Trước năm 1975, tại miền Nam có tạp chí Tin Văn tập hợp các trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ, xuất bản công khai nhưng có sự chỉ đạo bí mật của Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn, thông qua nhà văn Vũ Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc. Bấy giờ, trước làn sóng du nhập hổ lốn, lai căng của văn hóa ngoại bang, tạp chí này đã tổ chức những cuộc hội thảo nhằm tìm ra phương hướng giáo dục, bảo vệ con em mình.
|
Trẻ cần được hướng dẫn, quản lý để biết cách sử dụng các tiện ích của điện thoại thông minh, không bị “nghiện” và sa đà vào các nội dung giải trí vô bổ . Ảnh: N.Quang |
Tôi đọc lại tường thuật và lấy làm tâm đắc với ý kiến thống nhất từ các cuộc hội thảo đó: cần xây dựng nếp nhà như một “thành trì” vững chắc để chống lại cái xấu đang tung hoành, thao túng ở bên ngoài xã hội; đề cao ý thức trách nhiệm của những người làm cha mẹ.
Sở dĩ “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” là bởi kinh nghiệm này vẫn còn có ý nghĩa thời sự của nó, nhất là lúc chúng ta phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn ngay từ trong “thành trì”.
Xin kể lại câu chuyện nhỏ mà mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn còn thấy ngạc nhiên.
Nhân một dịp vui, có người mời tôi đến nhà lai rai chút đỉnh. Khi mọi người bắt đầu ăn uống thì có thêm khách mới đến. Do không đủ chỗ, mấy đứa trẻ tuổi lên 10 phải qua ngồi ở chiếc bàn nhỏ kế bên. Những đứa trẻ không quen biết nhau, lần đầu ngồi gần nhau, ắt chúng sẽ tíu tít trò chuyện làm quen? Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ, người lớn thường sẽ “cảnh giác” khi người lạ bắt chuyện, còn trẻ con thì không, chúng sẽ dễ dàng làm quen với nhau. Nhưng tôi đã nhầm. Trước mắt tôi, bọn trẻ vừa lặng lẽ ăn và vừa… cắm mặt vào điện thoại. Tịnh không một tiếng động, không thèm chú ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Chúng đang đi vào một thế giới khác của riêng mình, không hề quan tâm gì đến người
bên cạnh.
Hình ảnh này - không chỉ ngay trong nhà mình - có thể thấy phổ biến ở các quán ăn, quán cà phê, thậm chí ngay cả ngoài công viên… Khi người lớn túm tụm “tám” chuyện, cách để những đứa trẻ đi theo không chạy nhảy lung tung là bảo chúng ngồi yên và đưa cho chúng chiếc điện thoại.
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh than phiền con cái mình đã có những biểu hiện mà trong gia đình lẫn nhà trường không hề bày vẽ, hướng dẫn. Bọn trẻ hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi, “nhạc chế” thô tục; nói năng bằng những câu chữ nghe chói cả óc, tâm tính thay đổi nọ kia theo chiều hướng xấu… là từ đâu? Từ chiếc điện thoại chăng? Có tâm lý do tập trung vào công việc, không muốn con quấy rầy, nhiều người đã chọn cách dễ dàng nhất là đưa điện thoại cho con. Chúng tùy ý xem, nghe, đọc mọi thứ theo sở thích hoặc những thứ gây chú ý chứ đâu biết cách chọn lọc. Tất cả thượng vàng hạ cám ấy được dung nạp vào tâm trí đứa trẻ, thế thì ta đừng lấy làm ngạc nhiên trước các biểu hiện thay đổi ở chúng vào một ngày nào đó.
Tội phạm đang ngày càng trẻ hóa. Tất nhiên, không ai đổ vấy nguyên do cho chiếc điện thoại, bởi bên cạnh đó còn có tác động do môi trường, vai trò của gia đình, nhà trường, đoàn thể, kể cả cách tuyên truyền về pháp luật… Tuy nhiên, ta cũng không thể loại từ khả năng đó. Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng: “Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ khiến việc tiếp cận với phim ảnh, trò chơi trên internet rất dễ dàng. Nếu cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, khuyến khích cho con chơi những trò chơi bạo lực thì dễ biến những đứa trẻ thành những đứa trẻ ưa bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Các chương trình trên internet không được chọn lọc dẫn đến việc tiếp thu nhiều thông tin độc hại, khiến tâm lý, nhân cách trẻ bị ảnh hưởng”.
Sự ảnh hưởng này, theo tôi, trực tiếp nhất vẫn là lúc con trẻ “học” từ ba mẹ. Chúng học được những gì khi cha mẹ không dành thời gian trò chuyện, tâm tình, bảo ban con? Tôi quan niệm rằng, để hình thành nếp văn hóa cho các thành viên trong nhà, phải bắt đầu từ vai trò chủ động của phụ huynh. Từng có một cuốn tự truyện gây chấn động dư luận là Hồi ký Tâm “si-đa”. Với những gì đã chứng kiến, đã trải qua, tác giả đúc kết vài nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phạm tội đều bắt đầu từ gia đình. Tác giả thống kê rằng gia đình nào cha mẹ làm chủ chứa, buôn ma túy, mại dâm thì có đến gần 90% con cái theo nghề. Rùng mình chưa?
Trở lại với chiếc điện thoại. Thời buổi này, nhìn ở nhiều góc độ, ta thấy tiện ích của nó là vô cùng lớn lao. Có thể có cả thế giới ở trong đó. Cần tìm hiểu, tra cứu thông tin gì, chỉ bằng vài thao tác đơn giản là có thể truy cập ngay. Không một ai điên rồ từ chối tiện ích này. Tuy nhiên, cách sử dụng như thế nào, hướng dẫn lẫn quản lý con em mình đạt hiệu quả tích cực vẫn là một thách thức. Trong lúc toàn xã hội đang kêu gọi chấn chỉnh văn hóa, đứng từ góc độ của người dân bình thường, thiết nghĩ công việc vĩ mô này nên bắt đầu ngay từ trong nhà của mình. Có như thế mới hy vọng xây dựng được “thành trì” vững chắc.
Anh Lưu
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn |