Chưa có dịp đến Cebu và Boracay - hai hòn đảo nổi tiếng xinh đẹp của Philippines - Nhưng tôi đã được đặ chân đến Palawwan Island, để được một lần khám phá dòng sông ngầm (Vườn quốc gia ngầm Puerto Pricesa được công nhận là một trong bảy kỳ quan thế giới mới).
Khoảnh khắc ngồi thuyền khám phá sông ngầm, tôi nhớ Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) vô cùng. Bởi nếu so sánh, sông ngầm Puerto Princesa có nhiều điểm rất giống với danh thắng tự hào nằm ở miền Trung Việt Nam. Palawan có điều gì đó vô cùng gần gũi với những nơi tôi đã từng đi qua trên dải đất hình chữ S.
Từ thủ đô Manila, chúng tôi mất hai chặng bay nội địa, hơn nửa ngày mới tới Palawan. Trên máy bay nhìn xuống dòng nước xanh thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ như hộp diêm, cảm giác như ngày tôi nhìn qua ô cửa reo vui khi thấy biển đảo Phú Quốc hiện ra trong một buổi chiều mây mù. Đường đến sông ngầm khá giống đường lên Đà Lạt.
|
Dòng nước xanh huyền thoại ở Underground River |
Mất khoảng gần hai giờ ngồi ô tô qua cung đường gió lùa uốn khúc, mỗi lúc một lên cao, chúng tôi thỏa sức nhìn ngắm khung cảnh ven đường. Người bạn đi cùng nói rằng nhóm đang được trải nghiệm cung đường quá độc đáo.
Đường đến biển đi từ vùng đồng bằng đến nơi chập chùng đồi núi. Chưa dứt rừng xanh, miền nắng gió và cát trắng lại hiện ra. Lúc ở phố thị nhộn nhịp người xe, khi lên đèo im vắng chỉ có tiếng chim, hoa dại ven đường và núi non ẩn hiện trong sương mù… Cung đường liên tục mang đến những cảm giác mới lạ khiến ai nấy đều hào hứng.
Đến bến tàu, chúng tôi ngồi thêm nửa giờ đồng hồ trên du thuyền len lỏi qua các hòn đảo nhỏ, nhìn ngắm dòng nước xanh ngăn ngắt và những khối núi đá vôi sừng sững. Cảnh quan dòng sông ngầm đẹp hoang sơ, không có bất cứ hàng quán nào, không gian sạch đẹp, thoáng đãng.
Sông ngầm có địa hình khá kỳ lạ, là danh thắng lọt thỏm ngoài biển, lại được bao quanh là bãi bồi, đầm lầy, rừng cây và những khối núi đá vôi (thuộc dãy núi Saint Paul nằm ở phía Bắc đảo Palawan).
Đây cũng là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động vật gồm nhiều loại khỉ, chim, sóc… Chúng tôi rời tàu, đi bộ xuyên qua khu rừng tương tự lối đi ở khu du lịch Rừng Sác (H.Cần Giờ, TP.HCM) để đến tiếp bến thuyền đi vào động. Mỗi thuyền tám người và người chèo thuyền kiêm hướng dẫn viên.
Họ chân chất và hiền lành như người miệt vườn miền Tây. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất về sông ngầm còn đọng mãi trong tôi chính là dòng nước mát xanh như ngọc. Lùa tay xuống làn nước ngọt ngào ấy cứ thấy như mình đang chạm vào miền thiên thai nào. Màu nước này tôi chưa từng được gặp ở miền biển nào của Việt Nam, một sắc màu rất… Puerto Princesa.
Khách quan mà nói, sông ngầm không huyền ảo lung linh kỳ bí bằng Phong Nha - Kẻ Bàng, cũng không thể hùng vĩ bằng vịnh Hạ Long. Quãng đường nhìn ngắm thạch nhũ với những hình thù thú vị được con người tưởng tượng, xây dựng nên những truyền tích cũng ít hơn động Phong Nha.
Chính phủ Philippines chỉ cho phép các công ty khai thác du lịch trong phạm vi 1km của sông ngầm. Du khách cũng không thể đặt chân lên hang động mà chỉ có thể ngồi yên trên thuyền, đôi lúc hai chiếc thuyền phải nhường nhau qua những khe hẹp.
Trong hang tối chỉ còn nghe tiếng chèo khua và gió lạnh, tôi nhắm mắt nhớ những hang động của Việt Nam: Phong Nha - Kẻ Bàng, Thiên Đường, Ngườm Ngao… không thiếu những câu chuyện thú vị về thạch nhũ.
Người dân Palawan nói riêng và Philippines nói chung rất tự hào về sông ngầm, một danh thắng độc đáo của đất nước, được mệnh danh là địa điểm không thể bỏ qua của du lịch Đông Nam Á. Sức hút của sông ngầm là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có cả trách nhiệm tôn trọng danh thắng.
Cho dù du khách có đổ về đây bao nhiêu, sông ngầm vẫn giữ được vẻ sạch đẹp, hoang sơ. Du khách còn truyền tai nhau khi đến nơi này nhiều người đã ném tiền xu xuống dòng nước xanh, để lưu lại kỷ niệm, ký ức và đó cũng là một lời hứa sẽ trở lại cùng sông ngầm.
Tôi không ném đồng xu, nhưng vẫn nhớ mãi nơi này với vẻ duyên dáng, quyến rũ của một vùng đất hoang sơ và hiền hòa. Nhớ tiếng hát của anh chàng nghệ sĩ đường phố đã hát chào chúng tôi bằng những giai điệu mang đậm bản sắc Palawan.
Nhớ những xâu chuỗi kết bằng vỏ ốc tinh tế hay đêm bình an chèo thuyền ngắm đom đóm. Nhớ khu làng Việt Nam của đồng bào di trú cũng có ruộng rau, đàn vịt và quán “cháo lòng, cơm tấm Sài Gòn”. Và nhớ hoài màu nước sông ngầm…
Tiểu Quyên