Chân dung tiến sĩ Việt tìm ra gene diệt tế bào ung thư được vinh danh tại Mỹ

09/06/2016 - 13:32

PNO - Tiến sĩ Phan Minh Liêm từng là sinh viên khoa Công nghệ Sinh học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM). Tốt nghiệp đại học năm 2005, Phan Minh Liêm giành suất học bổng đến Mỹ.

Gene diệt tế bào ung thư

Anh là Phan Minh Liêm, hiện đang công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ).  Sau hơn 10 nghiên cứu ở môi trường quốc tế - anh là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson, Houston, Texas- Viện ung thư số một tại Mỹ.

Với tâm huyết tiêu diệt bệnh ung thư, tại đây, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Liêm đã phát hiện một gene có khả năng ức chế, triệt tiêu hiệu quả quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gene này được kích hoạt, các tế bào ung thư sẽ không lấy được dinh dưỡng hoặc lấy được dinh dưỡng nhưng không chuyển hóa thành năng lượng. Điều này khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt hoặc ngưng tăng trưởng, mở ra một tương lai hi vọng mới cho người bị bệnh ung thư.

Chan dung tien si Viet tim ra gene diet te bao ung thu duoc vinh danh tai My
TS Phan Minh Liêm

"Việc phát hiện ra protein 14-3-3sigma (được mã hoá bởi gene 14-3-3sigma) có khả năng tiêu diệt ung thư bằng cách ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng và hấp thu dinh dưỡng của khối u đã mở ra một hướng đi mới và triển vọng trong việc phát triển các liệu pháp để điều trị căn bệnh này một cách chính xác mà không làm tổn thương các tế bào khoẻ mạnh. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu các tế bào ung thư ác tính, hung hãn, di căn. Hiện nhóm mình đang tiến hành các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng nhằm hoàn thiện và khảo sát chuyên sâu mức độ khả thi, độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Hiện tại, còn rất nhiều điều chúng ta chưa tường tận về protein 14-3-3sigma và sẽ cần thời gian nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, với các kết quả khả quan mà nhóm đã thu nhận được, mình hi vọng phương pháp này có thể sẽ giúp được các bệnh nhân ung thư trong tương lai", TS Liêm phân tích sâu việc tìm ra gene ức chế tế bào ung thư.

Để làm được điều này, tiến sĩ Liêm cho biết, động lực giúp anh nghiên cứu là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. “Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rất đau đớn. Để họ giảm cơn đau, bác sĩ phải sử dụng moocphin. Lúc sự sống chỉ đếm từng ngày, họ chỉ ước mong được sống thêm vài ngày bên người thân.... Còn người thân chỉ biết động viên người bệnh và trông vào phép màu. Có những bệnh nhân biết sắp ra đi nhưng nắm tay, cảm ơn bác sĩ vì bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng y học chưa điều trị được. Họ nói sẽ dõi theo bước đường và mong muốn thế hệ sau không phải chịu đau đớn khi mang căn bệnh này. Khi đang nghiên cứu, tôi có cảm giác có nhiều người, nhiều linh hồn đang dõi theo mình nên không thấy đơn độc trên con đường đường này”, TS Liêm tâm sự.

Chan dung tien si Viet tim ra gene diet te bao ung thu duoc vinh danh tai My
Tiến sĩ Phan Minh Liêm giao lưu với Nguyễn Thủy Tiên - người góp phần phát triển Mạng lưới ung thu vú, giúp đỡ, hỗ trợ cho hàng ngàn bệnh nhân khắp Việt Nam

Theo tiến sĩ Liêm, thất bại trong nghiên cứu ung thư là thường xuyên nên cần có niềm tin. Nhưng chính những bệnh nhân đã cung cấp nghị lực và sức mạnh để anh tiếp tục nghiên cứu. Những người bệnh tham gia thử nghiệm lâm sàng biết thử nghiệm có thể thành công nhưng cũng có thể ra đi. Để đạt được những thành công bước đầu như hiện nay, tiến sĩ Liêm cho biết, bản thân anh nhiều lúc bất lực vì kết quả không mong muốn, trong khi người bệnh lại mong chờ quá nhiều. “Nhiều lúc tôi thấy bất lực vì bệnh nhân mong chờ nhưng kết quả lại không khả quan. Nghiên cứu chưa được như kì vọng của bệnh nhân. Nhiều lúc bên ngoài thấy màu hồng nhưng bản thân tôi có lúc ngồi lặng lẽ một góc riêng để nước mắt rơi. Sau đó, tôi tự mình đứng dậy vì có rất nhiều người đang dõi theo mình. Tôi không bỏ cuộc. Bệnh ung thư không ngừng nghỉ, không có lý do gì mình phải dừng lại”, TS Liêm nói.

Đau đáu vì người thân cũng mắc ung thư

Là người tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới, tiến sĩ Liêm cho biết, thiệt thòi của các bệnh nhân Việt Nam hiện nay là điều kiện chăm sóc y tế chưa tốt, việc tầm soát ung thư chưa hiệu quả. Người dân đến bệnh viện thường ở giai đoạn muộn nên điều trị rất khó khăn.

“Dân số Việt Nam đang ngày càng già đi nên số người mắc bệnh ung thư sẽ tăng trong thời gian tới. Nếu làm tốt việc phòng ngừa có thể kiểm soát được 2/3. Tôi mong người dân hãy bảo vệ mình, ngừng hút thuốc, ít ăn đồ nướng…Còn 1/3 là do gene di truyền, nên khó tầm soát. Khi điều trị cần quyết tâm, tự tin, đúng phương pháp, thực hiện tối đa việc phòng ngừa. Hiện nay, những liệu pháp mới ra đời và khả năng chữa trị thành công càng cao hơn. Hơn nữa, con người đang hiểu hơn về ung thư, cách điều trị sẽ dễ hơn. Tôi tin con người có thể đánh bại ung thư trong một tương lai không xa”, TS Liêm nhận định.

Chan dung tien si Viet tim ra gene diet te bao ung thu duoc vinh danh tai My
Tiến sĩ Liêm và các cộng sự đến từ nhiều quốc gia trên thế giới

“Khi còn nhỏ, nhà tôi có bà nội và cô ruột bị bệnh ung thư gan. Trong quá trình học ĐH, tôi cũng tiếp tục tìm hiểu về căn bệnh hiểm nghèo này. Đây là căn bệnh để lại di chứng khủng khiếp và cả thế giới vẫn bó tay trong điều trị. Khi sang Mỹ học, các giáo sư, tiến sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ đều khuyên tôi nên đến Trung tâm ung thư MD Anderson, một trong các trung tâm ung thư hàng đầu của Mỹ, để theo đuổi đam mê nghiên cứu về ung thư. Tôi bước vào thế giới y sinh học và nghiên cứu ung thư từ đây, năm 2005”, TS Liêm nói về cơ duyên gắn với căn bệnh ung thư như thế.

Được nghiên cứu tại trung tâm ung thư số 1 của Mỹ, năm 2012, sau hơn 7 năm học, anh đã nhận được bằng tiến sĩ y khoa. Đến thời điểm đó, Liêm (cùng các cộng sự) đã ghi dấu ấn bằng 15 công trình nghiên cứu về căn bệnh ung thư, được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ. Từ năm 2012 đến nay, Liêm đã có thêm 9 công trình nghiên cứu, nâng tổng số công trình nghiên cứu lên con số 24, khi anh mới 33 tuổi.

TS Liêm tâm sự thêm: “Bà nội và cô tôi đều bị căn bệnh này. Và mỗi ngày lại thấy có thêm những bệnh nhân phát hiện bị ung thư, hình ảnh những bệnh nhân ung thư luôn đau đớn, tuyệt vọng vì bệnh tật khiến tim tôi như thắt lại. Tôi tự hứa với mình sẽ nỗ lực hết sức để sớm tìm ra loại thuốc đặc trị, tiêu diệt tận gốc rễ các tế bào ung thư, chứ không thể chỉ “cắt lá, tỉa cành” như hiện nay. Tuy nhiên, công tác khoa học y khoa là cả một chặng đường dài, không chỉ là 8 hay 10 năm, tôi vẫn cần có thêm 10, hơn 10 năm nữa để thử nghiệm, theo dõi tính an toàn, hiệu quả của phương pháp mà tôi đã tìm ra. Đến lúc này, tôi tự tin cho rằng những nghiên cứu và phát hiện của tôi đang đúng hướng...”.

Khi được hỏi liệu anh có như nhiều bạn trẻ khác sẽ không trở lại quê hương khi đã thành đạt ở xứ người, Liêm khẳng định: “Tôi sẽ trở về Việt Nam khi các nghiên cứu của mình thành công. Nước Mỹ rất tốt với những điều kiện tuyệt vời và họ đã cho tôi cơ hội học tập, nghiên cứu. Nhưng Việt Nam là quê hương tôi, dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản. Ở đây, tôi còn cha mẹ, gia đình, bạn bè, tôi được đi học là để về giúp người Việt Nam. Học xong, tôi sẽ về”.

CHÍ LINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI