"Chân dung" Sài Gòn trong mắt tôi

27/01/2025 - 09:54

PNO - Tôi luôn nghĩ Sài Gòn y như dáng ngồi của họ. Nhẫn nại và bao dung! Họ mang trong mình một Sài Gòn mộc mạc và hồn hậu.

Thật khó để phác họa Sài Gòn bởi hình hài vật chất không bao giờ ôm trọn được chân dung của một miền đất rất tình. Mỗi khi nghe ai nhắc về Sài Gòn, trong đầu tôi liền nghĩ tới dáng ngồi của một người đàn bà bán đồ ăn sáng bên dưới một tán cây trên đường Võ Thị Sáu.

Chị Thanh - bên gánh hàng rong hơn 23 năm của mình

Người ta nói rằng Sài Gòn rộng lớn lắm, bước chân ra đường là dễ lạc mất nhau. Nhưng Sài Gòn cũng bền bỉ, thủy chung lắm chứ. Thủy chung như cái cách người đàn bà ấy đã có đến 23 năm dựa vào một gốc cây trên vỉa hè để mưu sinh.

Người đàn bà tên Thanh, gương mặt đã hằn nhiều mưa nắng phố phường. Qua ngã tư Võ Thị Sáu giao với Hai Bà Trưng, gánh bún xào của chị khiêm tốn dưới gốc cây chò nâu. Chị nói bất kể mưa hay nắng, buổi sáng cứ ra đây là sẽ thấy chị ngồi.

Thiệt lạ lùng! 23 năm ngồi đúng một chỗ, bán đúng một món ở con đường tấp nập bậc nhất Sài Gòn. Mấy cái tiệm sau lưng chị đổi chủ không biết bao nhiêu lần, bán hết thứ này đến thứ kia mà mỗi khi thành phố bình minh, chị vẫn miệt mài cúi xuống quẩy hàng lên vai, đi qua mấy con hẻm, bước qua mấy ngã tư rồi thả nhẹ gánh bún cạnh gốc cây này. Sáng nào cũng như thế, chưa một lần trễ hẹn.

Gánh hàng rong nào cũng vậy, khách tấp vào, mua vội vàng rồi đi. Nhưng đâu chỉ có thế, chị kể rằng mấy đứa sinh viên hay ăn của chị, giờ ra trường thỉnh thoảng có dịp đi ngang cũng tấp qua ăn hộp bún cho đỡ nhớ. Hồi mới bán chị đang mang bầu bé Út, giờ bé Út chị tốt nghiệp đại học rồi!

Trong mắt tôi Sài Gòn đơn giản là những gánh hàng rong với những con người hồn hậu, siêng năng
Trong mắt tôi Sài Gòn đơn giản là những gánh hàng rong với những con người hồn hậu, siêng năng

Chị nhớ có bữa cô gái tấp xe máy vào, ngồi trên cái nhựa chồm hổm ăn bún. Chị nhìn thấy mắt cô gái rưng rưng. Hỏi ra mới biết 20 năm trước cô cũng từng ngồi ăn như vầy. Giờ quay lại Sài Gòn có việc, thử chạy qua con đường quen thuộc ai ngờ chị vẫn còn ở đó. Gánh hàng rong hơn 20 năm mà như chẳng khác gì. Cô ấy ăn như nuốt thương nuốt nhớ vào lòng.

Sài Gòn trong tôi như dáng ngồi của người đàn bà già nua bên sạp báo vắng trên đường Điện Biên Phủ. Cô tên Ngà, tôi biết cô trong những lần ghé vội vào mua tờ báo mới ra sạp. Sạp báo nhỏ của cô lặng lẽ ở một góc đường, được kê lên bằng 2 cái thùng xốp cũ, bày biện đủ mặt báo.

