Sau một thời gian chung sống, nhiều cặp vợ chồng lâm vào tình trạng không chỉ “chẳng yêu nhau hơn đã yêu”, mà còn ngán nhau như ngán… cơm nếp. Dường như cái xấu dễ gây chú ý hơn, khiến người ta cứ chăm chú, soi mói.
Không cần che đậy, đó là thói quen của nhiều ông chồng, bà vợ khi đã trở thành phu thê của nhau. Nhiều người quan niệm, với người bạn đời, mà “che đậy” là khách sáo, là giả tạo. Mọi thứ phải thật thà với nhau, mới đúng là người một nhà.
Thế nhưng, bây giờ, xu hướng chán chồng lại đang âm ỉ lan tràn. Nhiều bà vợ gắng gượng sống qua ngày coi như….trả hết nợ kiếp trước. Chẳng phải các bà sinh tật thay lòng đổi dạ, mà vì ngày càng ngày, càng thấy ông xã cứ hồn nhiên như…ruồi.
|
Ảnh minh họa |
Mới đây, tại toà án một quận nội thành, sau phiên hòa giải đầu tiên, thấy vị nữ thẩm phán chần chừ “Vợ chồng không có mâu thuẩn gì trầm trọng”, nên bà N.T Thảo - người đứng đơn ly hôn phải đến gặp riêng thẩm phán phân trần nổi lòng để “phụ nữ với nhau dễ thông cảm”.
Trong câu chuyện đầy than thở, chân dung ông chồng hiện ra với nhiều…sắc màu tối tăm. Có đêm nằm bên chồng, bà cứ ngỡ bên cạnh mình là cái vại bia, cái hủ hèm. Ông chồng tiệc tùng về khuya, lăn ra ngủ, quên cả cởi giầy. Vất vả lắm, bà mới bà mới lột ra được mớ quần áo đầy mùi thức ăn trên người ông.
Thỉnh thoảng có cả mấy mẩu thịt còn bám vào râu ria của ông. Sáng tỉnh dậy, ông vật vờ vào nhà tắm, rồi lục lọi tìm quần áo. Những lúc trễ giờ làm việc, ông quáng quàng mặc cả áo trái chạy ra khỏi nhà. Ở nhà quần đùi trên người ông, không lỏng dây thun, thì rách đáy, nhưng…bà vợ cười không nổi. Có khi đang ăn cơm, ông chạy vào toalet, còn mang theo cục xương đang gặm dở dang.
Vị thẩm phán ngắt lời bà vợ, nhắc nhở bà nhớ và nói về những điểm tốt của ông. Bà vợ lại chép miệng: “Ổng có đưa tiền chợ, nhưng tui phải theo đòi như người đến thu tiền hụi. Về phần con cái, ổng đâu biết đứa nào cần gì, muốn gì. Lâu lâu, tôi nhờ ổng đi họp phụ huynh, thì ổng đi nhầm trường, nhầm lớp. Ưu điểm duy nhất của ổng là không có bồ, nhưng biết đâu là do ổng giấu kỹ, chưa bị phát hiện”.
Vị thẩm phán, động viên bà nên tạo cơ hội, và cần thời gian để ông chồng thay đổi. Bà vợ thú thật, đưa đơn ra tòa, không hẳn vì muốn dứt khoát ly hôn, mà nhằm cảnh báo ông chồng thay đổi tư duy về chất lượng sống.
|
Ảnh minh họa |
Nghe mọi người trong xóm, bạn bè đồng nghiệp khen ông xã mình có tài giao tiếp, mà bà Ngọc Khanh, chạnh lòng. Những lời cảm ơn, xin lỗi, những nụ cười thân thiện, chào hỏi… ông chồng bà dường như dành hết cho người ngoài, nên vốn liếng lịch sự chẳng còn bao nhiêu để sử dụng khi về nhà.
Giọng bà vợ ngán ngẩm: “Sáng sớm tôi đã ra chợ, đi lòng vòng tháo mồ hôi, lựa cái này, chọn cái nọ toàn những đồ còn tươi rói, rồi lụi cụi kho nấu. Vậy mà hôm nào ngon miệng, chẳng nghe ổng khen một câu. Còn bữa nào lỡ tay, mặn cá, nhạt canh là ổng làu bàu, coi như tôi ở nhà chỉ biết ngủ hoặc dán mắt vô tivi. Ổng là phó giám đốc của một công ty lắp ráp hàng điện tử. Ngoài việc đưa đủ tiền chợ cho vợ như phát lương cho công nhân, là ổng cảm thấy đầy đủ trách nhiệm.
Có hôm, tôi rủ ông xã đi coi kịch, ổng bảo: “Vào rạp ngồi ghế, tui đau lưng và buồn ngủ lắm. Nhà hát là chỗ bọn trẻ vào, lấy cớ coi kịch, để ngồi gần nhau. Bà không đủ thời gian để coi hết các chương trình tivi trong nhà hay sao, vậy mà còn đòi coi thêm kịch bên ngoài”.
Bà vợ lại than thở: “Tôi ở nhà nội trợ, đôi lúc muốn đi đâu đó, với chồng, để có cơ hội mặc cái áo mới, trang điểm mặt mũi, đầu tóc, nhưng ông xã lại coi đó là chuyện lãng phí. “Vợ chồng mà, biết nhau quá rồi” Với ông, cuộc sống chỉ được ăn no là sung sướng hơn nhiều người rồi.
|
Ảnh minh họa |
Tại sao thời gian yêu nhau là giai đoạn đẹp nhất? Vì lúc đó chúng ta cố hết sức thể hiện mặt tốt đẹp nhất của mình cho người yêu thấy, để hấp dẫn người yêu, nếu không cố gắng “biểu diễn”, người yêu sẽ… chạy mất. Cho nên, con người lúc đang yêu đều biết cách hóa trang mình thành hoàng tử hay công chúa.
Nhưng sau khi kết hôn, cùng sống chung một mái nhà, không còn cảm giác nguy hiểm, không còn nỗi sợ hãi “không cưới được nhau”, nên cả hai đều bắt đầu tùy tiện trong cử chỉ và lời nói. Khi các ông chồng, bà vợ như “bánh bóc trên mâm” không còn giữ ý tứ, ăn nói tùy tiện thì mặt xấu của tính tình dần dần bộc lộ ra. Sự khác biệt tính tình trước và sau hôn nhân của cả hai, khiến người này khó chấp nhận người kia? Nếu không có sự bao dung, nhường nhịn, thì chỉ có con đường chia ly!
Người xưa dạy rằng “Vợ chồng đối với nhau như khách”(Tương kính như tân) để phòng ngừa hội chứng “ngán nhau”. Hóa ra, bây giờ đang là “mốt” trong các loại quan hệ xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng.
Ông Prashant Kakoday, một bác sĩ, một nhà tâm linh học người Ấn, giám đốc Trung tâm sức khoẻ toàn diện tại Anh, có lời khuyên cho các cặp vợ chồng “Ai cũng tỏ ra lịch sự, dịu dàng, mềm mỏng với khách, nên hãy dành cho vợ, chồng của mình thái độ tích cực, đáng yêu đó trong suốt thời gian chung sống luôn có giới hạn của đời người”.
Tuấn Lê