Không chỉ thao túng ở đây, “vòi bạch tuộc” của bà Hồng còn vươn ra nhiều BV khác trên địa bàn TP.HCM.
“Bảo kê” nhiều nơi
Theo tiết lộ của bà Sáu - một đàn em thân tín của “trùm” Hồng - hiện tại, bà Hồng có trong tay hơn 300 người làm nghề chăm bệnh thuê rải khắp các BV. Thông thường, khi nhận người mới, bà Hồng có thể sắp xếp được ngay “công việc” cho họ tại BV 115, vì hầu như bà đã thống lĩnh “thị trường” tại đây.
Lực lượng đóng tại BV 115 xem như “quân chủ lực” của bà Hồng, khi người bệnh ở BV khác có nhu cầu, bà sẽ “điều quân” qua. Mỗi nơi, bà ta lại có mỗi cách quản lý khác nhau.
|
Bà Hồng - "bà trùm" cầm đầu đường dây chăm bệnh thuê tại bệnh viện Nhân Dân 115. |
Trong vai người đi tìm việc, trưa 4/4, chúng tôi hòa vào dòng người xếp hàng xin cơm từ thiện ở khu vực gần cổng BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8), lập tức được một người đàn ông khoảng 40 tuổi, hành nghề xe ôm đến bắt chuyện. Biết chúng tôi đang cần chăm bệnh thuê, người này vội vàng kéo chúng tôi ra một góc nói nhỏ: “Vào đây phải có người lo mới yên ổn làm được. Để anh gọi bà chị này giới thiệu em vào làm nhé. Có bả lên tiếng, em mới không bị ai ăn hiếp”.
Thật trùng hợp, “bà chị” mà ông ta hứa hẹn và sau đó móc điện thoại ra a lô không ai khác chính là bà Hồng. Họ nói chuyện một lúc, bà Hồng liền bảo người này đưa điện thoại cho chúng tôi. “Nếu em muốn làm nghề nuôi bệnh thì nói với anh xe ôm chở qua BV 115 gặp chị. Chị sẽ cho em làm ở 115 trước, vài hôm có ca, chị sẽ đưa em qua quận 8 làm”. Chúng tôi tỏ ý không muốn làm ở BV 115 mà muốn qua làm ở BV Chợ Rẫy, bà Hồng nói: “Cứ qua BV 115 đi rồi tính. Muốn qua Chợ Rẫy hay đâu đó thì chờ chị sắp ca. Còn nếu qua 115 thì có việc làm liền”.
Bà C. - một người thân cận khác, từng làm việc với bà Hồng 5 năm - cho chúng tôi biết, tại BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, có khoảng 100 người nuôi bệnh đang nằm dưới sự điều khiển của bà Hồng. Do ở BV này, thời gian chăm một ca bệnh rất dài, có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm nên trước khi điều người qua đây, bà Hồng sẽ thu mỗi người một triệu đồng tiền giữ chân. Sau đó, hàng tháng, bà Hồng hoặc chồng bà ta sẽ qua thu tiếp 500.000đ/người. Ngoài ra, khi nhận ca bệnh mới, cũng phải đóng thêm 300.000đ tiền giữ chân.
Chung tiền đều đặn
Cũng theo bà C., dù đi xa BV 115, nhưng những người chăm bệnh thuê tại các BV khác đều rất sợ bà Hồng, đặc biệt là chồng của bà ta, tên Lương - là một tay “anh chị” cộm cán. Ông ta chuyên đánh đập người trốn đóng tiền, nên ai cũng “khôn hồn” nộp đủ tiền hàng tháng. Những kẻ dám không đóng tiền chỉ còn nước trốn về quê mới mong thoát khỏi nanh vuốt của cặp vợ chồng này.
Ngày 10/4, trong vai thân nhân đi tìm thuê người chăm sóc thân nhân đang bệnh, chúng tôi trở lại BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp. Chúng tôi tiếp cận và ngỏ ý với ông H., khoảng 50 tuổi, đang làm nghề nuôi bệnh tại đây. Ông H. vui vẻ nhận lời ngay, ra giá tiền công 350.000đ/ngày.
Tuy nhiên, khi phóng viên vừa nhắc đến tên bà Hồng, mặt mày ông H. bỗng dưng tái xanh: “Tui năn nỉ chú, nếu chú biết bà Hồng thì đừng nói với bả là tui tự bắt mối chăm bệnh. Vợ chồng bả biết là không tha cho tui đâu; bả sẽ đòi tiền, ổng còn đánh tui nữa”. Theo ông, bà Hồng đặt ra “luật” là những người chăm bệnh dù đi xa, nhưng khi bắt ca mới đều phải báo và đóng tiền ngày đầu nhận ca cho bà Hồng. Nếu tự nhận ca, tức là “dù” - một hình thức qua mặt trốn đóng tiền - sẽ bị xử lý.
“Có nhiều người tự nhận ca, không đóng tiền cho bà Hồng, liền bị chồng bả qua tận nơi đánh. Tụi tui là dân ở quê lên đây nên rất sợ, mỗi tháng đều phải đóng đầy đủ tiền để được yên thân” - ông H. lấm lét nhìn quanh. Ông tiết lộ, dù không thường xuyên đến BV tại Q.8, nhưng nhất cử nhất động của người nuôi bệnh ở đó, bà Hồng đều biết.
|
Ông Lương (chồng bà Hồng) luôn sẵn sàng dùng bạo lực với những người nuôi bệnh thuê còn bà Hồng thường xuất hiện trước cổng bệnh viện 115. |
Bà M. - một người có thâm niên hàng chục năm trong nghề nuôi bệnh - cho hay, bà Hồng chỉ “làm mưa, làm gió” ở BV 115 và một số BV khác. Riêng tại BV Chợ Rẫy, trước đây cũng có rất đông người chăm bệnh thuê là “lính” của bà Hồng nhưng hiện số này chỉ còn lại hơn 10 người.
“Bà Hồng có quen với một số người làm tạp vụ trong Chợ Rẫy nên họ cũng giới thiệu mối cho bả. Người nào lính của bà Hồng qua Chợ Rẫy đều phải đóng trước cho bả 500.000đ. Cứ sau 10 ngày, bà Hồng gọi điện kêu đóng tiếp 500.000đ”, bà M. nói. Người nào không đóng tiền thì bị bà Hồng đuổi về, thay người mới, nếu ai không chịu, vẫn ráng ở lại, sẽ bị bà Hồng cho người qua “xử”.
Trước đó, trong quá trình thâm nhập đường dây ở BV 115, nhiều người nuôi bệnh ở đây tiết lộ với chúng tôi, họ được bà Hồng điều đi các BV Xuyên Á, Quốc Tế, Thống Nhất, Ung Bướu, An Bình, Nguyễn Tri Phương… Chị M.T.H. đang chăm bệnh thuê ở BV 115 cho biết, trong bảy năm làm trong đường dây của bà Hồng, chị đã bị điều động đi đến năm BV. Điểm xa nhất là BV Xuyên Á. Dù nuôi bệnh ở xa, nhưng chị H. vẫn phải đóng tiền đều đặn cho bà Hồng.
“Ông trùm” từng là nhân viên bảo vệ bệnh viện 115
Như đã đề cập, người thân tín và trực tiếp thay “bà trùm” quản lý những người nuôi bệnh ở BV 115 là bà Sáu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Sáu trước đây cũng là một người chăm bệnh thuê. Do có thâm niên “sống” trong BV nên được bà Hồng tin tưởng giao nhiệm vụ điều động, sắp xếp ca làm việc cho đường dây. Thỉnh thoảng, nếu bà Hồng vắng mặt, bà Sáu được quyền thay bà Hồng thu tiền “cai” của người nuôi bệnh thuê. Dĩ nhiên khi thu tiền, bà Hồng có chia lại cho bà Sáu. Hiện bà Sáu gần như trực 24/24 giờ ở khu vực lầu 3, khu A, BV 115.
Một người khác cũng nằm dưới sự điều động trực tiếp của bà Hồng là bà Phựa. Bà này cũng là người chăm bệnh thuê lâu năm nên được bà Hồng ưu tiên cho dắt mối để hưởng huê hồng. Ngoài ra, bà Phựa cũng là một “tai mắt” thường xuyên “gác” ở cổng BV 115, chuyên dắt người vào đường dây nuôi bệnh cho bà Hồng.
Về phần mình, hàng ngày, bà Hồng chỉ xuất hiện ở BV 115 vào hai thời điểm, lúc 7 giờ sáng và 16 giờ. Khi đến BV, bà Hồng đi thẳng lên lầu 3, chủ yếu để thu tiền rồi đi.
Khoảng 16h30 ngày 27/3, bà Hồng xuất hiện ở lầu 3, khu A, BV 115 để thu tiền “cai”.
Vừa thấy dáng bà Hồng, những người nuôi bệnh ới nhau, hết thảy đều lần lượt móc tiền đưa cho bà ta. Hôm đó, có một phụ nữ tên H. khoảng 40 tuổi xin bà Hồng bớt cho 50.000đ vì chị này cho rằng mình làm ca ngắn, không có tiền. Bà Hồng quắc mắt quát, chị H. phải vội vàng đưa đủ tiền cho bà “trùm”. Thu tiền xong, bà Hồng đi bộ ra cổng phía đường Sư Vạn Hạnh, gọi điện cho chồng đến đón.
Ông Lương (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Lương, sinh năm 1960, quê Bình Minh, Vĩnh Long) tuổi chừng ngoài 50, thân hình to lớn, xăm trổ nhiều nơi, vẻ mặt lạnh lùng, quần áo kiểu nhà binh rất hầm hố, nghênh ngang cưỡi chiếc Future màu đen lượn vào cổng BV. Chúng tôi bám theo hai vợ chồng về đến căn nhà số 266/80 Tô Hiến Thành, thuộc khu phố 2, P.15, Q.10, khá gần BV 115. Được biết, ông bà “trùm” mới đến thuê phòng tại đây khoảng ba tháng trước.
Qua những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại, hầu như ai đang làm việc tại BV 115 đều biết mặt ông Lương. Một hộ lý cho biết, trước đây ông “trùm” chính là nhân viên bảo vệ tại BV này; trong quá trình làm bảo vệ, ông Lương quen biết và “giúp đỡ” nhiều cho bà Hồng (tên thật là Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1959, quê Bến Cầu, Tây Ninh), khi đó cũng đang làm công việc chăm sóc bệnh thuê, nhưng còn nhỏ lẻ, chưa được tổ chức “quy củ” như hiện nay.
Theo một nhân viên khác, sau thời gian dài cặp kè, ông Lương bỏ vợ con, sinh sống như vợ chồng với bà Hồng. Ông cũng rời bỏ công việc bảo vệ tại BV, ra ngoài “bảo kê” cho bà Hồng tổ chức thành đường dây nuôi bệnh thuê hùng mạnh như hiện nay.
Sở dĩ người ta biết và chọn “dịch vụ” của đường dây này khá đông là do lực lượng môi giới dày đặc được ông bà “trùm” chi huê hồng khá “thơm”. Ngoài cánh hộ lý, bảo vệ thường xuyên móc khách để hưởng 300.000đ cho một lần giới thiệu, tất cả xe ôm, bán hàng rong xung quanh BV 115 cũng đều biết tiếng và lưu trữ số điện thoại của “trùm” Hồng - Lương. Hễ ai có nhu cầu hỏi đến, lực lượng môi giới này không ngần ngại quảng cáo cho ông bà “trùm”.
Với chiêu thức này, đường dây của bà Hồng đã hút phần lớn lượng bệnh nhân có nhu cầu thuê người chăm sóc tại BV 115 và các BV khác. Ngoài vẻ “giang hồ cộm cán” khiến ai cũng ngán, ông Lương còn luôn tỏ ra quen biết “trong ngoài” BV do từng làm bảo vệ tại đây. Ông ta có thể tự do đánh xe ra vào cổng BV mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào từ lực lượng bảo vệ.
Nhóm Phóng Viên
Bài cuối: Cơ quan chức năng vào cuộc