Chậm thông tin, báo chính thống sẽ bị mạng XH vượt mặt

17/07/2013 - 16:09

PNO - PNO - Ngày 17/7, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT-TT) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quyết định 25/2013/QĐ-TTG (QĐ-25) của Thủ tướng Chính phủ ban hành về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

 Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh).

Tại hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn cho biết, Bộ TT-TT đang nỗ lực để nhanh chóng triển khai QĐ-25 tại các cơ quan, bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Ông Doãn bày tỏ kỳ vọng các cơ quan này chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và phải coi công tác này như công việc thường xuyên của mình.

“Tôi đề nghị hàng tháng các cơ quan phải tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình. Đồng thời, tối thiểu phải tổ chức họp báo được 1 lần sau mỗi quý để cung cấp những thông tin mà báo chí cần để thông tin đến bạn đọc. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra sự kiện, vụ việc quan trọng thì sau 24 giờ phải cung cấp thông tin cho báo chí (quy chế cũ là 2 ngày), nếu chậm trễ sẽ bị xử lý theo quy định”.

Cham thong tin, bao chinh thong se bi mang XH vuot mat

Ông Doãn cho biết, hiện nay Chính phủ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc triển khai QĐ-25 vì trong thời đại hiện nay thông tin đang có tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả vấn đề an ninh chính trị. Do đó, việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí trở thành vấn đề cần thiết và cấp bách.

“Có một số vụ việc, do chậm cung cấp thông tin cho báo chí mà các tổ chức phản động nước ngoài đã lợi dụng, thổi phồng vấn đề, thậm chí xuyên tạc, đả phá chế độ của ta”, ông Doãn chia sẻ.

Thông tin các điểm đáng chú ý của Quy chế phát ngôn mới, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho biết, để nhanh chóng đưa quy chế vào thực tiễn, Bộ TT-TT và các cơ quan liên quan sẽ yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện việc công khai số điện thoại và địa chỉ email (quy chế cũ không có nội dung này) của người phát ngôn.

Trong trường hợp người phát ngôn có việc đi vắng thì phải báo cáo người đứng đầu cơ quan hành chính để ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Nếu các cơ quan, tổ chức hành chính không thực hiện đúng quy chế phát ngôn, hoặc các cơ quan báo chí đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử lý cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sự cần thiết của việc sớm triển khai quy chế phát ngôn mới được Thứ trưởng Bộ TT-TT gói gọn trong lời cảnh báo: “Nếu các cơ quan hành chính Nhà nước chậm cung cấp thông tin cho báo chí thì mạng xã hội sẽ vượt lên ngay, như thế không chỉ các cơ quan báo chí chính thống của chúng ta khó khăn, mà thông tin sai lệch của mạng xã hội cũng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước”.

Tin, ảnh: Thành Công

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI