Chấn hưng văn hóa là cần thiết
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nói, để quốc gia phát triển, cần có 3 trụ cột bền vững là kinh tế, văn hóa, môi trường. Ông dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” để cho rằng, cần phải xây dựng văn hóa để trở thành sức mạnh phát triển đất nước.
|
Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao đặc sắc diễn ra trên sông - Ảnh: H.T. |
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội) lo lắng về tình trạng lãng quên văn hóa truyền thống của dân tộc, thiên về mê tín dị đoan, sùng ngoại quá mức; những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa đã làm phát sinh những rối loạn xã hội, cần phải chấn chỉnh kịp thời. Ông nói: “Chúng ta đã thành công trong công cuộc đổi mới về chính trị, kinh tế. Giờ là lúc cần quan tâm thực sự đến công cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa để tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, có những điều xấu, điều ác đang lan rộng và kẻ thủ ác ngày càng trẻ hóa. Ông băn khoăn: “Tỉ lệ tăng trưởng GDP nhiều năm qua đạt những con số ngoạn mục, đời sống của người dân được nâng cao nhưng vì sao tội phạm, tham nhũng lại ngày càng nhiều?”.
Ông dẫn báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT để cho rằng, tình trạng bạo lực học đường rất đáng báo động: tới đầu tháng 11/2023, cả nước có gần 700 vụ với hơn 1.000 học sinh có liên quan, trong đó có hơn 800 học sinh nữ. Theo ông, cần tìm nguyên nhân sâu xa để có các giải pháp đúng đắn, có sự đầu tư xác đáng cho công cuộc chấn hưng văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bản dự thảo này gây ra khá nhiều luồng dư luận trái chiều, nhất là về khoản kinh phí ước tính lên đến 350.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lý giải, con số này được tổng hợp từ các địa phương, là số khái quát chứ chưa phải lượng hóa cụ thể trong ngân sách từng giai đoạn. Hơn nữa, khoản tiền này không phải đổ về cho bộ mà là nguồn lực phân bổ cho các địa phương để phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Mới đây, trong nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, chương trình nêu trên gồm nhiều mục tiêu tổng quát và dự án thành phần, trong đó có các dự án xây dựng môi trường văn hóa, phát triển con người, nâng cao hiệu quả thông tin, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế… Chương trình này vượt qua kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, tức là xây dựng chương trình trong nhiệm kỳ này để nhiệm kỳ sau thực hiện. Có thể ngầm hiểu, không có sự tư lợi nào liên quan tới con số 350.000 tỉ đồng mà dư luận đang quan tâm.
“Không hiệu quả thì 1 xu cũng không nên chi”
Đồng tình với sự cấp thiết phải chấn hưng văn hóa, dành nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, nhưng đại biểu Bùi Hoài Sơn nói: “Nếu đầu tư nguồn lực hiệu quả, thực sự chấn hưng được văn hóa, tạo ra sức mạnh nội sinh cho đất nước thì số tiền dù lớn cũng đáng bỏ ra. Nhưng nếu đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí, thì 1 xu cũng không nên chi”.
Ông Trương Trọng Nghĩa lo ngại, chấn hưng văn hóa theo kiểu tổ chức các đại hội lớn, băng rôn, khẩu hiệu rợp đường, hội diễn văn nghệ rình rang là không hiệu quả, thậm chí gây lãng phí lớn.
Ông Bùi Hoài Sơn phân tích, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần được hiểu là chương trình đầu tư có mục tiêu ưu tiên của quốc gia cho văn hóa. Ngoài chi thường xuyên và đầu tư nguồn lực xã hội cho văn hóa, Nhà nước sẽ có những dự án đặc biệt, mang tính dẫn dắt, định hướng lớn. Có thể tính tới việc Nhà nước giữ vai trò bảo trợ văn hóa, nghệ thuật để kinh tế thị trường không gây ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực này. Ông nói: “Nếu để mặc cho quy luật kinh tế thị trường điều phối thì các di sản văn hóa rất dễ bị biến dạng, thậm chí bị biến mất”.
Theo ông, đầu tư cho con người là chìa khóa then chốt trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Chương trình phải hướng tới xây dựng được con người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Với chính sách này, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ có điều kiện tốt hơn để phát huy tài năng của mình, có nhiều tác phẩm nghệ thuật đóng góp cho nền văn hóa nước nhà.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh, phải có cơ chế để tạo dư địa sáng tạo cho các nghệ sĩ: “Chúng ta đã có 1 nghệ sĩ như Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch và những đêm diễn đỏ đèn. Hy vọng với sự phát triển công nghiệp văn hóa, cùng chính sách thiết thực sẽ có những tác phẩm văn hóa, văn nghệ, văn chương xứng tầm, mang hơi thở thời đại”.
Đừng nghĩ “đầu tư cho văn hóa không có lợi nhuận” Theo đại biểu Phạm Nam Tiến (tỉnh Đắk Nông) ngành công nghiệp văn hóa đang mang lại “siêu lợi nhuận” ở nhiều quốc gia. Do đó, cần loại bỏ quan điểm chỉ xem văn hóa là cái bóng, lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế hay lối suy nghĩ rằng đầu tư cho văn hóa thì không có lợi nhuận. Ông dẫn chứng, ở nhiều nước, ngành kinh doanh thể thao đem lại việc làm, thu nhập cho hàng triệu người, doanh thu và lợi nhuận cao hơn nhiều ngành kinh tế khác. Điển hình như ở Mỹ, kinh tế thể thao chiếm 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước này, quy mô tổng thị trường đạt 400 đến 433 tỉ USD/năm, gấp 2 lần ngành công nghiệp ô tô và gấp 7 lần ngành điện ảnh. Ở Việt Nam, bộ môn bóng rổ đang có nguồn thu ổn định, không phụ thuộc vào “ông bầu” hay ngân sách địa phương, bộ, ngành. Đây là một ví dụ sinh động cho thấy tiềm năng to lớn của kinh tế thể thao Việt Nam nếu có cơ chế, chính sách hợp lý. |
Minh Quang