Chán nản người vợ già tham lam lắm điều

10/02/2018 - 16:00

PNO - Có thể mấy chục năm thiếu vắng chồng bên cạnh đã xây dựng tính cách quyết đoán nơi người đàn bà sắt đá này sao?

Tôi về hưu đã được gần 20 năm. Trong thời gian còn đang công tác, tôi ở Hà Nội và làm trong một cơ quan dân chính Đảng. Vợ tôi ở quê, làm nông nghiệp và một mình cáng đáng gia đình, nuôi ba con nhỏ. Một đôi tháng tôi về thăm vợ con, đưa "viện trợ" cho vợ. Có thời gian bận công tác các tỉnh, tôi đi miết và một năm chỉ tạt qua nhà được đôi ba lần.

Về hưu và chuyển hẳn về quê sống cùng vợ con, hằng ngày đối mặt với chuyện cơm áo gáo tiền, tôi mới thấm hiểu nỗi vất vả vật lộn mưu sinh mà mấy chục năm qua vợ tôi phải trải qua. Trong tình cảnh chồng đi làm ăn xa biền biệt, một mình làm lụng chèo chống cả con thuyền gia đình với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, lại sống cùng bố mẹ chồng với bao khúc mắc không thể nói ra, vợ tôi đã rất nỗ lực cố gắng.

Chan nan nguoi vo gia tham lam lam dieu
Thời gian đầu mới nghỉ hưu và chuyển về quê sống cùng vợ con, tôi nghĩ mình có thể nhàn nhã an hưởng tuổi già. Nguồn Internet

Thế nhưng thay vì để chồng chứng kiến và thấu hiểu nỗi vất vả của vợ, san sẻ gánh nặng gia đình cùng người bạn đời, trong cuộc sống hằng ngày từ thời điểm tôi về hưu về sống chung, vợ tôi liên tục ca cẩm "chừng đấy năm trời anh đi làm xa, tôi đã một mình làm lụng nuôi ba con, giờ anh về với hai bàn tay trắng". Vợ chê tôi lương hưu ít, giờ về không có nghề tay trái để thêm thu nhập, vô hình chung trở thành "gánh nặng" thêm cho cô ấy.

Từ chỗ sốc với vị trí đang là một công chức nhà nước với đời sống phong phú bận rộn, giờ về hưu rơi tõm vào cái hố của sự cô độc, lại cộng thêm bà vợ già ít hiểu biết, suốt ngày chê bai chồng, tôi thấy mình bỗng nhiên kém cỏi.

Gia đình em trai tôi ở căn nhà kế bên. Em trai hiện đang công tác tại một vị trí hành chính của xã với cương vị Bí thư Đảng ủy. Chú em quảng giao rộng, ăn nói khéo léo nên rất được lòng dân. Gia đình em trai luôn đầm ấm sum vầy. Vợ tôi lại càng có cớ đay nghiến chồng "anh xem cùng là anh em ruột bố mẹ sinh ra, mà chú em được cả mọi thứ trong tầm tay. Với vị trí đương nhiệm, chú ấy mới "phù phép" và được quyền sở hữu mảnh đất ngay mặt tiền ngoài phố. Còn anh, bao nhiêu năm công tác ở Hà Nội mà anh không có lấy trong tay một căn nhà tập thể, đến nỗi giờ con cái đi học và lập nghiệp ngoài ấy phải kẽo kẹt đi thuê nhà."

Hồi còn đang công tác, tôi và anh đồng nghiệp có được cơ quan cấp cho một căn hộ tập thể cũ thật. Chúng tôi ở ghép chung. Anh bạn cũng ở trong tình cảnh xa nhà, vợ con mãi ở tận Yên Bái. Khi tôi nhận sổ hưu, anh có thương lượng nhượng lại căn hộ tập thể cũ đó cho anh và anh trao tiền mặt. Không đoán định được giá trị ngày càng tăng của một căn hộ thành phố, tôi nhận ít tiền từ tay anh bạn và an phận rút về quê, tận hưởng cuộc sống hưu trí nhàn nhã cùng vợ con.

Nhưng giờ nào có được nhàn nhã. Cuộc sống mưu sinh vất vả "đâm sầm" vào mặt tôi. Trong khi lương hưu hằng tháng tôi giao toàn quyền cho vợ, để cô ấy lo chợ búa, tiền mừng tiền giỗ chạp nhưng vẫn không làm cô ấy thỏa mãn. Ngày càng tỏ rõ thái độ chuyên quyền, vợ tôi tự tay quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống, phớt lờ ý kiến đóng góp của chồng. Có thể mấy chục năm thiếu vắng chồng bên cạnh đã xây dựng tính cách quyết đoán nơi người đàn bà sắt đá này sao?

Các con tôi cũng liên tục bị mẹ đưa ra so bì với những đứa bạn cùng trang lứa "mày xem con A cái B, bằng tuổi mày mà chúng nó đã đảm đang tháo vát việc gia đình. Còn mày thì chỉ có mỗi việc ăn với học mà cũng không nên người". Mỗi lần các con tôi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, trong khi bạn bè đạt giải cao mà con mình không có giải trong tay, năm đó bốn bố con tôi "lãnh đủ".

Trong bữa ăn cả gia đình liên tục bị tra tấn, con cái bị đưa ra so bì, chửi mắng. Tôi chân thành góp ý với vợ thì bị cô ta gạt phắt đi. Sự việc kéo dài liên tục suốt mấy tháng trời, trước khi sức nóng của các kỳ thi học sinh giỏi trong năm hạ nhiệt.

Giờ đây các con tôi đã học xong đại học và ổn định công tác ở Hà Nội đã lâu. Nhưng khổ cho các cháu, cứ một đôi tháng, trong khi đang bận bịu lại bị mẹ "triệu tập" về.

Đó là những lần tiến hành họp gia đình. Vợ tôi nói thế. Là vì trước đó tôi có ý kiến trái chiều và cự cãi vợ trước sự thái quá của cô ta. Thế là mụ vợ khóc lóc đòi tự tử, lần khác thì lăn ra giả ốm hàng tuần trời, bỏ ăn bỏ uống rất đáng sợ. Đợi các con vất vả tàu xe đi về, an ủi xoa dịu, cô ta mới tiếp tục nói chuyện bình thường trở lại với tôi.

Tôi đã quá chán nản với vợ. Nhiều lần tôi muốn đệ đơn ly dị nhưng lại rụt tay. Tôi sợ chuyện xảy ra khi hai vợ chồng đã tầm này tuổi, chỉ tổ làm đề tài bàn tán cho bà con chòm xóm. Rồi các con tôi phải đi ra tiếp xúc với xã hội ngoài kia, các cháu phải được mát mặt với tâm thế ngẩng cao đầu. Suy đi tính lại, tôi tiếp tục nhẫn nhục.

Chan nan nguoi vo gia tham lam lam dieu
Tôi dền dứ giữa việc dứt ra khỏi người vợ quá đáng hay cố gắng chịu đựng để duy trì gia đình vì con cái. Nguồn Internet

Vậy là có sự hoán đổi ngược trong gia đình chúng tôi. Theo thói thường, người vợ phải chấp nhận thua thua thiệt về mình, cốt để giữ gia đình yên ấm - ngược lại trong căn nhà này, vợ tôi là người chuyên quyền, đành hanh, trong khi tôi vì để đẹp mặt gia đình, vì con cái mà phải nhún nhường. Tôi biết mình nhu nhược nhưng với bản tính của một người vợ như vậy, tôi có cách giải quyết nào thỏa đáng hơn?

Nguyễn Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI