Chân dung người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam - Bài cuối: Người thầy đặc biệt của học trò Abyei

09/01/2025 - 06:25

PNO - Tháng 10/2024, trung tá Nguyễn Văn Thứ thay thế trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh, đảm nhiệm vị trí Sĩ quan tham mưu cao cấp về huấn luyện tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. 2 nhiệm kỳ tại phái bộ, không chỉ làm nhiệm vụ của người lính, trung tá Thứ còn là thầy giáo của học sinh Trường cấp III Abyei.

Người lính đi đầu

Trước khi lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Phái bộ An ninh lâm thời khu vực Abyei (đầu năm 2022), trung tá Nguyễn Văn Thứ (khi đó là thiếu tá) đã có nhiều năm giảng dạy ngoại ngữ tại Trường Sĩ quan thông tin - Binh chủng Thông tin liên lạc. Mang trong mình niềm tự hào và trách nhiệm của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, anh đã có một hành trình đáng nhớ tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan).

Trung tá Thứ nhớ, mình cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trong những ngày tết Nguyên đán 2022 đã cận kề. Các anh lên đường vào đầu năm mới, trong bối cảnh khó khăn chồng chất: dịch COVID-19 hoành hành, phải qua 6 chặng bay trung chuyển tại những quốc gia có tình hình an ninh chính trị thiếu ổn định, địa bàn phái bộ nhỏ nhưng di chuyển hết sức khó khăn do giao thông xuống cấp và chiến tranh tàn phá, xung đột triền miên…

Ông Santino (trái) - Hiệu trưởng Trường cấp III Abyei - tặng bằng khen của Giám đốc Sở Giáo dục Abyei cho trung tá Nguyễn Văn Thứ (phải), ghi nhận sự đóng góp của anh trong công tác dạy học tình nguyện - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Santino (trái) - Hiệu trưởng Trường cấp III Abyei - tặng bằng khen của Giám đốc Sở Giáo dục Abyei cho trung tá Nguyễn Văn Thứ (phải), ghi nhận sự đóng góp của anh trong công tác dạy học tình nguyện - Ảnh do nhân vật cung cấp

Là địa bàn mà Việt Nam lần đầu triển khai lực lượng nên anh Thứ cùng đồng đội phải vật lộn với những thiếu thốn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, việc cung ứng thực phẩm thường xuyên bị gián đoạn, nguy cơ dịch bệnh. Nhưng không khó khăn nào mà người lính - bộ đội Cụ Hồ - không thể vượt qua.

Không chỉ nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động, hỗ trợ đưa đón đoàn tiền trạm Đội công binh số 1, chưa đầy 1 năm sau, anh Thứ còn trở thành 1 trong 3 giáo viên Việt Nam của học sinh Trường cấp III Abyei. Anh Thứ vẫn nhớ cảm xúc ngày đầu đứng lớp. Ngày khai trương 2 phòng học do Đội công binh số 1 xây tặng trường, tiết học đầu tiên đã được tổ chức ngay. Trung tá Nguyễn Văn Thứ dạy các em môn công nghệ thông tin. 2 giáo viên còn lại là thượng tá Nguyễn Thị Liên - giảng viên Trường Sĩ quan đặc công - dạy tiếng Anh và trung tá Lê Ngọc Minh - nguyên tham mưu Lữ đoàn 1, Bộ Tư lệnh 86 - dạy môn điện tử, điện dân dụng.

Sau buổi khai lớp, chiều thứ Sáu hằng tuần, anh Thứ lại mang bài giảng và tiếng cười đến phòng học nhỏ. 40 học sinh của anh tuổi từ 12-17, em nào cũng háo hức chờ thầy Thứ mang kiến thức về máy tính, phần mềm, mạng internet đến trao.

Anh chia sẻ: “Các em đều xa lạ với máy tính, điện thoại thông minh. Tôi phải chạy quanh cơ quan Liên hiệp quốc xin giấy loại, tận dụng mặt trắng còn lại để in tài liệu cho các em. Máy tính của tôi cũng đưa đến lớp để làm dụng cụ học tập. Học tin học nhưng cả lớp chỉ có 1 máy tính. Bàn phím, chuột, màn hình tôi phải minh họa bằng cách vẽ lên bảng hoặc chiếu trên ti vi, sau đó mang máy tính của mình cho từng em xem, sờ. Với các em, tiếng Anh cũng là rào cản. Tôi phải vận dụng tối đa ngôn ngữ cơ thể để giải thích nội dung bài giảng…”.

Là vinh dự, cũng là trách nhiệm

Ngày kết thúc nhiệm kỳ công tác, hoàn thành nhiệm vụ, tất cả sĩ quan đều được chỉ huy phái bộ tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Riêng Sĩ quan tham mưu hậu cần Nguyễn Văn Thứ được Giám đốc Sở Giáo dục Abyei tặng thêm bằng khen vì đã có thành tích trong công tác dạy học tình nguyện. Song, điều giá trị nhất đối với sĩ quan gìn giữ hòa bình - người thầy đặc biệt - là đã góp phần trang bị hành trang để các em học sinh bước vào đại học.

Anh Thứ cho hay, nhiều em đã nỗ lực hoàn thành chương trình, giành học bổng đại học. Mục tiêu lớn nhất của các em là sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm việc tại các tổ chức quốc tế với mức lương đủ nuôi sống gia đình.

Trung tá Nguyễn Văn Thứ (thứ hai từ phải qua) cùng học sinh Trường cấp III Abyei - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trung tá Nguyễn Văn Thứ (thứ hai từ phải qua) cùng học sinh Trường cấp III Abyei - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chúng tôi hỏi sắp kết thúc năm thứ ba ở Abyei, kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất? Trung tá Nguyễn Văn Thứ đáp ngay: “Lần đoàn thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Công an thăm, kiểm tra và động viên lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ UNISFA. Trong chuyến thăm Tiểu đoàn bộ binh của Ấn Độ, đoàn công tác hay tin ngài Apach Deng Biong - Thị trưởng khu vực Abyei - mong muốn được gặp thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch công tác của đoàn, ngài thị trưởng chỉ xin được gặp đoàn tại một ngã ba đường khi đoàn trở về sở chỉ huy phái bộ.

Do thời gian làm việc kéo dài nên đoàn về muộn. Nhưng ngài thị trưởng cùng người dân địa phương vẫn đứng đợi hơn 2 tiếng để được gặp đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Khi gặp, ông chia sẻ với Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: “Nhân dân Abyei rất biết ơn bộ đội Việt Nam đã khơi thông, cải tạo mương thoát nước chống ngập lụt, làm đường dân sinh, xây dựng lớp học và cử giáo viên dạy học cho người dân địa phương. Với chúng tôi, bộ đội Việt Nam không chỉ đại diện cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, mà họ đã trở thành một phần của cộng đồng địa phương, họ chính là động lực của tinh thần quả cảm, sức mạnh của sự đoàn kết và lòng nhân ái”.

Trung tá Thứ xúc động: “Tại Abyei, mỗi con bò là một biểu tượng của sự trù phú và hưng thịnh. Việc người đứng đầu khu vực đợi đoàn công tác đi ngang qua chỉ để gặp và tặng một con bò cho thấy họ rất trân trọng và biết ơn những cống hiến, đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam”.

Có lẽ vì tình quân - dân, khát vọng hòa bình không kể biên giới, màu da, mà lần thứ hai nhận nhiệm vụ Sĩ quan tham mưu cao cấp, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ công tác Bộ Quốc phòng tại Phái bộ UNISFA, anh Thứ bảo là vinh dự, cũng là trách nhiệm, bởi đây là vị trí có chức năng điều hành công tác huấn luyện của cả 3 lực lượng: quân đội, công an, dân sự của phái bộ.

“Trên cương vị mới, tôi thấy mình cần nỗ lực hơn nữa để thể hiện tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ và sự tin tưởng, gửi gắm của thủ trưởng các cấp, tiếp tục phát huy truyền thống mà lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã xây dựng trong thời gian qua” - trung tá Nguyễn Văn Thứ nói.

Đoàn kết, thương yêu và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trên trường quốc tế. Những phẩm chất đặc trưng như tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, ý chí kiên cường và sự tận tụy, hết mình với nhiệm vụ không chỉ là truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là bản sắc được các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam duy trì và phát huy mạnh mẽ trong các sứ mệnh quốc tế.

Với tinh thần quốc tế cao cả, đoàn kết giữa các quốc gia, tham gia các sứ mệnh tại những khu vực xung đột và chịu nhiều thử thách, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Trong quá trình đó, họ không chỉ hỗ trợ các hoạt động quân sự mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người dân bản địa, tham gia các công tác nhân đạo và tái thiết cộng đồng.

Hình ảnh người lính Việt Nam trong bộ quân phục của Liên hiệp quốc, với nụ cười thân thiện và đôi tay sẵn sàng giúp đỡ, đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, tình thương yêu và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Điều này đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam - một quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn mong muốn góp phần xây dựng một thế giới ổn định, hòa bình.

Thiếu tướng PHẠM MẠNH THẮNG
-
Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Minh Tuệ - Hồng Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI