Chân dung nhà hoạt động Ấn Độ đoạt giải Nobel Hòa bình 2014

11/10/2014 - 16:05

PNO - PNO - Ngày 10/10, giải Nobel Hòa bình 2014 được công bố trao cho Malala Yousafzai người Pakistan, cùng ông Kailash Satyarthi người Ấn Độ, hai nhà hoạt động không mệt mỏi vì quyền của phụ nữ và trẻ em.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chan dung nha hoat dong An Do doat giai Nobel Hoa binh 2014

Nhà hoạt động Ấn Độ Kailash Satyarthi - Ảnh: PTI

Malala, dù mới 17 tuổi, được nhiều người biết đến sau khi bị Taliban bắn vào đầu, nhưng người ta ít biết về ông Kailash Satyarthi.

Kailash Satyarthi, 60 tuổi, là một nhà hoạt động quyền trẻ em nổi bật, đã giải cứu hàng chục ngàn trẻ em Ấn Độ bị các doanh nhân, điền chủ và những người khác buộc làm lao động nô lệ.

Ông Satyarthi là người đi đầu trong việc chống lao động trẻ em, một vấn nạn phổ biến ở Ấn Độ. Mặc dù được đào tạo thành một kỹ sư điện, nhưng ông Satyarthi đã sớm bỏ nghề khi mới 26 tuổi và lập nên Bachpan Bachao Andolan (Phong trào cứu trẻ em) vào năm 1980.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 do Trung tâm Công lý và nhân quyền mang tên Robert F. Kennedy thực hiện, ông nói lương tâm xã hội của ông được đánh thức khi ông lên sáu tuổi khi nhận thấy một cậu bé trạc tuổi của mình đang đánh giày bên ngoài cổng trường.

Ông Satyarthi nói: "Khai thác lao động trẻ em là bất hợp pháp và vô đạo đức. Nếu không phải bây giờ, thì là khi nào? Nếu không phải bạn, thì là ai? Nếu chúng ta có thể trả lời những câu hỏi cơ bản này, chúng ta mới có thể xóa đi những vết nhơ nô lệ của con người".

Nhìn thấy nhiều trẻ em phải làm việc thay vì được đi học, ông cảm thấy một sự thôi thúc rằng khi lớn lên ông sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách bắt đầu sự nghiệp của một nhà hoạt động để chống lại điều ông coi là “tệ nạn xã hội”.

Ông Satyarthi bắt đầu công việc của mình bằng cách tiến hành “tấn công” các nhà máy sản xuất, nơi trẻ em và cha mẹ của các em thường phải làm việc để trả nợ. Theo phương thức lao động trả nợ, các gia đình vay tiền và làm việc cho đến khi trả hết nợ, nhưng thường thì tiền nợ quá lớn, thu nhập lao động quá ít, và người ta bị bán đi bán lại.

Tổ chức Bachpan Bachao Andolan của ông Satyarthi được cho là đã giải phóng hơn 80.000 trẻ em khỏi các hình thức nô lệ. Ông cũng là người sáng lập RugMark, một chương trình quốc tế “đánh dấu” tất cả các tấm thảm được các nhà máy dệt ra “không có lao động trẻ em”.

Trong cuộc phỏng vấn với Trung tâm Kennedy, ông Satyarthi mô tả tình cảnh của trẻ em bị ép buộc làm việc như là một loại ngược đãi tồi tệ nhất. "Nếu khóc đòi gặp cha mẹ, các em sẽ bị đánh đập thậm tệ, đôi khi treo ngược chân lên cây và có lúc bị làm bỏng bằng thuốc lá đang cháy”, ông nói.

VIỆT HƯNG
(Theo AP, AFP)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI