem đến tiếng cười cho khán giả.
Rất nhiều nhân vật của anh có kiểu diễn, kiểu thoại nhấn nhá khiến khán giả cười lăn lộn, như ông Bảy Dúi trong Con ma nhà họ Hứa hay anh chàng An Hội nói giọng Huế rặt trong vở Những giấc mơ lóng lánh… Thịnh thường diễn hài nhưng anh không gây cười từ điệu bộ, hình thể mà từ các tình huống, qua cách diễn, cách thoại.
Điểm tựa bình yên, vững chãi của diễn viên Quốc Thịnh
|
Kịch cà phê - Một thời để nhớ
Hơn mười năm trong nghề, Quốc Thịnh đã chứng tỏ được mình là một diễn viên có khả năng vào vai nhiều kiểu nhân vật khác nhau, từ vai chính đầu tiên - một đứa con phá phách, hư đốn - trong vở Bàn tay của trời cho tới vai diễn gần đây nhất là anh Củi vừa khôi hài vừa bi thương trong vở Bên đàng dệt mộng.
Nhớ ngày mới tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật năm 2005, Quốc Thịnh mừng húm khi được đạo diễn Ái Như giao vai trong vở Ngôi nhà của những linh hồn. Tuy nhiên, thời đó, thành phố có ít sân khấu kịch, nên cơ hội dành cho sinh viên mới ra trường không nhiều. Diễn viên trẻ phải tự tạo sân chơi bằng cách lập nên những nhóm kịch đi diễn ở các quán cà phê. Thịnh cùng những người bạn là Thanh Tuấn, Tuyết Mai (bây giờ là vợ anh)… tự viết kịch bản, dàn dựng, diễn ở quán cà phê Bệt (Q.3, TP.HCM). Không gian nhỏ bé ấy là nơi Thịnh thỏa ước mộng diễn viên, được tương tác với khán giả.
Phóng viên: Quốc Thịnh bây giờ hừng hực ngọn lửa đam mê nghề. Nhưng từ thời điểm nào anh mới thật sự cảm thấy sân khấu là nơi dành cho mình?
Diễn viên Quốc Thịnh: Mặc dù khi vào Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, tôi thấy mình học hành thoải mái, tự nhủ “mình học đúng nghề rồi đây”, ra trường được cô Ái Như giao vai liền nhưng lúc đó tôi chỉ thấy thích thích. Phải đến năm 2009 - thời gian diễn kịch ở quán cà phê Bệt - tôi mới cảm nhận được rõ ràng niềm đam mê của mình.
Ở không gian chật chội đó, chúng tôi được làm nhiều thứ từ dàn dựng, xử lý kịch bản cho tới diễn xuất... Tuy là những vở diễn ngắn trong quán nhỏ, nhưng chúng tôi diễn rất hưng phấn. Làm “kịch cà phê”, chúng tôi phải động não khá nhiều, phải kể trọn câu chuyện của mình trong chừng một giờ, tiết chế đạo cụ để phù hợp với không gian nhỏ, không được âm thanh, ánh sáng hỗ trợ nhiều…
Đó là quãng thời gian non nớt nghề dư nhiệt huyết. Nhờ thường xuyên làm những việc nho nhỏ ở đó mà tôi biết được nhiều thứ, có những kinh nghiệm có thể áp dụng trên sân khấu lớn. Đó là nơi chúng tôi tìm tòi, tự do làm điều mình muốn. Kịch cà phê cho phép diễn viên trẻ thử, rút kinh nghiệm rồi dần dần định hình chính mình, trưởng thành, tự tin hơn trên sân khấu.
* Nhưng đó chỉ là sân chơi, còn nếu nhìn nhận về chuyên môn thì diễn viên phải khẳng định mình ở sân khấu lớn?
- Đúng rồi. Diễn viên trẻ phải tìm cơ hội ở những sân khấu lớn, nơi có những diễn viên gạo cội hướng họ đi. Kịch cà phê là một sân chơi nhiều kỷ niệm nhưng muốn giỏi nghề thì phải đứng trên sân khấu lớn. Nếu mức giỏi nhất của diễn viên ở kịch cà phê chỉ khoảng 7, 8, thì các cây đa, cây đề sẽ giúp bạn lên được 9, 10.
* Có vẻ lứa diễn viên thế hệ sau này có nhiều cơ hội hơn lứa diễn viên các anh ngày đó?
- Xét về cơ hội để người ta biết đến thì lứa diễn viên sau có phần trội hơn, nhưng muốn là một diễn viên giỏi trên sân khấu, tất cả đều phải nỗ lực. Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật không cho sinh viên chạy show, chúng tôi ít có cơ hội diễn, nhưng bù lại được học căn bản rất vững.
Quốc Thịnh gây ấn tượng với vai đứa con phá phách, hư đốn trong vở Bàn tay của trời
|
Chỉ làm khi điều đó khiến mình rạo rực
Không phải con nhà nòi, cũng không có lợi thế về ngoại hình, nhiều người sẽ nghĩ Quốc Thịnh vất vả lắm mới đứng được trên sân khấu lớn như ngày nay. Thật ra, Thịnh bước đi bình thản, không sốt ruột và cũng không thấy mình vất vả, khổ sở. Chắt chiu từng vai diễn, dành thời gian trọn vẹn với nhân vật khi tập cũng như khi diễn, kinh nghiệm từ đó mà tích lũy được nhiều để tạo nên một diễn viên Quốc Thịnh có bản lĩnh sân khấu như hiện nay.
* Trong giới nghệ sĩ, anh cùng một vài người bạn của mình như đi trên một con đường khác, không ồn ào mà từ tốn làm nghề?
- Tôi thấy “lộ trình” như mình là đúng: mới ra trường thì khá chật vật để có vai diễn, rồi từ vai tâm lý nhẹ đến vai nặng ký. Theo logic thì phải như vậy. Nếu mới ra trường mà có cơ hội lớn tôi cũng không dám nhận bởi sẽ làm không nổi, kiểu như mình đang học lớp Một thì sao làm được toán lớp Năm. Cứ từ từ, chậm mà chắc là phương châm sống và làm việc của tôi.
* Nói vậy chứ khái niệm thời gian dài ngắn mỗi lúc mỗi khác. Với những người trẻ hối hả bây giờ, việc mất hơn mười năm mới được khán giả chú ý là khá lâu đấy. Vì vậy, họ phải tìm cách để mọi người biết mình, chẳng hạn như liên tục xuất hiện ở các game show truyền hình, còn năng lực thì từ từ khẳng định sau. Có thật là anh không sốt ruột?
- À, tôi thì khác. Cái gì khiến tôi hưng phấn thì tôi mới làm, nói nôm na là tôi sẽ làm khi đứng trước điều đó hay nghĩ về điều đó lòng tôi thấy rạo rực. Game show cũng vui nhưng tôi không hứng thú lắm.
Quốc Thịnh trong vở Giấc mộng vàng son
|
* Với tình hình sân khấu kịch khá buồn như hiện nay, có khi nào anh cảm thấy mất hưng phấn?
- Còn khán giả đến xem là tôi còn hưng phấn, chỉ khi nào mở màn ra mà không thấy ai, lúc đó mới “buông súng”. Ở góc độ diễn viên, tôi chỉ biết nỗ lực để làm tốt hơn và hướng đến khán giả nhiều hơn.
* Anh hướng đến khán giả, vậy khán giả đang nói gì về anh?
- Nói chung, chín người mười ý. Khán giả rất tế nhị, tôi chỉ cảm nhận được có người chưa khoái mình lắm. Họ không nói thẳng lý do mà thường nói theo kiểu khích lệ mình. Bây giờ có nhiều kênh tương tác như trực tiếp ở sân khấu hay Facebook… nên tôi cảm nhận được. Nếu cảm thấy họ đúng thì tôi tiếp thu và sửa dần.
* Anh diễn hài rất duyên. Đó là cái trời cho hay anh phải tập mới có?
- Chỉ có 1% là trời cho nhưng 1% đó rất quan trọng vì phải có nó thì mới có được 99% còn lại. Làm sao để khi mình diễn hài cả mấy trăm khán giả đều thấy mình duyên thì phải học. 99% này có từ việc học, từ kinh nghiệm sống và từ kinh nghiệm diễn xuất (như biết quăng câu thoại đến đó thì khán giả sẽ thích, thêm một chút sẽ vô duyên, thiếu một chút thì không cười được...
Vợ chồng diễn viên Quốc Thịnh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và mái ấm nhỏ của họ
|
* Những “miếng hài” anh quăng ra có phải bàn với đạo diễn nhiều không?
- Có khi bàn khi không mà thường là ít bàn, chỉ khi ra sàn tập tôi sẽ thêm vào những câu thoại, biểu cảm ngoài kịch bản. Từ đó, đạo diễn sẽ thấy phù hợp hay không để chỉnh sửa tiếp.
* Anh có bao giờ “tơ tưởng” tới dạng vai dành cho kép đẹp không?
- Tôi không đóng kép được rồi. Tuy nhiên, kép chỉ là một dạng vai, còn vô số dạng vai khác không chú trọng lắm đến vẻ đẹp ngoại hình, cho tôi thỏa sức thể hiện (cười).
|
Tạo hình ấn tượng của Quốc Thịnh vai Lôi Chấn Bảo trong vở Vườn nho đắng |
Biết cách làm chủ cuộc đời mình
Quốc Thịnh may mắn có người vợ (diễn viên Tuyết Mai) cùng quan điểm với mình, luôn song hành cùng anh trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Từ chuyện nghề đến chuyện nhà, vợ chồng anh có nhiều thứ phải làm và họ luôn sắp xếp ổn thỏa. Đây là thời điểm Thịnh thấy cuộc sống của mình khá ổn, về gia đình với hai đứa con, về công việc cũng như thu nhập.
* Nhiều người than rằng, thu nhập ở sân khấu “bèo” quá nên họ trụ lại không nổi, phải chạy show nhiều. Anh thì có vẻ vẫn yên ổn sống với sân khấu?
- Có show chạy thì tốt chứ, miễn là sắp xếp thời gian cho ổn thỏa. Ngoài diễn trên sân khấu, vợ chồng tôi còn đóng phim và viết kịch bản. Làm luôn tay luôn chân, nhất là khi sinh đứa con thứ hai thì chúng tôi càng phải làm việc nhiều hơn. Nghề này nếu chịu làm thì không hết việc. Vả lại, nhu cầu của vợ chồng tôi không nhiều nên thu nhập như hiện tại là ổn.
Nhân vật Bảy Dúi của Quốc Thịnh trong vở Con ma nhà họ Hứa khiến khán giả cười không ngớt
|
* Nhiều việc vậy nhưng tôi thấy vợ chồng anh vẫn thong dong?
- Vì chúng tôi sắp xếp thời gian chu đáo, không để việc này chồng lên việc kia. Sáng đưa con đi học, tôi ngồi cà phê nghĩ ngợi một chút, coi như nạp năng lượng, rồi đi làm. Về công việc, tôi sẽ ưu tiên nơi nào có lịch trước, ví dụ lịch tập kịch hôm nay lúc 5 giờ thì tôi sẽ báo trước lịch với đoàn phim và xin kết thúc phần mình lúc 3 giờ. Tập là dành trọn tâm trí cho buổi tập, diễn là dành trọn tâm trí cho buổi diễn. Tôi rất ghét việc nhận show chồng chéo rồi lúc nào cũng hớt hải… Mỗi người phải biết cách làm chủ cuộc đời mình, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Cứ đi miết thì thành đường
Hồi mới ra trường, tôi tâm niệm cứ diễn như thầy cô dạy, rồi diễn nhiều, va chạm với nhân vật nhiều thì mình sẽ nhận ra cái chất của mình. Cứ đi miết thì thành đường, chứ biết có cái gì phía trước mà tìm kiếm. Chắc cũng chẳng có ai ngay từ đầu định hình được phong cách. Lúc đầu, tôi cũng đâu nghĩ mình là diễn viên hài, diễn nhiều, vừa diễn vừa “đo” khán giả thì thấy mình hợp với kiểu hài như vậy và khán giả thích, thế là tôi biết mình đã đi đúng đường.
Diễn viên Quốc Thịnh
|
Lâm Hạnh (thực hiện)
(Ảnh nhân vật cung cấp)