Trưa nào tôi cũng chạy ngang đường Điện Biên Phủ, lúc nào cũng thấy cô Ngà ngồi trên cái ghế dựa, khi thì lim dim ngủ trong nắng trưa xao xác, khi thì ngồi buồn thiu ngó nghiêng phố phường bên những tờ báo xếp ngay ngắn. Trong đôi mắt đầy dấu hằn thời gian, một thời huy hoàng của báo giấy đã qua như cái cách người ta lật giở một tờ báo. Cô kể ngày xưa có ngày bán được cả ngàn tờ báo, sống khỏe re. Bây giờ ngày vài chục tờ, có những tờ báo chẳng có ai hỏi tới. Nhưng mà dâu bể đi qua, hễ có ai ghé sạp cầm lên một tờ báo là mắt cô lại hấp háy vui.

Mới đây thôi, Sài Gòn mỗi sáng rộn ràng bên những trang báo nóng hổi còn thơm mùi mực. Đàn ông cầm cái ly cà phê hút cái rột rồi rôm rả bàn luận chuyện đá banh, chuyện thời sự, chuyện chiến tranh ở một đất nước xa lắc mà mình vừa đọc được trên báo. Mấy ông xe ôm ngồi trên xe bắt tréo chân đọc báo thong thả chờ khách. Vậy mà chớp mắt một cái, tờ báo trên tay đã thay bằng cái điện thoại cảm ứng. Đó là quy luật của sự phát triển chẳng thể nào khác đi được. Nhưng dẫu báo bán ra được ít, dẫu một vài tờ báo đã không còn xuất hiện thì cô Ngà vẫn ngồi đó. Y như thể sợ rằng, mai mốt người ta chạy ngang, lại thoảng thốt giật mình khi Sài Gòn chẳng còn sạp báo nào nữa cả.

Mỗi ngày xé một tờ lịch là Sài Gòn đã khác đi hôm qua nhiều lắm. Ở những chỗ một thời sình lầy, đêm về ếch nhái râm ran thì nay đã mọc lên những khu đô thị hiện đại.

Thay đổi ai mà không mừng. Nhưng có những điều mất đi cứ khiến người ta nuối tiếc và day dứt không nguôi. Như một hàng cổ thụ bị chặt đi nhiều năm, vậy mà mỗi lần chạy xe ngang vẫn khiến mắt mình cộm lên như có bụi bay vào. Nhưng thật may, hồn cốt của Sài Gòn vẫn được giữ lại qua năm tháng trong những bà má, những người cô, người chị như cô Ngà, như chị Thanh và cả triệu người phụ nữ vẫn đang mải miết mưu sinh với mưa nắng phố phường…

Những người đàn bà ấy đến từ những vùng đất khác nhau, mang trong mình những câu chuyện khác nhau nhưng chính họ là chứng nhân cho những đổi thay, biến thiên của thời cuộc. Tôi luôn nghĩ Sài Gòn y như dáng ngồi của họ. Nhẫn nại và bao dung. Họ mang trong mình một Sài Gòn mộc mạc và hồn hậu. Chỉ cần ngồi xuống với họ là sẽ được nghe kể không biết bao nhiêu là chuyện phố, chuyện người.

Một bữa tôi ghé 81 – Trần Quốc Thảo, ngẩn ngơ buồn vì cô bán xôi trước cổng đã mất. Thay vào đó là một người phụ nữ trẻ hơn, vẫn bán món mà ngày trước cô hay bán. Hỏi ra mới biết chị là cháu ruột của cô. Nhìn mấy cụm sử quân tử leo tường thả vài chùm bông đỏ trong nắng mà chợt nghĩ không biết có ai còn nhớ tới những người phụ nữ từng ngồi ở một ngã ba, ngã tư, một góc đường nào đó… Nhưng mà, cuộc sống cứ như một dòng chảy bất tận nối tiếp. Như người phụ nữ trẻ thế vào chỗ của cô bán xôi. Dáng ngồi vẫn y như thế, như là của trăm năm…

Theo thể lệ, từ ngày 1/1/2025, cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” đã dừng tiếp nhận bài dự thi. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tiếp tục đăng tải những bài dự thi có chất lượng tốt. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn).

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

Nguyễn Thị Như Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI