Chân trần cứ vậy mà quê!

22/06/2023 - 18:24

PNO - Những đôi chân nhỏ xinh dù được sinh ra, lớn lên ở quê hay phố cũng đều có thể trở thành những đôi chân độc lập, khỏe khoắn, vững vàng ghi dấu ấn cho con đường đời.

Ngày còn nhỏ, tôi hay đi chân trần. Mẹ mắng thường xuyên: “Cái chân sạch he, có đi rửa liền không”. Tôi chỉ kịp múc gáo nước từ ảng mà dội vào 2 bàn chân, chà vào nhau qua loa rồi xỏ vội vàng đôi dép. Từ mắt cá chân đến đầu gối còn chưa được giọt nước nào thì chiếc quần đùi đã nhảy tót thấp cao ra nhập bọn nhóc đang chơi đầu ngõ.

Đôi chân tung tẩy khắp đường làng, khi nhảy dây, nhảy bước, đuổi nhau, lúc lại tập đi xe đạp cành cạch ngã sóng soài. Những chiếc gai tre, gai mây, gai xấu hổ… nơi rìa sông, suối và bờ rào vẫn thường đâm vào gót chân mỗi lần đi câu cá, bắt ốc, kiếm củi, tìm măng tre với lũ bạn. Đứa nào bị gai đâm cũng chảy nước mắt và xuýt xoa nhưng rồi cũng quên ngay, lại í ới tiếng “tao, mày” đủ trò không biết muộn. Cây roi mẹ để chưa nóng chỗ trên mái bếp đã phải rút xuống rồi. Đôi chân tôi vẫn chứng nào tật nấy.

Ảnh mang tính minh họa - Đoàn Vương Quốc
Ảnh mang tính minh họa - Đoàn Vương Quốc

Vẫn đôi chân trần, tôi theo ba mẹ ra đồng. Con đường trải thảm bằng thứ cỏ gà, cỏ bã trầu, có cả phân trâu, tôi từng xéo chân vào khi anh trai tôi đang cưỡi trâu cười nắc nẻ. Bờ ruộng lõm thụt, trơn nhão, tôi bước theo dấu chân ba mẹ đã đi, bấm 10 đầu ngón chân xuống đất bùn cho chắc. Tôi mà té thì siêu nước vối của ba mẹ đi tong, lấy gì để uống lúc nghỉ mệt. Vậy nên tôi dò dẫm, cẩn trọng lắm. 

Mùa gặt về, con đường của xóm làng chỉ toàn một màu rơm. Rơm mới tuốt xong mát lịm, thơm phức. Tôi mới hiểu vì sao trâu bò lại có thể ăn rơm từ lúc tươi đến lúc rơm khô mãi được. Lũ trẻ chúng tôi nhảy nhót hò reo, chui rúc, lăn trèo bên nhau cười khanh khách. Ôi, những mùa rơm ươm vàng nụ cười thơm, mùi ấm no vô tận. Đôi chân tôi dũi thóc mẹ phơi thành từng vòng tròn. Cảm giác rằm rặp và nóng tới mức như tuột da bàn chân dưới nắng hè gay gắt. Tôi lại cuống cuồng đôi tay cầm chang cào thóc khẩn trương khi “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy”. 

Cả bọn con An, thằng Toàn, con Giang, con Thúy cũng quen đi chân đất. Ngày chú thợ chụp hình đến nhà con Thúy. Nó để quên dép ở đâu nên chạy vù sang mượn đôi dép của tôi cất trong gầm giường về chụp tạm. Quê giống như một chiếc nệm đàn hồi, chúng tôi tha hồ tung chân mà bật nhảy dọc ngang, cao thấp.

Chúng tôi lớn dần lên bên lũy tre, dòng sông, ruộng đồng và những bữa cơm vấn vương làn khói bếp. Chẳng đứa nào mấy khi ốm đau, làn da đen nhẻm vì nắng, gót chân nổi chai sần.

Thời gian trôi, rồi cũng đến ngày chúng tôi phổng phao xa quê, mỗi đôi chân mỗi hướng. Đứa học hành tiếp, đứa đi làm, đứa lập gia đình… Bây giờ, chúng tôi vẫn chuyện trò hỏi thăm nhau và chúc nhau có gia đình hạnh phúc, sự nghiệp ổn định.

Ảnh mang tính minh họa - Trần Trọng Lượm
Ảnh mang tính minh họa - Trần Trọng Lượm

Mọi người có thể đi cùng ta, nhưng không ai có thể thay ta bước đi bằng đôi chân họ. Bởi họ cũng chỉ có 1 đôi chân để đi trên con đường đời. Khi chân ai mệt mỏi, hãy cứ việc nghỉ ngơi. Đôi chân của tôi được giũa rèn từ một miền quê đầy nắng gió.

Ai cũng có những ký ức thân thuộc cất giữ cho riêng mình. Những đôi chân nhỏ xinh dù được sinh ra, lớn lên ở quê hay phố cũng đều có thể trở thành những đôi chân độc lập, khỏe khoắn, vững vàng ghi dấu ấn cho con đường đời này đẹp mãi. Lòng tôi quê trở lại, yêu lắm đôi chân trần. 

Mộc Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI