Chẩn đoán nhầm, bệnh nhân lãnh đủ

31/10/2018 - 07:06

PNO - Chị D. vẫn nghĩ mình bị ốm nghén nên ăn uống không được và hay bị nôn ói như bệnh viện địa phương chẩn đoán. Bác sĩ ở TP.HCM đã cho xét nghiệm máu, sinh thiết thì phát hiện chị bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Thực tế, có những bệnh bị chẩn đoán nhầm không phải do hạn chế trong y khoa, hay vượt quá chuyên môn mà do bệnh viện quá tải, bác sĩ không đủ thời gian dành cho bệnh nhân và không ít trường hợp có cả sự chủ quan, và người lãnh đủ chính là bệnh nhân.

Sáu cái răng “chết” oan

Nhổ lần lượt hết răng này đến răng khác mới phát hiện thủ phạm gây nên những cơn đau hàm, buốt răng thường xuyên không phải là hai hàm răng mà là chứng bệnh đau nửa mặt kịch phát. Đó là trường hợp chị Lê Thanh N., 41 tuổi, ở Q.10, TP.HCM. Anh Nguyễn Tiến Phát, chồng chị N. kể: “Cách đây mấy tháng, khi vợ tôi đang ngồi làm việc, bỗng bị đau như điện giật ở hàm trên bên phải. Cơn đau làm vợ tôi ăn uống không được và bị mất ngủ”.

Chan doan nham, benh nhan lanh du
Bé Thanh T. và mẹ tại phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, sau hai năm trời điều trị bệnh tăng huyết áp mới phát hiện bệnh u não.

Chị N. đến phòng nha ở gần nhà kiểm tra thì nha sĩ nói chị bị sâu răng và cho nhổ hai răng hàm trong cùng bên phải. Nhổ xong, cơn đau vẫn không giảm. Chị N. quay lại phòng khám và được chỉ định nhổ tiếp bốn răng hàm tiếp theo nhưng cũng không bớt đau. Nha sĩ lại kêu nhổ hai răng hàm dưới. Đến đây thì anh Phát quá lo ngại nên đưa vợ vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Viết Thắng - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sau khi khám, bác sĩ thấy cơn đau có liên quan đến thần kinh và kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy chị N. bị bệnh đau nửa mặt kịch phát. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật, giải phóng chèn ép dây thần kinh số 5. Chỉ ba ngày sau mổ, chị N. hết đau, ăn uống bình thường nhưng cảm giác nhai khó vì đã bị nhổ hết sáu cái răng oan uổng.

Hai năm tưởng tăng huyết áp vô căn, cuối cùng u não

Khác với lẽ thường, khi phát hiện con gái Nguyễn Phan Thanh T. 11 tuổi, ở xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bị u não, chị Nguyễn Thu Hà, mẹ bé lại cảm thấy mừng. Chị Hà cho biết, từ lúc tám tuổi, bé bị nhức đầu thường xuyên. Vợ chồng chị đưa con đi khám từ bệnh viện địa phương, bệnh viện tỉnh Cần Thơ và cả bệnh viện nhi lớn ở TP.HCM đều chẩn đoán bé bị tăng huyết áp vô căn. Thời gian sau này, bé càng bị nhức đầu nhiều hơn và khó ngủ, nôn ói, không tập trung học được.

Cứ hai tháng, vợ chồng phải đưa con nhập viện một lần. “Gần đây, khi con vừa xuất viện ở Bệnh viện Nhi Cần Thơ về được vài ngày cũng với chẩn đoán: tăng huyết áp vô căn thì tôi thấy bé rất lạ: nhức đầu dữ dội, mắt mờ, cứ trợn trắng, tai điếc và giống như bị tâm thần, hay la hét”. Thấy vậy, vợ chồng chị lại đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Lần này, bác sĩ cho đi khám mắt nhưng bé không đọc được. Rồi chuyển qua Khoa Thần kinh chụp MRI thì mới phát hiện bé có khối u ở não nên cho chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy mổ. Chị mừng vì biết chính xác bệnh, con chị có cơ hội điều trị dứt bệnh.

Tưởng bị thai hành, nào ngờ ung thư dạ dày

Ngày chị Vũ Thị D., 30 tuổi, đang mang thai 28 tuần, từ Gia Lai xuống một bệnh viện tại TP.HCM khám bệnh, chị vẫn nghĩ mình bị ốm nghén nên ăn uống không được và hay bị nôn ói như bệnh viện địa phương chẩn đoán. Thấy chị sụt cân nhanh, từ 48kg chỉ còn 35kg trong vài tháng, bác sĩ đã cho nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, sinh thiết thì phát hiện chị bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Đặc biệt, tình trạng bệnh của chị rất nặng: ung thư toàn bộ dạ dày, xâm lấn trục hoành, gan, đại tràng. Ngoài ra, ung thư gây ra tình trạng hẹp môn vị dẫn tới không thể ăn uống được và thường xuyên ói ra máu. Các bác sĩ đã tìm mọi cách để dưỡng thai và thực hiện ca phẫu thuật kép: mổ bắt con ở tuần thai 31 và cắt khối u. Chị đã nhìn thấy con, bé trai nặng 1,5kg và xuất viện về chăm con một thời gian. Tuy nhiên, vì phát hiện quá trễ, cuối cùng chị đã ra đi ở tuổi 31. 

Một bác sĩ cho biết: chẩn đoán nhầm sẽ dẫn đến điều trị không đúng, khiến sức khỏe bệnh nhân không cải thiện, gây tổn thương nghiêm trọng, hoặc dẫn đến nguy cơ tử vong. Do đó, thận trọng trong định bệnh còn là y đức của người thầy thuốc. Còn với bệnh nhân, khi thấy điều trị bệnh hoài không khỏi thì nên nghĩ đến bệnh lý khác và tầm soát bệnh ở cơ sở y tế chuyên khoa, hoặc tuyến cao hơn.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI