Chẳng ai như má chồng tôi

07/10/2021 - 05:55

PNO - Chắc chẳng ai có kiểu cách giống như má con tôi. Má chồng gì mà con dâu bệnh là bữa cơm nào cũng bưng chén, đút cho từng muỗng...

Tôi về làm dâu má trên 30 năm. Khi ấy, má đã qua tuổi 50 mà vẫn còn trẻ và đẹp lắm. Tính má vui, rất hiếu khách. Má nấu đồ ăn ngon và sạch sẽ bắt ớn. Đó là nhận xét ban đầu của tôi khi sắp làm dâu bà.

Đám cưới chúng tôi không có mặt cả hai người cha. Cha chồng tôi đã mất còn cha tôi thì phản đối kịch liệt. Chỉ có hai người mẹ và những nụ cười xen lẫn nước mắt. Má vốn yếu đuối hơn mẹ tôi nên khóc nhiều.

ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: INTERNET
ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: INTERNET

Sau ngày cưới, tôi bàn với má làm gánh bún kiếm đồ ăn sáng cho cả nhà. Chiều lại, hai má con nấu xoong chè để có thêm tiền chợ. Má đồng ý ngay vì gia đình khi đó đã thêm tới mấy người, thêm nhiều khoản chi mà thu nhập lại ít ỏi.

Chồng tôi là công nhân gò hàn sườn xe đạp, ăn theo sản phẩm đâu được mấy đồng; má lại vừa thôi việc ở trường cao đẳng kỹ thuật, không có lương hưu.

Má nấu bún, chè ngon khỏi chê; lại sạch sẽ, tinh tươm nhưng người bán phải là tôi mới hy vọng có lời, cũng do má có tính hay thương người. Tỉ như một ký bún phải gắp đủ tám tô. Má nói: “Sao lõng bõng dữ vậy con? Vậy sao nẫu ăn no?”…

Vậy là mỗi tô má thêm dăm cọng bún, lát chả cá, miếng thịt, nhúm rau… Thêm đồ nhưng đâu thể thêm tiền. Vậy là lỗ. Sau này, hai má con nhận bán mồi cho một quán nhậu gần nhà, vẫn cảnh cũ tiếp diễn.

Tôi ngồi bán từ lúc xế chiều cho tới tối, thể nào cũng giữ được tiền vốn cho gánh hàng và kiếm được tiền chợ cho ngày hôm sau. Giao cho má chừng một, hai tiếng là thất bát ngay. Tôi biết có mấy người thường canh lúc má ngồi bán để mua cho rẻ. Má hiểu nhưng vẫn vậy vì người mua có khác gì kẻ bán, cùng một cảnh túng ngặt như nhau. 

Má luôn tự nhận xét: “Mình có tính tào lao nên giữ tiền bạc trong nhà nguy hiểm lắm”. Chúng tôi hay nói với nhau là má nghèo đôi khi lại may. Nếu giàu, chắc má sẽ bị lừa gạt hoài. Má đáp lại nhẹ hều: “Ờ! Lũ bây nói chắc đúng đó!”.

Tính má dễ chịu nên bạn bè của các con rất thích. Nhà tôi chật chội nhưng rộng lớn những thân tình nên đâu mấy khi vắng khách. Bạn anh cũng là bạn em. Bạn của dâu cũng là bạn của con gái. “Thôi, xúm xít lại hết. Có gì ăn đó, hử?” là câu quen của má mỗi khi tới giờ cơm mà khách vẫn chưa rời bước. 

Má đối với tôi không có chút gì là mẹ chồng - con dâu nên nhiều người cứ tưởng tôi là con gái của má. Bất cứ chuyện gì hai má con cũng kể cho nhau nghe và cùng sẻ chia. Chắc chẳng ai có kiểu cách giống như má con tôi. Má chồng gì mà con dâu bệnh là bữa cơm nào cũng bưng chén, đút cho từng muỗng, còn vừa năn nỉ vừa giỡn, nói: “Há miệng to đi, con cho má: “ùm” nè!”.

Tình cảm giữa má con tôi khiến nhiều người ganh tỵ. Ngay cả mấy đứa em chồng tôi cũng thường nói: “Sao má cái gì cũng chị Hai, chị Hai hết”. Má cười: “Chị Hai bây không con, có bao nhiêu tình thương nó trút hết cho tao. Còn tụi bây lo thương con tụi bây, chứ có đâu tới tao?”.

Đôi khi nghe, tôi cay mắt và chợt sợ một ngày không còn má để vui khi má khỏe, để lo khi má đau, để pha sữa cho má uống, để tắm cho má mát… 

Cuộc sống chung cũng có lúc này, khi khác. Tôi nhận ra trong ngần ấy thời gian làm dâu má, cái chính vẫn là tình cảm, sự chân thành. Nếu không, sao má có thể bỏ qua những sai sót của tôi và nếu không, sao tôi có thể hết lòng yêu thương má và tận tụy chăm sóc. 

Nhà quạnh vắng và buồn khủng khiếp khi má mất. Theo thời gian, có vẻ chúng tôi cũng đã dần quen, nhưng sắp tới ngày giỗ má, quá nhiều kỷ niệm tưởng quên bỗng bật lên cho lòng tôi ngập đầy thương nhớ.

Mới đó mà đã trên 10 năm má đi xa. Thật xa… 

Nguyễn Mỹ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI