Chặn quân Iraq, 300 quân IS tử thủ tại Ramadi

13/12/2015 - 07:20

PNO - Để chặn bước tiến của lực lượng tấn công, IS đã cho nổ tung cây cầu duy nhất còn sót lại dẫn vào trung tâm thành phố Ramadi từ phía tây bắc.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố sẽ viện trợ các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại (trong đó có trực thăng tấn công Apache) cho quân đội Iraq để đẩy nhanh chiến dịch tái chiếm thành phố chiến lược Ramadi ở nước này từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hồi tháng 7, các lực lượng an ninh Iraq đã mở một chiến dịch tấn công lớn vào Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar lớn nhất Iraq. Tuy nhiên, không thành công vì IS phòng ngự kiên cố trong thành phố với hệ thống hầm chiến đấu, giao thông hào, cùng các ụ súng máy, bãi mìn và nhiều xe bom sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công tự sát.

Chan quan Iraq, 300 quan IS tu thu tai Ramadi
Lính đặc nhiệm Iraq đáp trả đợt tấn công của phiến quân IS tại thành phố Ramadi. (Ảnh: Reuters)

Bằng hệ thống phòng ngự này, chỉ với 400 tay súng cố thủ, IS đã cầm cự và đẩy lùi các đợt tấn công của 10.000 quân Iraq, theo NYTimes.

Sau ba tuần cầm cự trước các cuộc tấn công của quân đội Iraq và những đợt không kích của Mỹ, số tay súng IS bên trong Ramadi đã giảm xuống ước tính còn lại khoảng 300 tên.

Trong lần tấn công gần đây nhất, để ngăn chặn bước tiến của lực lượng tấn công, IS đã cho nổ tung lần lượt từng cây cầu bắc qua sông Euphrates và nhánh sông Warar dẫn vào thành phố.

Ngày 11/12, IS đã cho nổ tung cây cầu cuối cùng trên sông Eupharates, trong khi quân đội chính phủ và dân quân người Shiite đang siết chặt vòng vây và củng cố các vị trí đã chiếm được ở ngoại ô thành phố này. 

Thiếu tướng Ismail al-Mahlawi, chỉ huy chiến dịch quân sự ở phía tây tỉnh Anbar cho biết, đây là cây cầu duy nhất còn sót lại dẫn vào trung tâm thành phố Ramadi từ phía tây bắc.

Với việc phá hủy cây cầu này, IS sẽ làm chậm đáng kể bước tiến của quân đội Iraq, nhưng đồng thời chúng cũng tự dồn mình vào chỗ chết khi bị mắc kẹt hoàn toàn trong thành phố bị vây hãm này mà không còn lối nào để rút lui.

"Đây có thể là một sai lầm chiến thuật của IS. Điều chúng đang làm hiện nay là tự cắt đứt đường sống của mình. Hiện phiến quân ở bờ bắc sông Eupharates không thể rút lui, trong khi lực lượng chi viện cho chúng ở bờ nam không thể tiến được vào thành phố", đại tá Warren nói.

Trong nỗ lực tiêu diệt IS, báo The New York Times (Mỹ) mới đây tiết lộ, giới chức Lầu Năm Góc đang nuôi ý định lập một mạng lưới căn cứ quân sự trải rộng từ châu Phi, Tây Nam Á sang Trung Đông để chống khủng bố.

Chan quan Iraq, 300 quan IS tu thu tai Ramadi
Binh sĩ Mỹ tham gia trận chiến chống khủng bố. Ảnh: Reuters

Mạng lưới căn cứ này phục vụ “lực lượng đặc nhiệm, không kích và tình báo trong các chiến dịch chống khủng bố”, qua đó đảm bảo hiện diện quân sự của Mỹ ở nhiều khu vực nước ngoài. Mục tiêu hàng đầu của Mỹ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm vũ trang khác nằm bên ngoài Syria và Iraq.

Theo nguồn tin của The New York Times, kế hoạch trên do tướng Martin E. Dempsey đề xuất trước khi ông rời ghế chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Trong trường hợp được Nhà Trắng bật đèn xanh, mỗi căn cứ như vậy có thể bao gồm 500-5.000 lính đặc nhiệm Mỹ và có thể tốn “nhiều triệu USD” mỗi năm.

Đài CNN vừa dẫn lại mô tả của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adam Szubin về phương thức bóp nghẹt nguồn tài chính của IS bằng cách, hợp tác với liên minh gồm 30 quốc gia và tổ chức tài chính.

Theo đó, ban đầu, Mỹ làm việc với chính phủ Iraq để đóng cửa 90 ngân hàng hoạt động trong lãnh thổ do IS kiểm soát. 

Tiếp đó, Washington trừng phạt 30 lãnh đạo và nhà tài chính cao cấp có liên hệ với IS, cắt đứt nối kết của chúng với các kênh tài chính quốc tế.

Mỹ cũng đang thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ tạm đóng cửa khu vực biên giới với Syria để ngắt cả dòng tiền lẫn phiến quân của IS.

Hoàng Trang (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI