Chấn chỉnh tình trạng live stream, bán thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội

16/01/2024 - 05:59

PNO - Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã, phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng xã hội.

Mua - bán thuốc tràn lan

Thuốc điều trị bệnh dù là loại có buộc phải được kê đơn hay không đang được mua, bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “cần thuốc điều trị” lập tức các hội nhóm như: hội nhà thuốc tây, hội dược sĩ nhà thuốc, hội bán thuốc sỉ và lẻ, thuốc gia truyền, thuốc kháng sinh… xuất hiện, mỗi hội có từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi.

Sôi nổi nhất phải kể đến “hội nhà thuốc…” với hơn 200.000 thành viên, bán từ lẻ đến sỉ, từ đắt đến rẻ, nhận đặt thuốc kháng sinh, thuốc ngoại nhập… Người bán không yêu cầu đơn thuốc, bệnh sử, chỉ cần khách muốn, thuốc nào cũng có, kể cả thuốc kê đơn, kháng sinh… Thuốc sẽ được người bán gửi xe ôm công nghệ tới người mua.

Một người bán chia sẻ liều thuốc tiêu chảy vừa bán cho khách “uống thử, không đỡ mai đi bác sĩ”
Một người bán chia sẻ liều thuốc tiêu chảy vừa bán cho khách “uống thử, không đỡ mai đi bác sĩ”

Khi vừa thấy khách gửi danh sách thuốc cần mua, một tài khoản tên N.H. liền “bắt sóng”. Người này tự giới thiệu là dược sĩ, đang có 90% loại thuốc khách cần như cafixim 200mg, teppin hydrat 200mg, paracetamol 500mg, zinnat 500mg… Nếu đặt hàng, H. sẽ hỗ trợ tìm thêm những thuốc còn lại. Khi hỏi giá bán, người này tính giá cao hơn từ 50.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/loại thuốc so với thị trường. Anh H. giải thích: “Sau dịch COVID-19, giá thuốc cao gần gấp đôi. Thuốc kháng sinh bây giờ không được bán, và các tiệm lớn đã hết hàng. Do tôi trữ được một ít nên tôi bán giá thấp. Nếu muốn rẻ hơn, coi chừng mua nhầm thuốc giả uống không hết bệnh. Đồng ý mua thì chuyển khoản trước, gửi thuốc sau”. Nguy hiểm hơn, người bán còn xin toa thuốc để dành bán cho khách khác. 

Một người bán thuốc tên N.T. hỏi: “Người huyết áp cao có dùng được các loại hoạt huyết G. không. Nhà tôi từ trước đến nay khuyên khách không nên dùng nếu bị huyết áp cao, nhưng bây giờ lên Google lại thấy dùng được”. Bên dưới bài đăng, nhiều bình luận không hỏi bệnh sử của người bệnh, chỉ trả lời theo cảm quan, đa số tư vấn là có thể bán cho người bệnh. 

Một người bán thuốc thì cho biết mình vừa bán 3 viên nhỏ, giá 5.000 đồng cho bệnh nhân bị tiêu chảy nặng, mất nước. “Cứ bán cho khách uống thử, nếu qua hôm sau vẫn còn đi ngoài ra nước thì đi bác sĩ” - người này chia sẻ.

Live stream (quay phát video trực tiếp) là phương thức đang được nhiều người bán thuốc ứng dụng để bán hàng. Không ít người bán bên cạnh việc giới thiệu, quảng cáo sản phẩm còn cạnh khóe, đả kích đối thủ cạnh tranh nhau. Điều đáng lo ngại là nhiều người xem live stream cho biết sẵn sàng mua thuốc về… uống thử vì thấy người bán nói đúng triệu chứng bệnh của mình chứ không đến cơ sở y tế để thăm khám.

Theo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy - hiện nay, vẫn còn có bệnh nhân bị ảnh hưởng chức năng thận, suy thận cấp do lạm dụng, tự ý sử dụng thuốc. Kết quả sinh thiết thận thường có tổn thương hoại tử ống thận hoặc mô kẽ thận phải lọc máu điều trị. Có người sau khi điều trị thì chức năng thận hồi phục một phần, cũng có người dù được cứu sống nhưng thận bị suy hoàn toàn, phải chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời.

Về tình trạng mạng xã hội rao bán tràn lan nhiều loại thuốc cả đông y, tây y… không rõ nguồn gốc, không cần toa, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Hiệu quả của các loại thuốc này hầu hết chỉ được người bán cam kết; các bình luận cho biết đã uống thuốc và hết bệnh nhưng không có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, người xem lại tin tưởng, truyền tai nhau mua về sử dụng mà không thắc mắc người bán có phải bác sĩ, dược sĩ không, có giấy phép hành nghề không… điều này rất nguy hiểm”.

Tài khoản có tên H.T.P. live stream bán sản phẩm viên đặt phụ khoa đồng thời liên tục đả kích những người bán thuốc khác
Tài khoản có tên H.T.P. live stream bán sản phẩm viên đặt phụ khoa đồng thời liên tục đả kích những người bán thuốc khác

Live stream bán thuốc là vi phạm

Trong dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế cho biết thương mại điện tử là phương thức kinh doanh sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Đến nay, hình thức kinh doanh này chưa được quy định tại Luật Dược năm 2016.

Trên thực tế đã xuất hiện rất nhiều các trang thương mại điện tử bán thuốc. Vì vậy cần xây dựng hành lang pháp lý để tránh khoảng trống. Bộ Y tế đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc qua hình thức live stream, chỉ được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, các trang mạng. Cơ sở kinh doanh dược phẩm có thể đăng thông tin về sản phẩm, mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý. Thông tin bao gồm bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn thuốc đã được phê duyệt và một số nội dung quảng cáo khác khi bán hàng trên trang thương mại điện tử.

Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào điều 42 Luật Dược 2016 quy định “Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược”. Việc quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo thuốc phải chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hải Nam cho biết kinh doanh dược phẩm trực tuyến, bán qua mạng xã hội, live stream chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, nếu một người cố tình bán thuốc theo hình thức trên là hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông, kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc bổ sung quy định đối với phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế, cũng như xu hướng phát triển hiện nay. Những quy định đặt ra nhằm đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng, kịp thời và minh bạch trong quản lý. Các cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, phải thực hiện đúng phạm vi kinh doanh được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Vừa qua, Sở Y tế TPHCM cũng đã tham gia trong quá trình lấy ý kiến bổ sung hình thức kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược và góp ý sửa đổi Luật Dược. Ông Nguyễn Hải Nam cho biết: “Nhằm đảm bảo an toàn, không để tình trạng buôn bán thuốc, dược phẩm trái quy định pháp luật, Sở Y tế TPHCM sẽ tăng cường, thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử”. 

Nếu phát hiện các đơn vị, cơ sở kinh doanh vi phạm các hành vi mua bán trên, hay nghi ngờ thuốc không rõ nguồn gốc, không có số đăng ký, hay lợi dụng mạng xã hội quảng cáo gây nhầm lẫn thuốc điều trị và thực phẩm chức năng, người dân có thể thông báo cho Sở Y tế TPHCM thông qua ứng dụng y tế trực tuyến hoặc đường dây nóng. Ngay sau khi nhận phản ánh, Sở Y tế TPHCM sẽ phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Dự thảo luật đề xuất quy định phải công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế các thông tin như giá thuốc kê khai, kê khai lại; giá thuốc trúng thầu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp; giá đàm phán, giá thuốc trúng thầu tập trung, giá thuốc trúng thầu do đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, địa phương, sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ sở y tế cung cấp. 

Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định phải trình Chính phủ ban hành danh mục các nhóm thuốc và danh mục thuốc phải thực hiện kê khai, ban hành các nguyên tắc, tiêu chí kỹ thuật lựa chọn các danh mục các nhóm thuốc, danh mục thuốc phải kê khai; công bố giá thuốc kê khai...

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI