Không chỉ bảo vệ hòa bình, độc lập của Tổ quốc, giờ đây bộ đội Việt Nam còn có thêm nhiệm vụ mới: gìn giữ hòa bình thế giới. Hơn 10 năm tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình tại các nước châu Phi, những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân nước sở tại, những hình ảnh đẹp đẽ. Bài 1: Người lính đảo ở trụ sở Liên hiệp quốc |
Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh - giảng viên ngoại ngữ Học viện Hậu cần - đã 2 lần làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và khu vực Abyei. Chị bảo: “Có sống ở đây mới thấm thía, thấu hiểu và tự hào về việc các thế hệ cha anh đã kiên cường vượt khó khăn để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình của dân tộc”.
Hành trình thử thách
Trở về từ khu vực Abyei, trong câu chuyện của mình, trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh xúc động nhớ về 2 chuyến đi làm nhiệm vụ tại Trung Phi và Abyei. Chị cho biết, khi đặt chân đến Trung Phi, cảm giác lo lắng chiếm trọn tâm trí chị. Với nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo quân sự, chị nhanh chóng nhận ra những thách thức đang chờ đợi mình.
Ở đây, khung cảnh nghèo nàn đổ nát sau chiến tranh như tạc vào từng bức tường, từng mái nhà. Chị và đồng đội sống trong khu nhà dân, nơi không có hàng rào bảo vệ hay lính gác. Mỗi ngày, mối nguy bị bắt cóc, mất mạng, luôn rình rập. Đồng đội cũng đã từng ngã xuống buộc những người còn sống và những người đến sau phải cảnh giác hơn. Đôi khi, chỉ cần một bước đi sai lầm là những sĩ quan mũ nồi xanh có thể trở thành mục tiêu trong những cuộc giao tranh tưởng như bất tận.
|
Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh cùng các em nhỏ Trung Phi - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thế nhưng, những nguy hiểm ấy không làm mọi người lùi bước. Chị nhanh chóng áp dụng những kinh nghiệm để xây dựng văn hóa đào tạo, giúp các học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và ứng dụng hiệu quả vào nhiệm vụ thực tế. Những ngày tháng ở Trung Phi là thử thách nhưng cũng là cơ hội để chị hoàn thiện bản thân và tìm thấy sức mạnh nội tại.
Khác với Trung Phi, lần thứ 2 làm nhiệm vụ tại Abyei đã mang đến cho chị những trải nghiệm đa dạng hơn. Chị được phân công làm sĩ quan tham mưu huấn luyện cao cấp, không chỉ đào tạo lực lượng quân sự mà còn cả lực lượng dân sự và cảnh sát. Công việc nhiều hơn, trách nhiệm cũng nhiều hơn.
Abyei là vùng đất nóng bỏng với xung đột tôn giáo sâu sắc. Người dân ở đây chủ yếu theo đạo Hồi, một tôn giáo có những quy tắc nghiêm ngặt, đặc biệt đối với phụ nữ. Là một sĩ quan nữ, chị phải học cách thích nghi, vừa tuân thủ các quy định, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Chị thấy mình may mắn khi lần thứ hai đi làm nhiệm vụ quốc tế, được tham gia cùng với đội công binh Việt Nam hỗ trợ nhân đạo cho những người dân xung quanh khu vực đóng quân.
Những trải nghiệm ở đây đã cho chị rất nhiều bài học: “Chúng tôi sinh ra vào thập niên 1980, được nghe ông bà, cha mẹ kể về chiến tranh, thiếu thốn và khổ cực nhưng cũng không thể hình dung hết được. Những trải nghiệm ở Abyei giúp tôi hiểu hơn về những khó khăn, đói kém mà các thế hệ đi trước đã phải trải qua”.
Nỗi đau của bạn giúp mình hiểu mình hơn
Ở Abyei, trung tá Hạnh có dịp đến thăm một trường cấp II vào dịp 20/11. Trên đường đi, chị hình dung về một ngôi trường khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất. Nhưng đến nơi, ngôi trường là những dãy nhà gạch trống hoác, không cửa, không điện, chỉ có những chiếc bàn ghế cũ kỹ hiện lên dưới cái nóng 50 độ C. Giọng chị nghèn nghẹn: “Tôi nhìn các em nhỏ, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, gương mặt lấm lem, nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm hy vọng”.
Thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình không chỉ là công việc, mà còn là những lần đối diện với nỗi đau của con người. Chị đã chứng kiến một người mẹ sinh con trong hoàn cảnh thiếu thốn, em bé chào đời được quấn trong chiếc khăn cũ, không sữa, không tiêm phòng. Cảnh tượng ấy khiến tim chị thắt lại.
Ở Việt Nam, dù là vùng sâu vùng xa, trẻ sơ sinh vẫn được chăm sóc y tế cơ bản. Nhưng ở đây, trẻ vừa sinh ra đã bị đặt cược với chiến tranh và đói nghèo. Nhiều em nhỏ bị bệnh không được chữa trị kịp thời. Có những em bị viêm tai giữa, khi được đến bệnh viện dã chiến thì vết thương đã mưng mủ, ruồi nhặng bay theo… Những hoàn cảnh ấy mãi bám theo chị.
Ở các quốc gia sống trong chiến tranh, xung đột, người dân không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm rình rập mà còn phải đối mặt với đói nghèo. “Một gia đình gần 10 người nhưng bữa ăn chỉ có nhúm gạo, còn lại là khoai, sắn. Chiến tranh cũng khiến việc canh tác trở nên khó khăn. Có những vườn sắn bị giẫm nát sau một cuộc giao tranh chiến sự. Khan hiếm thực phẩm không chỉ do đất đai cằn cỗi mà còn do rất nhiều yếu tố tác động” - trung tá Hạnh kể.
Chị bảo, có sống ở đây mới thấm thía, thấu hiểu và tự hào về việc các thế hệ cha ông đi trước đã kiên cường vượt qua khó khăn để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình của dân tộc; cảm phục sự kiên trì, sáng tạo và ý chí quật cường. Dù sống trong cảnh mưa bom, bão đạn, mùa màng bị tàn phá nhưng các thế hệ đi trước đã không chịu khuất phục, vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc, vừa tăng gia sản xuất để bảo đảm lương thực, thực phẩm chi viện cho các chiến trường.
|
Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh (thứ ba từ trái qua) cùng các sĩ quan tại Phái bộ Abyei - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Mang văn hóa Việt đến châu Phi
Không chỉ làm nhiệm vụ, trung tá Mỹ Hạnh và đồng đội còn là những “đại sứ” mang tinh thần và văn hóa Việt Nam đến với người dân địa phương. Từ những chiếc bánh chưng ngày tết đến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo như khám chữa bệnh, hướng dẫn trồng trọt, bỏ tiền xây bếp cho trẻ mồ côi và cùng nhà thờ nuôi dưỡng chúng…
Những việc làm thấm đẫm tình người của đội công binh, của các sĩ quan Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm với người dân bản địa. Giọng chị xúc động, tự hào: “Tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam được người dân đang sống trong khu vực chiến tranh rất ngưỡng mộ. Mỗi lần gặp ông thị trưởng của khu vực nơi tôi làm nhiệm vụ, ông đều nhắc đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam”. Họ đặc biệt nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Với họ, chiến thắng ấy đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, quật cường và khát vọng tự do. Các cuộc kháng chiến và chiến thắng của dân tộc Việt Nam đã trở thành bài học trong những cuốn sách lịch sử của các nước ở châu Phi. Họ rất khao khát quốc gia của họ cũng sẽ có một ngày không còn chiến tranh nữa và sẽ phát triển được như Việt Nam”.
Dường như “đi dân nhớ, ở dân thương” không chỉ là tình cảm của người Việt Nam dành cho bộ đội cụ Hồ mà ở các phái bộ tại châu Phi, chị Hạnh bảo, mỗi lần chuyển quân, người dân thường hỏi những sĩ quan Việt Nam rằng, liệu có quay lại không? Họ coi sự hiện diện của những người lính Việt Nam như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Người Abyei còn coi Việt Nam như dân tộc thứ 10 của họ. Những cuộc chia tay đều rất bịn rịn, khiến mọi người không cầm được nước mắt.
Với trung tá Mỹ Hạnh, sau 2 lần thực hiện nhiệm vụ, chị đã trở về với một tâm thế khác. Chị nhận ra mình trưởng thành hơn, hiểu biết hơn về con người và văn hóa. Những trải nghiệm ấy không chỉ làm giàu vốn sống mà còn giúp chị truyền cảm hứng cho các học viên.
Chị cho biết: “Khi trở lại với công việc giảng dạy, tôi sẽ mang những câu chuyện từ Trung Phi và Abyei kể cho học viên nghe, để họ hiểu hơn về ý nghĩa của hoạt động gìn giữ hòa bình, về tầm quan trọng của ngoại ngữ và giá trị của sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Gìn giữ hòa bình cũng chính là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Góp phần bảo vệ hòa bình cho thế giới cũng là bảo vệ hòa bình cho Việt Nam. Tôi hy vọng các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa tinh thần ấy, mang hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ lan tỏa khắp năm châu”.
Chị cũng hy vọng với sự hỗ trợ từ gia đình và đồng nghiệp, sẽ có nhiều nữ sĩ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Với chị, phụ nữ không chỉ mang trái tim ấm áp mà còn có khả năng lan tỏa những giá trị nhân văn, góp phần xây dựng hòa bình thêm bền vững.
Ngọc Minh Tâm
Kỳ cuối: Người thầy đặc biệt của học trò Abyei