Chân chậm mắt mờ vẫn còng lưng nuôi cháu nhỏ

19/06/2022 - 20:39

PNO - Dù đã 70 tuổi, bệnh tật không ít, ông bà vẫn phải nai lưng chăm cháu cho con an tâm "làm kinh tế".

Nuôi "con mọn" khi lưng còng, mắt mờ

Bà Nguyễn Thị Mịn, 69 tuổi, quê tận Bắc Giang đang sống tại Bình Dương. Bà Mịn tâm sự, con trai út của bà 34 tuổi mới sinh con đầu lòng. Hai vợ chồng chữa hiếm muộn mất 5, 6 năm nên con cháu càng phải cẩn thận. Họ không yên tâm thuê giúp việc. Vì vậy, dù bản thân bà Mịn không được khoẻ nhưng vẫn “thầu”chăm cháu.

Hai cháu sinh đôi 31 tháng tuổi. Vì hai cháu hay ốm nên cả nhà không dám cho đến trường. Hàng ngày, bà Mịn một tay túi thuốc tăng huyết áp, một tay cầm túi đồ chơi chạy theo các cháu quanh khu.

Ba năm qua, bà không dám về quê vì cháu không thể vắng bà nội một ngày. Mỗi lần chạy theo hai đứa trẻ, bà thấy rõ tim đập nhanh, hoa mắt, nhưng vì cháu đành ráng.

Những đứa trẻ cứ lớn dần trong bàn tay chăm sóc của bà, nhưng căn bệnh cao huyết áp cũng bám đuổi bà mãi. Bà hay đau đầu, hoa mắt, có lần đi khám, bác sĩ báo huyết áp 180-190 mmhg và nói rằng, nếu bà Mịn không điều trị, nghỉ ngơi hợp lý thì tần suất số lần tăng đột biến sẽ dày hơn, rất nguy hiểm.

“Nhiều lúc tăng xông mệt lắm, mình già rồi chẳng theo kịp trẻ nhưng con cháu mình không chăm nuôi thì ai chăm. Bây giờ bọn trẻ lớn hơn, năm ngoái còn vất vả lắm vì đứa nào cũng đòi leo cầu thang từ lầu 1 lên lầu 3. Bà cứ phải theo cháu ngày 20-30 vòng. Có lúc tôi mệt không thở nổi. Đêm đến, chân tay đau nhức, vai gáy chẳng duỗi nổi, chỉ biết dán cao dán giảm đau và sớm hôm sau lại bước vào công việc” - bà Mịn than thở.

Vì bà Mịn chăm giỏi, nên hai cháu tăng cân đều, ngoan ngoãn nên vợ chồng con trai yên tâm đi làm hơn, bà cũng an ủi được phần nào. Các con khó khăn về kinh tế, mẹ không có tiền cho, nên đỡ đần bằng cách trông cháu. 

Đừng để cha mẹ già con nuôi cháu. Ảnh minh hoạ.
Đừng hành cha mẹ già khi buộc họ con nuôi cháu (Ảnh minh hoạ)

Bà Đào Thị Chúc – quê Thanh Hoá - cũng rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Ra thành phố chăm cháu, bà Chúc bị mất ngủ vì nửa đêm cháu khóc. Con dâu đẩy con trai pha sữa cho con và chẳng ai muốn dậy. Bà lại lọ mọ pha sữa cho cháu. Xong việc, bà Chúc không ngủ lại được. Các bệnh rối loạn tiền đình, viêm dạ dày của bà tái phát. Bà mệt không dám than sợ con dâu và con trai thêm lo lắng.

Trông cháu được 3 tháng, bà Chúc bảo con cho về quê vì bà quá mệt mỏi. Con trai thương mẹ nhưng con dâu cho rằng “bà né trông cháu”. Nhìn cháu thơ dại bà Chúc cũng xót nên cố ở lại thêm chờ ngày cháu đi nhà trẻ.

Cần xác định nuôi trẻ là trách nhiệm của ai 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm TPHCM cho biết, hàng ngày ai cũng dễ dàng bắt gặp cảnh ông bà đã bạc đầu vẫn bận rộn chăm con mọn. Ông bà chăm cháu cũng có nhiều mặt tích cực vì họ có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm. Do người già thường kỹ tính, họ không lơ là, chủ quan, ông bà thường quan tâm cả việc nuôi và dạy trẻ nhỏ. Đứa trẻ được ông bà nuôi thường tình cảm, biết đạo lý, lễ nghĩa, tình cảm ông bà cháu trong gia đình cũng thêm gắn bó.

Tuy nhiên, thạc sĩ Huân cũng chia sẻ ông bà chăm con mọn thường gặp khó khăn về mặt sức khoẻ. Họ khó đảm bảo được điều kiện tốt nhất để chăm sóc con. Người cao tuổi họ ít linh hoạt hơn, ít chơi đùa cùng đứa trẻ trực tiếp. Điều hạn chế khác, người già thường chủ quan, họ nghĩ rằng mình có kinh nghiệm nuôi trẻ con nên ông bà không thích nghe người khác nhất là các ba mẹ trẻ góp ý việc chăm sóc trẻ nhỏ họ sẽ không tin.

Khi người lớn tuổi chăm con họ còn có suy nghĩ thiếu lạc quan, họ cho rằng mình sẽ không ở bên cạnh đứa trẻ lâu dài đến lúc đứa trẻ lớn. Họ có tâm lý thương vội vàng, chăm sóc bù đắp cho trẻ. Họ sẽ có cách nuôi dạy con ngoan ngoãn, lễ phép nhưng sẽ không tạo điều kiện cho trẻ phát triển về mặt kỹ năng, tự lập.

Thạc sĩ Huân cho rằng, khi bạn có con bạn cần hiểu chăm sóc, nuôi trẻ là trách nhiệm của ai? Bạn có thể cho con về quê thăm ông bà để con biết yêu thương người sinh ra ba mẹ của chúng. Trẻ có thể học hỏi được các điều ở vùng quê, để cảm nhận sự chăm sóc của ông bà, gắn kết với ông bà của chúng.

Bởi vì, ông bà là kho tàng kinh nghiệm, trải nghiệm cho con trẻ học hỏi theo. Việc giao khoán cho ông bà chăm con cho mình đi làm, đi chơi, bạn sẽ nghĩ đó là trách nhiệm của ông bà. Thực tế, ông bà chỉ là người tham gia vào việc chăm sóc các cháu ở góc độ nào đó chứ không phải nuôi cháu cho con như nhiều gia đình vẫn đang áp dụng hiện nay.

Việt Anh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI