Nhìn một Kim Liên cuồng quay, vẫy vùng trong chiếc áo cưới giữa đám cẩu trệ Ô Qua, bàn tay thích khách (vua Phiên) của nàng đơn độc và nông nổi, tôi nghĩ, sự tiếp cận và khai phá này (trong tác phẩm nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu kịch Idecaf) đã nhân đôi phép biểu tượng từ nguyên bản: nếu tác gia Nguyễn Ðình Chiểu sắp hình ảnh Nguyệt Nga cống Phiên để “làm đẹp lòng xứ Ô Qua”, đặt mệnh nước lên vai một người đàn bà; thì cuộc hoán đổi Nguyệt Nga - Kim Liên là kế tiếp, nhưng ở mức chủ động và táo bạo hơn. Một Nguyệt Nga bị triều thần sắp đặt, trong khi Kim Liên tự nguyện nhận lấy, tự mình xông vào chốn hiểm nguy, đối địch ngay giữa hang ổ giặc.
Ở đây, không có yếu tố đậm hay nhạt, vai chính hay thứ mà từ Kim Liên đến Nguyệt Nga, được hiển hiện qua “đường dẫn” cụ Ðồ Chiểu - là sự truyền thừa lẫn nhau, tiếp nối nhau, lý giải trước sau. Cuộc hoán đổi này, rốt cùng là để đi tới và thắp sáng ngọn đuốc yêu nước, của lòng ái quốc từ gần hai thế kỷ trước cho đến hôm nay, từ Ông-Già-Ba-Tri Nguyễn Ðình Chiểu đến thế hệ hậu sinh, trong đó có công dân - nghệ sĩ Nguyễn Thành Lộc.
Khi dòng nước đục đưa chữ trung trinh của Nguyệt Nga về lại quê nhà thì có một dòng nước xiết đẩy nghĩa tiết liệt của Kim Liên sang chốn ngoại bang. Ở đấy, phận nữ nhi tôi đòi lại ngạo nghễ tuyên xưng vào mặt vua Phiên: “Ta cọng sen bé mọn/ Thách Bắc triều bẻ gãy chí ta/ Rồi sau ta, ngoại xâm sẽ thấy/ Bất kỳ ai mang máu rồng tiên/ Cùng trúc, tre, ngọn lau, cọng cỏ/ Sẽ đứng lên lớp lớp hàng hàng”.
Trong cuộc hoán đổi mang tính…kỹ thuật ấy, nàng không thay vai cho ai cả, nàng nói lên ý chí, tâm nguyện của chính nàng, của những đời cần lao “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ”. Cái mạch ngầm dân dã ấy, cũng chính là dòng chủ lưu của sức mạnh dân tộc, kỳ diệu thay đã được kết tinh và thức tỉnh trong nhân vật Kim Liên - qua tư tưởng và bút pháp Nguyễn Ðình Chiểu, hóa làm một.
Những nghĩa sĩ Cần Giuộc đã hy sinh vì vận nước, sá gì phận mình mà không nguyện sống thác một phen. Trong hào khí bi hùng của đoản văn tế, nhân vật Ðồ Chiểu chuyển bút thơ thành kiếm thép, như tuyên chiến với ngoại bang, rồi từ kiếm thép lại chuyển thành bút thép, tự mình “khai tử” (để hóa thành bất tử) nhân vật của mình; quyết bảo toàn một phẩm cách trung trinh còn hơn để tấm thân trinh tiết sa vào tay ngạ quỷ.
Không hẳn là cảm khái (từ tác phẩm truyện thơ nôm Lục Vân Tiên), không hề là sự vay mượn (tư tưởng của tác gia Nguyễn Ðình Chiểu), từ bước khai triển ý tứ cho đến thủ pháp dàn dựng, phong cách biểu diễn là bước tiếp biến văn hóa xưa và nay, cận trung đại đến hiện đại; là xuyên suốt dòng chảy ý thức hệ ái quốc. Nếu một cụ Ðồ Chiểu “thà đui mà giữ đạo nhà” thì cái Ðạo ấy, được kẻ hậu bối viết tiếp: “Một Lục Vân Tiên mù mắt vì khóc cho cảnh mất mẹ thì cũng có một Nguyễn Ðình Chiểu mù mắt vì khóc cho cảnh mất nước. Mất Mẹ Tổ quốc thì người sáng mắt cũng như mù” - nghệ sĩ Thành Lộc lý giải.
Trên trang cá nhân, anh viết: “Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt”.
Trên sàn diễn Tiên Nga, trong cái dung mạo cụ Ðồ Chiểu, tôi thấy trùng trùng phẩm cách lương dân “Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta. Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó”. Ðể từ đó, trong giấc mơ sáng tạo, người nghệ sĩ - công dân Thành Lộc đã thanh lọc tâm hồn và thức tỉnh một phần thế hệ “thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh”…
Trong chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, để dẫn giải cho sự kế thừa thế hệ trong đại gia đình tuồng cổ Minh Tơ, đạo diễn Quang Thảo đã xin phép gia đình cố NSND Thanh Tòng được viết thêm một “chặp” cho nhân vật Thượng Dương, vai diễn của NSƯT Quế Trân. Cấy thêm đất diễn cho Quế Trân là một nhẽ, qua màn độc diễn; ở đây, khi để cho Thượng Dương sau phút nhận bản án tam ban triều điển là khoảnh khắc nàng tự lưỡng phân mình: “Giặc là ta, ta là giặc, Tiên đế ơi thiếp không phải là giặc, dù chính đôi tay này đã viết mật thơ thần phục Tống triều. Nhưng có mấy ai biết được cho ta, nội dung phúc đáp kia có phải…”.
Trên nền nhạc Nam quốc sơn hà, mái đầu xanh, dải lụa trắng nhẫn nhục cúi chào, như một lời tạ tội với non sông: “Cái chết của ta không thể nào chuộc hết tội mãi quốc cầu vinh. Nhưng cái chết của ta sẽ là bài học cho những kẻ vì một phút si mê, hờn ghen ích kỷ mà đánh mất đi giá trị ngàn đời đó là sự trung trinh tiết liệt và lòng trung quân ái quốc…”.
Ít nhất, trước khi chìm vào những phán xét của hậu thế, nhân vật Thượng Dương cũng một lần được mở mắt - mà thông hiểu; được quay đầu - mà thấy bờ trong tiếng sát thát rền vang sông núi “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Lý Thường Kiệt).
Còn An Tư (trong vở Trần Nhân Tông - tác giả: Lê Duy Hạnh, Nhà hát cải lương Trung ương, đạo diễn: NSND Bạch Tuyết), một trong hai vị công chúa thời Trần gánh vác cuộc hôn nhân thời cuộc, cái giây phút nàng rời đi để từ đó biến mất, chỉ để lại vài dòng “không rõ sinh, mất năm nào” trong chính sử nước nhà, cũng như khi nàng đến - gá vào cuộc hôn nhân bất đắc dĩ với Trấn Nam vương Thoát Hoan nhằm làm chậm bước tiến của quân xâm lược Nguyên Mông, để vua tôi nhà Trần có thời gian bàn tính mưu lược.
Nghệ thuật mang theo đôi hài vạn dặm, làm nên cuộc hội ngộ của cả ngàn năm trước trong tâm tưởng thời nay. Trên bờ sông Thiên Mạc, trong khói sương lành lạnh, vẳng lại tiếng đàn u tịch, bóng người chấp chới trên sông, vua Trần Nhân Tông thốt lên, “đêm nay, Hoàng cô về muộn”, như một lời trần tình của lịch sử, muốn lấp đầy cái khoảng trống vô tình kia khi sau ngày chiến thắng, chẳng một lời đề danh người con gái đã vị quốc vong thân.
Với Kim Liên, văn học - sân khấu có quyền hư cấu, đã một lần xoáy vào nỗi thức tỉnh lương tri. Với nhân vật An Tư - dù chỉ là vài nét sổ của lịch sử - sự thật cùng với nghệ thuật hư cấu của sân khấu thì cái góc khuất trần tình trên cũng đã đủ để ta phải ngoái nhìn đau đáu triệu triệu “con người dạ sắt lòng son, trọn cuộc đời phải thay tên đổi tuổi” để sinh tồn, để vững bước qua bao cuộc vệ quốc trường kỳ. Họ ở đâu giữa những hàng chiến công của sử sách
lưu danh?
Một đất nước tồn sinh trên 20 thế kỷ, thì đã hết 12 thế kỷ dằng dặc những cuộc trường chinh giữ nước, chống ngoại xâm. Thử hỏi có bao con người vô danh lẫn hữu danh còn có thể đi giữa những dòng ký ức dân tộc cho đến hôm nay và mai sau?
Nghệ thuật, trong vô vàn chiều kích sáng tạo, hẳn đã và sẽ nối dài những giải mật tương lai từ những góc khuất lịch sử, qua những thân phận người. Ðể điểm khởi đầu cũng là đích đến, nơi người nghệ sĩ khẽ chạm đến, trách nhiệm công dân thức tỉnh, là vòng tròn hạnh phúc vị nhân sinh…
________________
Lê Huyền Ái Mỹ
Ảnh: Facebook Quang Thảo, Thanh Hiệp
Kỹ thuật: Ngô Tới