Chạm vào nỗi nhớ

02/11/2024 - 05:52

PNO - Nhận một túi to rau, bánh, tôi cảm tưởng có chuyến tàu nào đó từ hơn 30 năm trước đưa những miếng lá chuối ấu thơ trở về.

Sáng cuối tuần, đặt hàng online, nhận được túi hàng, tôi ngồi ngẩn ngơ nhìn mãi không thôi. Một mớ rau củ bánh trái, tất cả đều được gói bằng lá chuối tươi. Mớ rau tập tàng, rau ngót, mồng tơi, trái bầu, bánh rau mơ, bánh đúc, xôi lá cẩm, bánh bò nướng… Tự nhiên nghe thương và biết ơn bạn bán hàng, nghe nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ ấu thơ quá đỗi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con nít ở quê ngày xưa có mấy khi được quà bánh. Đàn bà thời đó vừa lo việc nhà, lo con cái, vừa ra đồng như đàn ông, đâu có chuyện sáng sáng đi chợ mua đồ ăn, thảnh thơi ăn sáng uống cà phê như bây giờ. Chợ búa cũng xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn nên vài tháng 1 lần hoặc khi nào nhà có giỗ hay tết đến người ta mới đi chợ.

Nhà tôi hồi ấy có đông người làm. Ba tôi có cơ sở sản xuất mía đường nhỏ nên gần như mẹ đi chợ mỗi ngày. Ngày nào mẹ cũng gò lưng trên chiếc xe đạp màu vàng, đi qua con đường đầy đá đỏ ra chợ. Và bao giờ cũng vậy, ngủ dậy, mặt mũi còn tèm lem như con mèo ướt, nhất là những ngày hè không phải đến trường, là chị em chúng tôi cứ chạy ra chạy vô hóng mẹ đi chợ về.

Cho đến bây giờ, thú thật, tôi chưa từng gặp lại cảm giác mong chờ ai, chờ vào điều gì kỳ diệu như ngày đó mong chờ mẹ. Chưa bao giờ nghe tiếng reo nào từ mình, từ chị em mình, trong trẻo, vui sướng cho bằng tiếng reo: “Mẹ về. Mẹ về”.

Mẹ đặt cái giỏ to ụ xuống bậc thềm là chị em chúng tôi chạy đến. Phần của chị Hai chắc chắn sẽ là cây cốm gạo ngào đường, tôi sẽ có trái bắp luộc, em gái và bà cố mỗi người một gói bắp giã hoặc chuối nướng bọc nếp, bánh mì thịt cho ba, út nhỏ không biết ăn sẽ được cái lục lạc có hình con gà trống kêu leng keng.

Chưa lần nào trong từng ấy ấu thơ, hớn hở ôm bánh trái từ cái giỏ đi chợ to đùng của mẹ, tôi thấy có phần của mẹ. Cũng một vài lần, khi lớn hơn một chút, tôi thấy ba bẻ đôi ổ bánh mì, chưa kịp đưa, mẹ đã xua tay, rồi quay lưng với nồi thịt kho, nồi canh đang đỏ lửa trên bếp: “Ba ăn đi, mẹ ăn rồi”.

Những món bánh đa phần được gói trong lá chuối tươi, kể cả mớ rau, hành ngò cũng được gói bằng lá chuối khô. Bây giờ, ngoài chợ người ta ít khi dùng lá chuối để gói rau củ bánh trái. Rất hiếm, như hôm nay, nhận một túi thật to rau, bánh mà tôi cảm tưởng có chuyến tàu nào đó từ hơn 30 năm trước đưa chúng trở về đây - những miếng lá chuối ấu thơ, thân thuộc.

Lại nhớ, quê tôi miệt vườn nên chuối được trồng lẫn trong xoài, cam, bưởi, dừa. Những ngày hè, bà nội hay bảo chị em chúng tôi đi xé những tàu lá chuối khô đem về. Rồi mấy bà cháu xúm xít, bà rọc ra, miếng nào lành để riêng, miếng rách để riêng. Chị em chúng tôi mỗi đứa một cái khăn lau bụi cho sạch sẽ, xếp chồng lên nhau ngay ngắn. Bà nội sẽ bó lá chuối thành từng bó, như bây giờ người ta bó bánh tráng, chất lên bộ đi-văng gần cái tủ gạc-măng-giê.

Khi nào được nhiều nhiều, bà sẽ nói mẹ tôi chở ra chợ bán cho người ta gói bánh, gói trái cây. Tiền được bao nhiêu, nội bỏ hết vào con heo đất có cái bụng mập ú, đôi mắt to tròn với hàng lông mi cong vút trong phòng bà. Đến ngày tựu trường, nội đập con heo ra, mấy chị em chúng tôi đều có đủ tiền để mua viết, cặp sách, quần áo, dép mới đi học. Mỗi đứa còn có mấy tờ bạc mới tinh, nghe lòng hân hoan vui sướng vì đó là “Tiền lá chuối của tụi con đó”.

Tôi đưa tay chạm vào miếng lá chuối, nghe sống mũi cay cay. Nhớ tuổi thơ, nhớ quê, nhớ bà, nhớ mẹ…

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI