|
Cần chấn chỉnh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo |
Theo Bộ Thông tin Truyền thông, thời gian qua, Bộ Thông tin - Truyền thông nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí (chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương. Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện tượng này đã tồn tại âm ỉ một thời gian, nhưng gần đây có chiều hướng gia tăng, biến tướng phức tạp mà một phần nguyên nhân là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí…
Công văn nêu rõ, thời gian tới, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí theo quy định. Trong đó tập trung về các hành vi cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; hành vi người đứng đầu cơ quan báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích. Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, sẽ chuyển, phối hợp các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị UBND các tỉnh thành thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ sở trực thuộc phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng của địa phương (cơ quan công an, Sở Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo cấp tỉnh...) xử lý nghiêm theo quy định; chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương…
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ quản báo chí chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí; nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc. Quan tâm sâu sát hơn nữa đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc và chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hoặc để nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật. Cùng với việc tập trung đầu tư, bảo đảm kinh phí thường xuyên và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; không áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trực thuộc trái quy định pháp luật…
Đối với người đứng đầu cơ quan báo chí, công văn nêu rõ việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương thông tin và công tác quản lý nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; chỉ đạo cơ quan báo chí tổ chức thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; khi yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cấp giấy giới thiệu, nội dung phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…
Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo các cấp nâng cao vai trò giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; đẩy mạnh theo dõi, giám sát, kiểm tra và kết luận rõ ràng đối với người làm báo vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo...
Tam Bình