Chẳng ai sinh con vì… tiền thưởng!

30/10/2021 - 17:29

PNO - Dự thảo mới về Luật Dân số với mức thưởng khá cụ thể cho vợ chồng sinh hai con ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... khiến cộng đồng xôn xao.

Nội dung Dự thảo có phần quy định mức thưởng tiền và một số chế độ hỗ trợ cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở các tỉnh thành có mức sinh thấp (gồm 21 tỉnh thành chủ yếu ở phía Nam).

Nhiều gia đình đọc tin xong, bỗng nhiên phải… suy tính. Nhưng tính chưa được bao lâu, họ đã chốt: “Kể ra nhìn tiền thưởng thì cũng vui, vì được nhà nước quan tâm, nhưng... không ham. Đang yên đang lành thêm đứa nữa làm gì. Muốn sinh thì không cần tiền thưởng cũng sẽ sinh”.

Vợ chồng Tâm (34 tuổi, nhân viên marketing tại một tập đoàn, hiện sống tại TPHCM) mới sinh 1 đứa con. Nay con đã 6 tuổi, Tâm bỗng nhiên trở thành đối tượng được chúc mừng khi bạn bè bàn về dự thảo mới của Luật Dân số.

Nhưng đáp lại lời cổ vũ: “Đẻ đi nữa chờ chi!” của những người xung quanh, Tâm dửng dưng như không.

Cô nói: “Vợ chồng mình trước nay vẫn quán triệt tinh thần chỉ sinh một đứa để chăm lo con được tốt nhất. Nghĩ xem, tiền thưởng tính ra chỉ được khoảng 8 triệu nhưng kéo theo sau đó là một ngàn nỗi lo. Nào là xoay tiền ăn uống, sinh hoạt, đến tuổi đi học lại không đủ tiền cho cả hai đứa vào trường tốt nhất. Rồi bây giờ thằng Tôm vừa lớn, mình đang nhàn, đẻ đứa nữa lại phải lao vào… “kiếp bỉm sữa”. Nghĩ đến đã thấy hãi rồi nên nhà nước thưởng thế thì không đủ động lực được đâu”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vợ chồng Tâm trước nay không phải thuộc kiểu quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” mà luôn muốn mọi thứ phải diễn ra trong kế hoạch.

Như cách đây 6 năm, trước khi sinh con trai đầu lòng, hai vợ chồng đã bàn nhau phải tích lũy đủ tài chính để lo cho con trong suốt 3 năm và chuẩn bị một khoản dự phòng để khi con đi học là có thể đảm bảo để học trường tư từ mẫu giáo đến ít nhất là hết cấp II. Vì vậy nên cưới nhau xong, hai vợ chồng không vội gì tính chuyện sinh con mà tập trung làm kinh tế.

Đến nay, mọi chuyện vẫn đang đi đúng kế hoạch và vợ chồng lại tính đến lập kế hoạch của giai đoạn 5 năm lần thứ 3. Trước mắt là chuyển từ nhà chung cư xuống nhà mặt đất, đổi từ xe tiền trăm sang xe tiền tỷ và có vài miếng đất dắt lưng ở thành phố chứ không phải là sinh con.

Vậy nên, với dự thảo mới của Luật Dân số, vợ chồng Tâm chẳng mảy may xoay chuyển. Cô nói: “Đẻ thì tự mình có kế hoạch để đẻ chứ không phải là vì ai hối thúc hay vì một khoản tiền thưởng nào đó.”

Thực tế thì rất nhiều người đồng tình với nhận định của Tâm, dù đang trong hoàn cảnh nào đi nữa. Dự thảo mới về tiền thưởng khi sinh con thứ 2 trở thành một chuyện để mang ra bàn luận giữa các cuộc chuyện trò cho vui hoặc trở thành đề tài để nhiều người than vãn về nỗi khổ khi phải nuôi con. Bởi một đứa trẻ không phải sinh xong là xong, kéo theo đó là cả một núi lo.

Huế (30 tuổi, nhân viên kế toán tại một công ty tư nhân tại Bình Dương) chia sẻ: “Em vì lỡ có bầu trước mà phải lấy chồng khi mới 23 tuổi. Vì cơ địa yếu nên em phải nghỉ việc để dưỡng thai. Sau khi sinh con xong, không có ai chăm giúp và không có tiền thuê giúp việc nên em cứ thế ở nhà thêm 2 năm nữa cho đến ngày con đi nhà trẻ được. Em mất hơn 1 năm loay hoay, khó khăn lắm mới tìm được công việc và “tái hòa nhập xã hội trở lại”.

Kinh tế 2 vợ chồng chưa đâu vào đâu, lại phải chăm con nhỏ, em xoay vần cả ngày mà cũng vất lắm. Nên giờ nghĩ đến chuyện đẻ thêm đứa nữa là em sợ lắm. Sợ đủ thứ từ công việc, sức khỏe, cảnh chăm con nhỏ đến chuyện lo cho tương lai của các con. Một đứa lo chưa xong, tính gì đến đứa thứ 2. Nhà nước có thưởng gấp mấy em cũng không đẻ nữa đâu”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhìn cảnh 2 vợ chồng và một đứa con sống chật vật trong một phòng trọ nhỏ ở Bình Dương chắc ai cũng sẽ hiểu vì sao Huế lại chia sẻ như vậy. Nên mặc dù ông bà nội ngoại đều neo cháu, thường xuyên gọi điện vào để giục Huế sinh thêm con, Huế cũng lắc đầu.

Chồng Huế thì thế nào cũng được, bởi anh là công nhân xây dựng, cũng chẳng mấy dịp ở nhà để đỡ đần vợ được nên anh tùy thuộc mọi quyết định vào vợ mình. Anh cũng không ép Huế vì anh biết vợ vất vả như thế nào và đồng lương của anh cũng phụ thuộc vào mưa nắng chứ không hẳn là ổn định quanh năm.

Huế thì cương quyết và rõ ràng: Một lần lỡ mang bầu là quá đủ rồi. Nên khoản tiền thưởng khoảng 7-8 triệu chắc chắn không khiến cô đủ liều để… tháo vòng tránh thai.

Dạo quanh một vòng các diễn đàn sẽ thấy dự thảo mới của Luật Dân số dù không tác động lớn đến quyết định sinh thêm con của các cặp vợ chồng nhưng lại khiến cho những gia đình có ý định sinh con thứ 2 vui mừng. Bởi trong khi kế hoạch sinh thêm con thứ 2 vốn diễn ra như bình thường thì nay lại nhận được một khoản tiền thưởng nếu như dự thảo được thông qua.

Hân (28 tuổi, hiện đang sống tại TPHCM) là một trong số đó. Bà mẹ một con không khỏi háo hức chờ đợi: “Dù không có tiền thưởng thì cũng sinh con nhưng có tiền thưởng thì tất nhiên là… phấn khởi hơn rồi”.

Tuy nhiên Hân cũng lo lắng một chút khi trong dự thảo có phần phải cam kết không được sinh con thứ 3: “Mình thích đông con nhưng nếu phải cam kết không được sinh con thứ 3 nữa thì chưa biết có nên nhận tiền thưởng không? Và mình cũng thắc mắc là nếu như sinh con thứ 2, cam kết không sinh con thứ 3 nhưng sau đó chưa kịp dùng biện pháp tránh thai mà nhỡ có bầu con thứ 3 thì sao? Khi đó, mình có phải trả lại tiền thưởng đã nhận trước đó hay là bị phạt không?”.

Có thể thấy không phải một khoản tiền thưởng là đủ để thay đổi quyết định sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Bởi việc sinh thêm con trước nay vốn phụ thuộc vào hoàn cảnh, cách tính toán, kế hoạch của mỗi gia đình và đôi khi là cả… ý trời nữa chứ không phải là tác động từ xa, chỉ mang tính thời điểm. 

Linh Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI