Chân dung nữ Thủ hiến Scotland 'độc lập' đòi Anh ở lại EU

25/06/2016 - 10:50

PNO - Trong khi Anh buộc phải rời EU, nữ Thủ hiến Scotland nhất quyết không rời EU và còn tuyên bố tách biệt Scotland ra khỏi Anh quốc. Người phụ nữ này có quyền lực ra sao mà lại có những quyết định to lớn đến như vậy ?


"Tương lai Scotland  là một phần của EU"

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ ngày 24/6 Hà Nội, 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit) trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung."

Với tỷ lệ chênh lệch là 1.269.501 người (tương đương 4%), phần thắng chắc chắn đã thuộc về phe những người ủng hộ Brexit.

Bởi vậy, cuối cùng, người Anh đã chọn quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một liên minh với bề dày lịch sử 60 năm.

Chan dung nu Thu hien Scotland 'doc lap' doi Anh o lai EU
Phe ủng hộ Brexit ăn mừng chiến thắng sau cuộc trưng cầu dân ý

Phản ứng trước kết quả kiểm phiếu nghiêng về phe ủng hộ Brexit, Bộ trưởng thứ nhất Scotland và lãnh đạo của Đảng Quốc gia Scotland, Thủ hiến Nicola Sturgeon của Scotland ngày 24/6 tuyên bố Scotland coi tương lai của mình là "một phần của Liên minh châu Âu (EU)."

Scotland là nước kiên quyết theo phe ở lại EU. Bằng chứng là kết quả trưng cầu ý dân tại đây cho thấy có 62% người dân chọn ở lại EU, trái với kết quả trên toàn Vương quốc Anh là 52% ủng hộ Brexit.

Việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến cho Scotland dù không muốn nhưng cũng phải miễn cưỡng rời khỏi liên minh này. Bà Sturgeon nói rằng việc Scotland rời EU là một điều không thể chấp nhận được, xét về mặt dân chủ. Bà cũng tuyên bố sẽ thử mọi cách để Scotland có thể giành lại quyền tự quyết.

Trước đó, hồi tháng 5, trong cuộc bầu cử nghị viện, đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã ra một tuyên bố mở đường cho một cuộc bỏ phiếu độc lập thứ hai diễn ra. Theo bà Sturgeon, phương án đó giờ đây đang được xem xét và chính quyền ở Scotland sẽ bắt đầu quá trình chuẩn bị để thực hiện cuộc trưng cầu dân ý độc lập thứ hai này.

Chân dung nữ Thủ hiến đầu tiên của Scotland

Bà Nicola Sturgeon sinh ngày 19/7/1970 tại thị trấn Irvine, thuộc địa hạt Ayrshire, Scotland. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 1988, Sturgeon thi đỗ vào Khoa Luật, Trường đại học Tổng hợp Glasgow.

Chan dung nu Thu hien Scotland 'doc lap' doi Anh o lai EU
Nicola Sturgeon đại diện cho một hình ảnh trẻ trung, năng động và đầy sức sống - Ảnh: Reuters

Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật năm 1992, Sturgeon vào làm việc tại Công ty Luật Bell & Craig ở thành phố Stirling. Một thời gian sau, Sturgeon chuyển về Trung tâm Tư vấn pháp luật Drumchapel ở Glasgow.

Ngay từ khi còn học phổ thông Sturgeon đã tình nguyện gia nhập SNP và là thành viên cốt cán trong tổ chức thanh niên thuộc SNP. Đầu năm 1992, bà Sturgeon, lúc đó 22 tuổi, ra tranh cử vào Nghị viện Scotland, trở thành ứng viên trẻ tuổi nhất trong cuộc bầu cử quan trọng này.

Thế nhưng số phiếu thuận không đủ để Sturgeon được bầu làm nghị sĩ Scotland (MSP). Đến kỳ bầu cử năm 1999, Sturgeon đã đánh bại đối thủ kỳ cựu Gordon Jackson của đảng Lao động (SLP) đương quyền khi ấy, trở thành nghị sĩ đại diện cho khu vực Govan trong thành phần đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố Glasgow.

Chan dung nu Thu hien Scotland 'doc lap' doi Anh o lai EU
Cảnh bà thủ hiến Scotland tự nhiên 'lè lưỡi' liếm cây kem ốc quế giữa cuộc tranh cử đem đến hình ảnh một chính trị gia gần gũi với công chúng.

Trong nhiệm kỳ MPS kế tiếp, bà Sturgeon thường công khai tranh luận với Bộ trưởng Thứ nhất Jack McConnell, về các vấn đề gai góc như thay thế các sắc thuế trung ương "cao ngất ngưởng" bằng thuế địa phương tương ứng với tỷ lệ thu thấp hơn; hay việc triệt thoái hệ thống tên lửa hạt nhân Trident của Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang dàn binh bố trận trên lãnh thổ Scotland và "đe dọa sự tồn vong của đất nước" - như lời thủ lĩnh Sturgeon từng bộc bạch với truyền thông.

Vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, luật sư Sturgeon bắt đầu nổi tiếng trên chính trường, trong vai trò là Người phát ngôn của SNP chuyên về các lĩnh vực giáo dục, năng lượng và đầu tư.

Đến cuối năm 2004, trong kỳ Đại hội thường niên của SNP, bà Sturgeon đã được bầu làm Phó chủ tịch SNP. Tháng 5-2007, luật sư Sturgeon được cử làm trợ lý đặc biệt với hàm Thứ trưởng, đồng thời đảm nhiệm chức Thư ký nội các phụ trách Y tế và An sinh xã hội.

Chan dung nu Thu hien Scotland 'doc lap' doi Anh o lai EU
Trong bộ váy đỏ bắt mắt và lịch lãm, Sturgeon dừng lại trên đường ôm các cử tri, bế trẻ nhỏ và cầm điện thoại của mọi người giúp họ cùng “tự sướng” với mình.

Tháng 9/2012, trong thành phần chính phủ mới của Thủ tướng Alex Salmond, bà  Sturgeon được bổ nhiệm làm Thư ký nội các phụ trách Cơ sở hạ tầng, Đầu tư và Phát triển đô thị với hàm Bộ trưởng, chức vụ trọng yếu đứng hàng thứ 2 trong Chính phủ Scotland.

Sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho vùng đất Scotland, nhằm tách khỏi Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào tháng 9 năm 2014, Bộ trưởng Thứ nhất Alex Salmond đã tuyên bố từ chức vì "không hoàn thành giấc mơ hằng đeo đuổi suốt đời mình", để lại vị trí cầm chịch cho Sturgeon. Bà chính thức trở thành nữ thủ hiến đầu tiên của Scotland.

Theo các nhà bình luận chính trị, thì bà  Sturgeon là chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất ở Scotland hiện nay. "Luật sư Sturgeon hoàn toàn xứng đáng để kế nhiệm tôi - ông Alex Salmond đã phát biểu trên diễn đàn Đại hội SNP - Với bản tính điềm đạm nhưng quyết đoán, bà ấy hoàn toàn có thể dẫn dắt đất nước này trong xu thế bớt lệ thuộc hơn vào London".

Về đời tư, bà Sturgeon có chồng là ông Peter Murrell, một thành viên trong Ban lãnh đạo SNP chuyên điều hành các chiến dịch tranh cử. Hiện vợ chồng họ vẫn chưa có con.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI