Chán mình

10/12/2018 - 15:00

PNO - Dù tôi nhìn vào mắt em và nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần “em rất xinh” cũng không thể xua đi ý nghĩ trong đầu em: mọi người đang nhìn vào đôi môi chưa hoàn hảo của em.

Tuần trước, khi đến gần ngày sinh nhật của mình, tôi đi cắt tóc. Đây là thói quen từ nhiều năm qua của tôi, vì ở tuổi mới, tôi luôn muốn hình ảnh của mình thay đổi. 

Sau gần bốn tiếng (lượng thời gian vô cùng xa xỉ với tôi lúc này) với các công đoạn cắt, uốn phồng, tôi nhìn vào gương và ý nghĩ xuất hiện ngay lập tức trong đầu tôi là: người trong gương không phải tôi. Ý nghĩ đó mạnh mẽ tới mức tôi phải thốt lên với mấy thợ cắt tóc: đây không phải chị. Chị nổi loạn và không khuôn phép như hình ảnh của người trong gương. 

Chan minh
Ảnh minh họa

Tôi không buồn chụp hình để lưu lại sự tươi tắn ở tuổi mới của mình. Không phải vì tóc xấu, mà vì tôi không thích hình ảnh của chính mình. Tự an ủi là dù sao cũng nhìn khá gọn gàng nhưng mỗi sáng thức dậy, vào nhà tắm, nhìn lên gương, tôi lại chán hình ảnh đó đến phát khóc. Có lẽ nhiều người cho rằng cảm xúc của tôi là vớ vẩn. Tóc sẽ mau dài ra, hình ảnh sẽ sớm thay đổi thôi. Thế nhưng, cảm xúc vẫn là cảm xúc, tôi vẫn phải trải nghiệm, đi qua nó, không thể chối bỏ được. 

Hai ngày sau, bình tâm lại, tôi cảm thấy thật biết ơn trải nghiệm cảm xúc đó của mình. Thật thú vị với các cung bậc cảm xúc khi nhận ra hình ảnh bên ngoài không phải bản thân của mình. Bất giác, tôi nghĩ đến những bạn có vẻ bên ngoài không như ý hoặc xấu xí trong mắt nhiều người. Những gì họ phải trải qua mỗi ngày thực sự khó khăn. Không phải chờ đến những lời tiêu cực từ người khác, chỉ riêng những phán xét của họ dành cho bản thân đã đủ khiến họ cảm thấy tệ đến mức nào. 

Tôi nhớ tới cô bé học lớp Chín bị hở hàm ếch mà tôi từng gặp. Dù đã phẫu thuật và trong mắt tôi thì em rất xinh, nhưng em vẫn không thể vượt qua nổi ám ảnh về sự khiếm khuyết trên gương mặt. Dù tôi nhìn vào mắt em và nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần “em rất xinh” cũng không thể xua đi ý nghĩ trong đầu em: mọi người đang nhìn vào đôi môi chưa hoàn hảo của em. Tôi từng chia sẻ cảm xúc với em. Nhưng đến hôm nay, tôi mới thực sự cảm nhận được nỗi thất vọng về hình ảnh của bản thân đè nặng lên trái tim như thế nào. 

Tôi và em không phải là những trường hợp hiếm gặp về tình trạng ghét hình thức bên ngoài của mình. Nhiều người còn trải qua tình trạng cảm xúc tồi tệ hơn rất nhiều và có thể xếp vào trường hợp bị rối nhiễu mặc cảm ngoại hình. Đó là những người luôn chú ý và lo âu quá mức về hình thức bên ngoài của mình dù có khi, hình thức của họ vẫn rất ổn. Họ luôn tìm thấy khiếm khuyết ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, dù khiếm khuyết đó không tồn tại. Họ thường tìm cách che chắn các khuyết điểm, so sánh cơ thể mình với người khác, né tránh soi gương, tìm kiếm cơ hội giải phẫu thẩm mỹ, thay đổi quần áo quá mức, tập thể thao quá mức… Thống kê trên tờ Daily Mail của Anh cho thấy, hội chứng này có thể ảnh hưởng tới khoảng 120.000 người Anh.

Tại Mỹ, theo một thống kê, khoảng 2,5% nam giới, 2,2% nữ giới chịu ảnh hưởng của rối nhiễu này. Hội chứng này thường xuất hiện ở trẻ từ 12-13 tuổi và người trưởng thành. Nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) cho thấy, có sự liên kết giữa tình trạng rối nhiễu này với tình trạng kết nối bất thường giữa các vùng trên vỏ não, nhất là vùng xử lý hình ảnh và cảm xúc. Với trường hợp rối nhiễu mặc cảm ngoại hình nặng nề thì người bị rối nhiễu phải được can thiệp tâm lý đặc biệt, thậm chí dùng các thuốc đặc trị để giảm ám ảnh. 

Trường hợp cô bé lớp Chín nói trên, tình trạng của bé kéo dài, tôi buộc phải nhờ một chuyên viên tâm lý can thiệp. 

Việc ghét ngoại hình của bản thân có thể khiến con người mất tự tin khi xuất hiện trước người khác. Nếu cảm xúc chỉ diễn ra ngắn hạn thì không đáng lo ngại. Thay đổi trang phục, trang điểm có thể khắc phục khá hiệu quả những hạn chế của hình thức bên ngoài. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài nhiều ngày thì cần tham khảo ý kiến của chuyên gia. 

Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI