Chân dung người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam - Bài 1: Người lính đảo ở trụ sở Liên hiệp quốc

04/01/2025 - 06:15

PNO - Trước khi là sĩ quan Việt Nam làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc, thượng tá Lương Trường Vinh đã 2 lần nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi) và Phái bộ UNMISS (Cộng hòa Nam Sudan). Trước nữa, anh có 12 năm công tác tại quân chủng hải quân, trong đó có 3 năm bảo vệ Trường Sa.

Không chỉ bảo vệ hòa bình, độc lập của Tổ quốc, giờ đây bộ đội Việt Nam còn có thêm nhiệm vụ mới: gìn giữ hòa bình thế giới. Hơn 10 năm tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình tại các nước châu Phi, những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân nước sở tại, những hình ảnh đẹp đẽ.

Sự chuyên nghiệp và chất lượng công việc

Trở về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (trụ sở tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) sau 4 năm làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc (New York, Mỹ), thượng tá Lương Trường Vinh (45 tuổi) lại thân thương trong “màu áo xanh bộ đội”. Anh cũng là thế hệ tiếp nối trong gia đình nội - ngoại có truyền thống quân nhân ở đất cảng Hải Phòng.

Năm 2019, trước khi đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, anh Vinh đã ứng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, do phía xét tuyển chưa công bố kết quả khi kết thúc vòng phỏng vấn trực tuyến nên 1 năm sau, khi anh đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan thì thông báo kết quả mới được gửi về.

Thượng tá Lương Trường Vinh (thứ hai từ phải sang) tham gia giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại tiểu bang Yei, Cộng hòa Nam Sudan - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thượng tá Lương Trường Vinh (thứ hai từ phải sang) tham gia giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại tiểu bang Yei, Cộng hòa Nam Sudan - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghe chúng tôi nhắc chuyện sĩ quan Việt Nam đầu tiên trúng tuyển làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc, thượng tá Vinh cười - nụ cười nhiệt thành của lính: “Đã có rất nhiều người Việt Nam làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc, song đối với lực lượng vũ trang thì tôi là người đầu tiên, nên rất vinh dự. Tôi vẫn nhớ, hôm đó vừa kết thúc một chuyến tuần tra thì nhận được công văn từ bên nhà gửi sang. Nhận thông báo trúng tuyển, tôi rất bất ngờ. Bởi mọi khâu, từ hoàn thiện hồ sơ, thi viết, phỏng vấn… tôi đều nỗ lực hết sức có thể. Song nỗ lực là một chuyện, trúng tuyển hay không lại là chuyện khác, vì còn liên quan đến nhiều khâu tuyển chọn”.

Sau những ách tắc vì COVID-19, cuối cùng anh Vinh cũng có mặt tại New York. Do khi anh sang đúng vào thời điểm sĩ quan phụ trách Phái bộ MONUSCO (Cộng hòa Dân chủ Congo) kết thúc nhiệm kỳ nên anh đảm nhiệm vị trí đó với nhiệm vụ tuyển chọn và tiến hành công tác luân chuyển cho lực lượng quân sự của toàn phái bộ. Thời điểm đó, đây là phái bộ lớn nhất với 14.600 quân.

Khó khăn lớn nhất trong nửa năm đầu của anh là việc Phái bộ MONUSCO phải tái cấu trúc lữ đoàn can thiệp. Đây là việc phức tạp, bởi liên quan đến điều chỉnh, giảm bớt một số đơn vị để triển khai lực lượng mới, anh Vinh phải tham gia đàm phán với các phái đoàn thường trực để họ nhất trí với kế hoạch của Liên hiệp quốc.

Sau khi giúp lãnh đạo phái bộ tái cấu trúc thành công phái đoàn can thiệp MONUSCO, anh được giao nhiệm vụ điều phối của phòng, trong đó có nhiệm vụ tuyển chọn các sĩ quan cao cấp tại trụ sở Liên hiệp quốc, các vị trí lãnh đạo cao cấp ở phái bộ.

Trong nhiệm kỳ 4 năm tại trụ sở Liên hiệp quốc, vì COVID-19, anh Lương Trường Vinh chỉ được về Việt Nam 1 lần. Song với gia đình quân nhân, người thân xa nhà một vài năm là chuyện rất đỗi bình thường. Với hầu hết mọi người, phát triển bản thân là chuyện của mỗi cá nhân. Nhưng với người lính, đồng hành với phát triển bản thân còn là trách nhiệm với “màu áo”, với quân đội và Tổ quốc.

Anh Vinh bảo đi làm nhiệm vụ ở đâu cũng thế, phải luôn gìn giữ hình ảnh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở bất kỳ đâu, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ cũng phải được thể hiện tốt nhất qua sự chuyên nghiệp, chất lượng công việc và tính kỷ luật.

Vượt khó bằng tinh thần lính đảo

Năm 2003, Lương Trường Vinh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, được điều về công tác tại quân chủng hải quân. Sau 2 năm làm trung đội trưởng, anh ra công tác ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Hơn 20 năm trước, Trường Sa thiếu thốn đủ bề. Có những ngày anh cùng đồng đội phải xúc đến hàng chục khối cát. Nhưng xúc xong, sóng lại đưa cát vào, lại xúc… để đảm bảo công sự luôn sẵn sàng.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, ý chí người lính được tôi luyện từng ngày. Kỷ luật, kiên định và vượt khó là những phẩm chất mà đời sống lính đảo đã tặng anh, để anh luôn vững vàng trong môi trường quốc tế. “Thời gian ở đảo mình vừa rèn luyện ý chí, vừa rèn luyện thể lực, nên những chuyến công tác sau này, tôi đón nhận bình thản và dễ dàng hơn so với mọi người” - anh Lương Trường Vinh chia sẻ.

Năm 2016, anh lên đường sang Cộng hòa Trung Phi nhận nhiệm vụ sĩ quan tác chiến tổng hợp tại trụ sở phái bộ. Rồi ở Nam Sudan anh làm nhiệm vụ quan sát viên quân sự. Ở đây, hình ảnh sĩ quan Việt Nam dáng người tầm thước, nước da đậm màu nắng gió, hằng ngày đi tuần tra tại các địa bàn khác nhau đã trở nên quen thuộc. Anh gặp trực tiếp người dân, người tị nạn, các lãnh đạo nhóm phiến quân, lực lượng vũ trang…

Thượng tá Lương Trường Vinh - Nguồn ảnh: U.N.
Thượng tá Lương Trường Vinh - Nguồn ảnh: U.N.

Có lần anh nhận nhiệm vụ đến tiểu bang Yei để kết nối làm việc giữa tư lệnh quân sự với lãnh đạo nhóm vũ trang đối lập. Khi đoàn đến nơi, phía đối lập bố trí lực lượng với súng ống, quân lính, lực lượng vũ trang chạy rầm rập xung quanh để phô trương lực lượng và áp chế tinh thần. Song với bản lĩnh được tôi rèn từ nơi gian khó, anh Vinh vẫn rất bình tĩnh làm việc.

Chúng tôi hỏi, anh đã có “Tổ quốc nhìn từ biển” và Tổ quốc nhìn từ thực địa xung đột tại châu Phi, những cái nhìn ấy trong anh hiện lên như thế nào? Thượng tá Vinh chớp đôi mắt loang loáng nước. Ký ức về Trường Sa trong anh vẫn vẹn nguyên. Với anh, xúc động và tự hào nhất vẫn là mỗi lần được chào cờ và đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Kết thúc mỗi lời thề là tiếng hô “xin thề” đanh thép, đầy quyết tâm với Tổ quốc, với nhân dân.

Anh nhớ: “Năm 2005, khi mới là trung úy, tiếng còi tàu chào tạm biệt đất liền để ra với đảo khiến tôi vô cùng xúc động. Còn khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại châu Phi, tôi thấy rõ xung đột gây ra những hậu quả lớn thế nào. Cộng hòa Trung Phi giành độc lập năm 1960, diện tích hơn 600.000km2 mà không đủ sức nuôi 5 triệu dân. Trong khi nước ta diện tích núi đồi là chủ yếu, nguồn tài nguyên không nhiều, dân số hàng trăm triệu, nhưng chúng ta có cuộc sống như hiện nay là điều rất đáng trân trọng, tự hào”.

Anh không phải là những sĩ quan Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ quốc tế. Song tại Phái bộ MINUSCA hay Phái bộ UNMISS người dân nước sở tại vẫn nói với anh rằng lần đầu tiên họ nhìn thấy sĩ quan Việt Nam. Khi làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc, anh cũng được nghe nhiều người nói như vậy.

Những lúc ấy, anh thấy việc tham gia gìn giữ hòa bình của mình đã góp phần mang hình ảnh Việt Nam bằng con người thật chứ không phải thông qua sóng truyền hình hay sách báo.

Trong cái nắng đông hanh hao của xứ Đoài, những bước chân thượng tá Lương Trường Vinh khoan thai mà dứt khoát. Trở về công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, anh tiếp tục truyền cảm hứng, kinh nghiệm và tinh thần cho các đồng đội đi sau.

Uông Ngọc

Kỳ tới: Nữ trung tá 2 lần làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI