Chặn xe cấp cứu: Vô cảm, coi thường tính mạng con người

23/10/2024 - 18:21

PNO - Chặn đầu xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ, lại còn thách thức "Mày ngon thì tông vô coi", người đàn ông đang coi thường tính mạng của mình và người khác.

Tối ngày 21/10, lực lượng chức năng đã mời làm việc ông Đ., người chặn xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM đang làm nhiệm vụ.

Với hành vi "không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ", ông Đ. sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.

Ông Đ. nói rằng ông chặn đầu là do bị xe cấp cứu ép. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã thu thập chứng cứ và xác định ông Đ. đi xe máy phía trước xe cấp cứu rồi chặn đầu xe.

Lực lượng chức năng cũng xác định xe cấp cứu không ép xe ông Đ.

Sự việc xảy ra vào 23g32 đêm 19/10. Anh Kh., tài xế xe cấp cứu cho biết, trung tâm nhận tin có người bị tai nạn ở hương lộ 3 (quận Bình Tân) cần cấp cứu, anh lái xe cấp cứu đi đón bệnh nhân.

Xe mở đèn ưu tiên chạy từ đường Lý Thường Kiệt (quận 10), khi đến giao lộ Lữ Gia - Nguyễn Thị Nhỏ (phường 9, quận Tân Bình) thì bị người đàn ông đi xe máy chở một người lớn và trẻ em chặn đầu. Người này xuống xe to tiếng và chỉ vào mặt tài xế xe cấp cứu thách thức: "Mày có ngon thì tông vô coi", trong khi, tài xế xe cấp cứu không mâu thuẫn hay va chạm gì với xe máy.

Người đàn ông chặn đầu xe cấp cứu và thách thức
Người đàn ông chặn đầu xe cấp cứu và thách thức

Hành vi của Đ. cho thấy sự hung hăng, vô cảm, coi thường tính mạng của bản thân và người khác, khiến rất nhiều người bất bình. Thời gian cấp cứu được tính bằng phút bằng giây, xe cấp cứu là xe ưu tiên, được các phương tiện nhường đường, vậy nhưng lại có người không những không nhường đường còn tìm cách cản trở.

Ngay từ nhỏ, tất cả học sinh đều được học về việc phải nhường đường cho xe ưu tiên, trong đó có xe cấp cứu. Và chúng ta không khó để thấy cảnh, khi xe cấp cứu hụ còi trên đường, mọi người đều biết, đều ý thức tránh qua một bên hoặc dừng lại nhường đường. Là bởi, ai cũng biết đó là luật, và biết thêm rằng, mạng người rất quan trọng, đến bệnh viện trễ 1 giây cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hành vi chặn đầu xe cấp cứu của ông Đ. không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân anh ta, làm chậm quá trình đến bệnh viện của bệnh nhân trên xe cấp cứu mà còn gây cản trở giao thông, ảnh hưởng trật tự công cộng và có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu là xe được quyền ưu tiên. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường và không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển xe gắn máy có hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Ngoài ra, nếu vì sự cản trở này dẫn đến người trên xe cứu thương không được cứu chữa kịp thời và tử vong thì người cản trở có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiết nghĩ, mức phạt 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi của ông Đ. là quá nhẹ. Để không còn xảy ra những trường hợp tương tự, nên xử phạt mạnh tay đối với hành vi chặn đầu, cản trở xe cấp cứu làm nhiệm vụ. Có thể áp dụng phạt tiền với mức cao hơn, phạt lao động công ích hoặc truy tố hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe. Không chỉ hành vi chặn đầu xe cấp cứu, mà ngay cả hành vi không tránh đường cho xe cấp cứu cũng nên xử phạt thật nặng.

Bạch Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI