Tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT:

Chấn chỉnh hoạt động dạy liên kết trong trường học

29/09/2023 - 15:46

PNO - Nhiều trường học hiện đang đưa môn học, hoạt động giáo dục liên kết với đơn vị ngoài vào giờ học chính khóa. Làm thế nào để hoạt động này hiệu quả, tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT - đã có những chia sẻ về vấn đề này với Báo Phụ nữ TPHCM.

Phóng viên: Theo phản ánh, nhiều trường tiểu học đang nở rộ việc liên kết với trung tâm bên ngoài dạy kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ, STEM. Liệu điều này có trong quy định không, thưa ông? 

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai nhiều năm qua. Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản để các địa phương quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tăng cường theo nhu cầu người học. Trong đó có Thông tư 04/2014-TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học...

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 về quản lý trường mầm non và trường phổ thông công lập. Tại khoản 2, điều 6 nêu rõ: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh (HS) để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”…

* Ông đánh giá thế nào về việc các trường tiểu học liên kết với đơn vị bên ngoài để dạy STEM, kỹ năng sống trong giờ chính khóa? 

- Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ngày 8/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục STEM đối với cấp tiểu học. Theo đó, hoạt động chủ yếu thực hiện bài học STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường. Ví dụ, giờ học môn toán thì thầy cô có nhiệm vụ thực hiện tích hợp liên môn theo hướng bài học STEM để dạy cho HS dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của chương trình mới. Đây là hoạt động chính khóa, là nhiệm vụ của nhà trường, của giáo viên.

Còn hoạt động trải nghiệm STEM theo hình thức câu lạc bộ và theo nhu cầu người học cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của HS, hợp lý về thời lượng, thời điểm, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS. Không gây quá tải, không ép HS tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có HS không có nhu cầu tham gia. 

* Thời gian học chính khóa ở các trường tiểu học là 7 tiết nhưng nhiều trường lại chèn các tiết liên kết, tăng cường bên ngoài vào giờ chính khóa và có thu phí. Việc này cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

- Chương trình mới bảo đảm định hướng khung thống nhất với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc. Đối với tiểu học, chương trình quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.

Học sinh Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) trong giờ học STEM - Ảnh: Minh Linh
Học sinh Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) trong giờ học STEM - Ảnh: Minh Linh

Khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của HS và cha mẹ HS trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và theo các quy định về hoạt động này do địa phương quản lý theo thẩm quyền như: học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM... 

Từ kết quả khảo sát, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho HS được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học... Trường cần sắp xếp theo nhóm đối tượng HS, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm không ảnh hưởng đến các HS khác.

* Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chấn chỉnh việc liên kết dạy học này ra sao?

- Đúng là dù các văn bản quy định về nội dung liên quan đã được Bộ GD-ĐT ban hành, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục, công tác quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng. Thậm chí, có hiện tượng buông lỏng quản lý hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền trách nhiệm dẫn đến những băn khoăn, lo lắng và tạo ra một số dư luận xã hội không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT nghiêm túc báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để đánh giá đúng thực trạng, bổ sung các văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các quy định nếu Thông tư 04 sau gần 10 năm triển khai có những quy định không còn phù hợp, các đơn vị chức năng của bộ sẽ có đánh giá và cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu Nghị định 24 của Chính phủ để nghiêm túc thực hiện nhằm quản lý và chấn chỉnh các trường trong hoạt động liên kết giáo dục. Bộ sẽ dựa trên các báo cáo thực trạng quản lý, đề xuất của địa phương dựa trên các văn bản quy định để có những chỉ đạo hoặc chỉnh sửa, đề xuất chỉnh sửa quy định cho phù hợp hơn với thực tiễn. 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ! 

Dung Nhi (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI