Chăm sóc trẻ nhiễm COVID-19 bằng phương pháp dân gian

07/03/2022 - 10:40

PNO - Các bậc phụ huynh có thể áp dụng phương pháp dân gian và sử dụng thảo dược để giúp trẻ vượt qua thời kỳ nhiễm COVID-19 nhẹ nhàng hơn, hạn chế để lại di chứng.

Khi trẻ sốt

Sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên thường gặp. Kết hợp dùng phương pháp dân gian, thảo dược sẽ giúp hỗ trợ hạ sốt cho trẻ, đồng thời còn làm giảm tần suất và mức độ của cơn sốt. 

Trước tiên, nhẹ nhàng lau mát bằng khăn ấm và liên tục cho bé uống nước ấm. Để giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể trẻ, có thể áp dụng luân phiên các cách sau:

Nước cam, nước chanh tươi hòa với mật ong là lựa chọn nên ưu tiên vì dễ uống. Cách khác, cho trẻ uống một số loại nước từ thảo dược như: bột sắn dây, cúc hoa, lá dâu tằm, atiso, bạc hà, rau má, diếp cá… Tùy theo độ tuổi mà lựa chọn loại thảo dược phù hợp. Loại tươi thì xay, lọc lấy nước, hòa thêm nước nóng cho vừa đủ ấm; loại khô thì hãm trong nước sôi, hòa thêm nước sôi để nguội cho ấm; cả hai đều nên thêm chút đường phèn để trẻ dễ uống. Riêng bột sắn dây nên hòa với nước sôi để nguội, cho thêm đường và ít nước cốt chanh vào để tăng vị ngon và tác dụng. 

Đậu xanh, đậu đỏ nấu chè với đường phèn hoặc hầm lấy nước cho trẻ uống. Loại nước ép từ dưa hấu, cà chua giúp thanh nhiệt giải độc rất tốt. Cách thực hiện: dưa hấu gọt bỏ phần vỏ xanh, bỏ hột, ép lấy nước; cà chua luộc chín, bỏ vỏ, hạt, ép lấy nước; hòa chung hai loại, thêm vài hạt muối, cho trẻ uống khi còn ấm. 

Bí xanh, bầu, mướp, rau mồng tơi, rau sam, khổ qua… là các loại rau quả nên ưu tiên trong giai đoạn trẻ bị sốt; chế biến dạng canh, xúp, kết hợp với thịt heo, bò nạc, tôm tươi.

Nếu trẻ có triệu chứng tiêu chảy thì kết hợp thêm một ít nước gừng vào các món (nướng gừng thơm, giã và vắt lấy nước). Không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng. 

Khi trẻ hết sốt 

Sau giai đoạn sốt, trẻ có nhu cầu ăn trở lại, cha mẹ cần tranh thủ để bổ sung dưỡng chất cho trẻ. Kết hợp những thực phẩm cung cấp đạm là gà, bò, heo, tôm, cá… với các loại củ, quả như bí đỏ, khoai lang, khoai từ; các loại đậu như đậu đỏ, xanh, trắng, hòa lan… chế biến dạng canh, xúp hoặc nấu cháo giúp bổ sung năng lượng rất tốt cho trẻ.

Nhằm tăng cường thêm khí lực, giúp trẻ nhanh chóng vượt qua bệnh, nên dùng thêm một số vị thuốc như: táo đỏ, kỷ tử, hạt sen, ý dĩ, hoài sơn, sắn dây vào món ăn. Lượng dùng: dưới 10g/vị/trẻ/ngày, tùy trọng lượng trẻ; riêng kỷ tử dùng dưới 5g… Táo đỏ, kỷ tử nên hầm, lọc lấy nước cho vào món xúp, chè; hạt sen, hoài sơn nên hầm mềm, kết hợp trong các món canh, cháo, xúp, chè. Bột sắn dây nên nấu chín, phối trong món xúp, chè. Dùng nước dừa tươi làm nước dùng nấu chè, xúp sẽ giúp bổ sung lượng nước, chất điện giải trẻ đã bị mất đi khi sốt.

Tăng cường các loại rau củ chứa kháng sinh tự nhiên vào bữa ăn như: gừng, hành, tỏi, sả, tía tô, kinh giới… Nên giã, xay các loại gia vị này, lọc lấy nước và cho lượng vừa đủ vào món ăn để đánh lừa thị giác, vị giác của trẻ. 

Mỗi sáng khi vừa thức giấc, tối trước khi ngủ, cha mẹ dùng bàn tay xoa vùng bụng (quanh rốn, theo chiều kim đồng hồ), vùng lưng của bé cho nóng lên để hỗ trợ tiêu hóa, hô hấp.

Không nên cho bé uống sữa (trừ sữa mẹ) vào buổi tối, đêm; nên đẩy các cữ sữa lên trước 17g chiều và làm ấm sữa trước khi cho bé uống. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé đang yếu đi, uống sữa muộn rất dễ gây đau bụng, đầy hơi, khó chịu. Nên chuẩn bị sẵn món cháo gạo rang (có thể phối hợp thêm với đậu đỏ, hạt sen) nếu bé đói và đòi ăn vào buổi tối.

Khi trẻ ho

Ho là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị COVID-19. Ngoài các loại siro ho dành cho trẻ em, có thể kết hợp cho bé uống thêm một số loại nước sau: nước ép lá húng chanh (tần dày lá); nước ép dưa hấu (dùng cả phần vỏ trắng), nước của quả lê chưng đường phèn (dùng ít đường), nước quả lê nấu với củ sen. Trẻ lớn có thể dùng củ cải trắng chưng đường phèn hoặc các loại cao bổ phế có bán trên thị trường.

Lá húng chanh giúp thanh nhiệt, giảm ho, kháng viêm, cầm nôn
Lá húng chanh giúp thanh nhiệt, giảm ho, kháng viêm, cầm nôn

Xông hơi tự nhiên

Xông hơi sẽ khó thực hiện với trẻ nhỏ vì khá nguy hiểm. Cha mẹ có thể dùng một số loại thảo dược nấu lên để xông trong phòng, xông nhà nhằm giải trừ tà khí: bạc hà, kinh giới, tía tô, vỏ quýt, vỏ bưởi, lá bưởi, gừng, sả… hoặc dùng tinh dầu nguyên chất từ các loại thảo dược này.

Trong lúc đó, hãy cùng bé chơi trò tập thở xem bụng ai to hơn. Biến việc hít vào thở ra thật sâu thành một trò chơi sẽ kích thích bé hứng thú tham gia. Như vậy, cả nhà vừa tập thở giúp phổi khỏe, vừa hít được tinh dầu đang tỏa ra từ nồi xông. 

Đông y sĩ Mộc Nguyên (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI