Chăm trẻ F0 sai cách, coi chừng hậu quả

12/04/2022 - 11:44

PNO - Xông hơi liên tục, kiêng tắm gội, xịt mũi họng càng nhiều càng tốt… cho đến khi khỏi bệnh là những quan niệm sai lầm không ít phụ huynh gặp phải khi chăm sóc trẻ F0.

Xông liên tục, kiêng tắm cho con... mau hết bệnh

Chỉ vài ngày sau khi chị Nguyễn Kim Vân (36 tuổi, ở Giồng Trôm, Bến Tre) phát hiện mình dương tính với COVID-19, con gái 3 tuổi của chị cũng trở thành F0. Hai mẹ con cùng nhau cách ly tại phòng riêng ở nhà. Mọi sinh hoạt và ăn uống của chị và con đều nhờ vào mẹ chồng. 

Từ khi phát hiện bệnh, đều đặn mỗi ngày 2 lần mẹ chồng đều nấu nước chanh, sả, gừng và kêu mẹ con chị Vân xông hơi vì cho rằng sẽ mau khỏi bệnh. Chị Vân chia sẻ: “Tôi chỉ dám len lén cho con xông một tí rồi đẩy con ra, vì sợ nước văng làm con phỏng. Có nhiều lần tôi nói với mẹ rằng không cần xông cho con, nhưng bà cứ quả quyết phải xông mới mau hết bệnh”.

Sở dĩ, mẹ chồng chị Vân bắt con dâu và cháu nội phải xông chung vì bà cho rằng các cháu họ không chịu xông nên 10 ngày sau vẫn còn 2 vạch. 

Trẻ F0 có triệu chứng được nhập viện điều trị
Trẻ F0 có triệu chứng được nhập viện điều trị

Lây nhiễm COVID-19 từ bạn học, bé Nguyễn Đức Nguyên (7 tuổi, ở Trà Vinh) trở thành F0. Với tâm lý muốn con mau chóng khỏi bệnh, chị Hồng Trang (mẹ của bé Nguyên) áp dụng đúng theo lời đồng nghiệp, cho con “tuân thủ 4 nóng”. Tức là mỗi ngày chị Trang cho con ăn nóng, uống nóng, ngủ nóng, tắm nóng. Tất cả mọi sinh hoạt trong suốt thời gian con bệnh đều diễn ra trong cái nóng hầm hập. Chị Trang cũng tắt hết máy quạt, máy lạnh trong nhà vì sợ con nhiễm lạnh.

Thậm chí, bé Nguyên cũng không được đụng nước, kiêng tắm suốt 10 ngày bệnh. Hậu COVID-19, Nguyên chưa kịp hồi phục sức khoẻ, chị đã phải tá hoả dẫn con đến bệnh viện khám vì da bé đóng nhiều vảy, tiết bã nhờn, bé liên tục quấy khóc vì ngứa ngáy. 

Chị Trang kể, bác sĩ cho biết nguyên nhân viêm da ở bé Nguyên là do việc kiêng tắm gội, lau người nên da bị khô và viêm. Chị ân hận: “Bác sĩ còn nói khi nhiễm COVID-19, bé sốt, mồ hôi ra nhiều càng làm viêm da nặng hơn. May mà tôi cho con đi khám sớm, nghĩ lại càng thấy tự trách mình”.

Bình tĩnh khi chăm trẻ F0

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM, nhiều cha mẹ đã và đang mắc phải sai lầm khi chăm con F0, làm cho bệnh tình của con không những không cải thiện nhanh mà còn có thể dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Một số quan niệm sai lầm có thể kể đến như việc xông hơi liên tục, kiêng tắm gội cho trẻ, lạm dụng việc xịt mũi họng hằng ngày, tự ý cho bé dùng kháng sinh, kháng viêm… 

Đối với việc xông hơi, bác sĩ Khanh cho rằng khi bệnh nhân mắc COVID-19, dù là người lớn hay trẻ em cũng thường sử dụng để giải cảm. Tuy nhiên trẻ nhỏ chưa ý thức được hơi nóng, bị ngộp nên việc xông hơi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

“Trùm khăn mền kín khiến trẻ bị ngộp, trẻ nghịch có thể phỏng nước sôi khi chạm vào nồi xông, thậm chí có thể phỏng cả người, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc xông không giải quyết được tất cả mọi vấn đề khi mắc COVID-19. Do đó, trẻ nhỏ không cần xông hơi khi mắc COVID-19’’, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Xông hơi phòng COVID-19, bé trai 6 tháng tuổi bị bỏng nặng, ảnh BV Nhi Trung ương
Xông hơi phòng COVID-19, bé trai 6 tháng tuổi bị bỏng nặng - Ảnh: Bệnh viên Nhi Trung ương cung cấp

Riêng đối với việc kiêng tắm gội cho bé, bác sĩ Khanh cho rằng đây là quan niệm sai lầm. Bé bị COVID-19 hoàn toàn có thể tắm gội, lau người bằng nước ấm bình thường. Khi trẻ nóng sốt, người đổ nhiều mồ hôi mà còn phải kiêng tắm, gội thì chắc chắn trẻ sẽ bứt rứt, khó chịu, không ngủ được. 

Vì vậy, người lớn vẫn nên tắm gội cho trẻ bằng nước ấm. Quan trọng nhất là khi tắm gội thì nên chuẩn bị đầy đủ mọi vật dụng, quần áo và lau khô người, thay quần áo xong rồi mới bước ra khỏi phòng tắm. Tránh việc người bé còn đang ướt mà ba mẹ ẵm ra ngoài ngay. Trường hợp nếu cha mẹ lo lắng quá thì có thể lau nước ấm từng vùng, như vậy vẫn đảm bảo sạch sẽ cho trẻ mà không làm cho trẻ quá khó chịu.

Bác sĩ Khanh nhắc nhở, cha mẹ đừng mất bình tĩnh, nóng vội khi chăm con, không áp dụng những lời khuyên dù "hay" liên tục cho con. Điển hình là lạm dụng xịt mũi họng, không ít trẻ bị trầy xước chảy máu niêm mạc. Chưa kể, cha mẹ xịt nhiều lần trong ngày dễ dẫn đến khô và làm đau rát họng. 

Bác sĩ Khanh nói: “Trẻ nhỏ bị COVID-19 chỉ cần được nhỏ mũi nhẹ nhàng vài lần trong ngày là đã đủ. Riêng với việc trẻ quá nhỏ chỉ vài tháng tuổi bị nghẹt mũi thì cha mẹ cần xác định có đúng trẻ bị nghẹt mũi hay không. Nếu đúng, nên cho bé nằm tư thế đầu cao, nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ”.

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ bị F0

Đầu tiên, một số trẻ có thể hơi lạnh run khi sốt, thậm chí run nhiều đến nỗi ba mẹ nhầm tưởng là con co giật. 

Thứ hai, trong hoặc sau khi mắc bệnh, trẻ có thể có dấu hiệu ho nhiều, sốt nhiều, chỉ cần theo dõi và xử trí hệt như trước giờ con bị sốt và ho. Cần cho bé uống thuốc hạ sốt, uống thuốc ho để giảm triệu chứng. 

Trường hợp thứ ba là con có thể hoàn toàn khoẻ mạnh và bình thường, chỉ sốt nhẹ và hồi phục nhanh.

Cha mẹ không nên quá lo sợ, chỉ cần theo dõi kỹ và đếm nhịp thở của con, quan sát tình trạng ăn uống, ngủ nghỉ, vận động của con. Cần cho con uống đủ nước, bú đủ, nếu bé ăn được thì cứ ăn như bình thường, nếu chán ăn thì ăn nhiều bữa. Chỉ cần cho bé uống thuốc ho, hạ sốt bình thường. Không cần uống thuốc gì quá đặc biệt, không cần kháng sinh, không cần kháng đông, không cần kháng viêm nếu không có chỉ định vì sẽ dẫn đến những nguy cơ khác cho bé.

Một số trẻ ít ra nắng hoặc cơ địa đã yếu thì có thể bổ sung thêm vitamin tổng hợp, vitamin D cho bé.

Tuệ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI