Chăm sóc sức khỏe tâm thần để gia đình yên vui

18/10/2024 - 06:51

PNO - Khi một hoặc nhiều thành viên trong gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chắc chắn không khí gia đình sẽ luôn ngột ngạt, căng thẳng. Do vậy, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mỗi thành viên là điều hết sức cần thiết, giúp mỗi gia đình thực sự là một mái ấm yên vui, tràn đầy năng lượng tích cực.

Ngột ngạt, bế tắc khi người nhà “có vấn đề”

Tìm đến Báo Phụ nữ TPHCM nhờ tư vấn, đôi vợ chồng ở quận 5, TPHCM cho hay, họ cảm thấy mệt mỏi, bế tắc khi con trai họ bị chứng hoang tưởng bị hại.

Ông bà này kể, con trai họ năm nay 28 tuổi, là thạc sĩ công nghệ thông tin, trưởng phòng công nghệ thông tin (IT) của một tập đoàn lớn, tương lai rộng mở. Cách đây 7 tháng, khi đi làm về, cậu than mệt, tự nhốt mình trong phòng. Bỗng một ngày, cậu phán: “Ông bà hạ màn đi, đừng diễn kịch làm cha mẹ hiền yêu thương con cái nữa”. Cậu ta luôn nghĩ cha mẹ rắp tâm đầu độc mình nên không ăn uống ở nhà. Tháng 2/2024, cậu thuê nhà trọ sống và cắt đứt liên lạc với cha mẹ, nghỉ việc vì cho rằng công ty chỉ toàn những kẻ sẵn sàng hãm hại mình.

Các bạn trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm trị liệu tâm lý trong sự kiện Tuần lễ sức khỏe tinh thần, do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức từ ngày 7 - 11/10/2024 - ẢNH: NHÃ CHÂN
Các bạn trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm trị liệu tâm lý trong sự kiện Tuần lễ sức khỏe tinh thần, do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức từ ngày 7 - 11/10/2024 - Ảnh: Nhã Chân

Đôi vợ chồng già phải bỏ hết công việc, âm thầm theo dõi con thì thấy mỗi sáng, cậu ta xách cặp vào một quán cà phê ở quận 1, ngồi đúng một chỗ và nhìn vào khoảng không vô định. Ông bà gặp bác sĩ tâm thần, bác sĩ nói những biểu hiện như trên là triệu chứng của bệnh hoang tưởng bị hại, cần phải điều trị. Nhưng ông bà không biết cách nào để tiếp cận và đưa con đi điều trị.

Cũng tìm đến Báo Phụ nữ TPHCM nhờ tư vấn, chị T. - 43 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - khóc kể, chồng chị bỗng dưng ghen tuông điên cuồng. Vợ chồng chị kết hôn năm 2011 và sống rất hạnh phúc, nhưng sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, chồng nghi chị ngoại tình. Tối nào, chị cũng bị chồng tra hỏi “ngoại tình bao lâu rồi, đi khách sạn nào”. Đêm, chồng chị không ngủ mà ngồi trong bóng tối lục soát điện thoại, máy tính của vợ để tìm bằng chứng. Từ một gia đình vui vẻ, đầy ắp tiếng cười, cuộc sống của chị T. nay trở nên ngột ngạt. Chồng gắn định vị vào điện thoại, xe máy của vợ. Mỗi lần chị ra ngoài, chỉ cần nhìn quanh là thấy bóng chồng lấp ló theo dõi. Gần 3 năm sống trong sự mệt mỏi, tổn thương, chị T. nửa muốn ly hôn, nửa muốn giúp anh trị bệnh bởi chồng vốn là người rất tử tế, yêu thương vợ con. Nhưng chị không biết làm sao để giúp chồng.

Nhờ chữa khỏi bệnh tâm thần, anh Nguyễn H.D. - 42 tuổi, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - đã tìm thấy hạnh phúc gia đình, có con cái thành đạt. Từ khi học lớp Năm, anh D. đã có vấn đề về thần kinh, thường trốn trong bóng tối nói lảm nhảm một mình. Nghĩ con bị ma nhập, cha mẹ anh cầu thầy trừ tà ma chữa chạy nhưng không hiệu quả. Khi đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM, bác sĩ chẩn đoán anh D. bị tâm thần phân liệt và tích cực điều trị, giúp anh khỏi bệnh sau hơn 1 năm uống thuốc đều đặn.

Các chuyên gia đang thực hành trị liệu tâm lý bằng tiếng chuông trong Tuần lễ sức khỏe tinh thần  do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức từ ngày 7 - 11/10/2024 - ẢNH: NHÃ CHÂN
Các chuyên gia đang thực hành trị liệu tâm lý bằng tiếng chuông trong Tuần lễ sức khỏe tinh thần do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức từ ngày 7 - 11/10/2024 - Ảnh" Nhã Chân

10 năm sau, anh D. cưới vợ nhưng được một thời gian thì tái phát bệnh. Sau 2 tháng điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM, sau đó về nhà uống thuốc, tái khám theo chỉ định, anh D. đã hồi phục. Năm 2004, vợ anh sinh con trai. Vợ chồng chăm chỉ làm ruộng và mở lò làm đậu hũ. Đến nay, họ có cơ ngơi là ngôi nhà 2 tầng khang trang ở trung tâm huyện, con trai họ đậu đại học ngành y khoa. Chị P. - vợ anh D. - vui mừng: “Nếu trước đây tôi buông xuôi, không lo điều trị cho ảnh thì mọi chuyện đã khác. Hai chục năm nay, chồng tôi không còn dùng thuốc mà vẫn rất khỏe mạnh, vui vẻ”.

Gần 50% dân số gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

Theo báo cáo Xu hướng nhân lực toàn cầu năm 2022 của Mercer - công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu, cung ứng nhân sự - có khoảng 81% người lao động cảm thấy kiệt sức, gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Còn theo một khảo sát ở Singapore, hơn 58% nhân sự thuộc thế hệ Z (sinh năm 1997-2012, trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin và internet) ở nước này luôn cảm thấy kiệt sức, căng thẳng mỗi ngày.

Ông Nguyễn Hồng Ân - giảng viên môn tâm lý Trường đại học Hoa Sen - cho hay, các khảo sát chỉ ra rằng, ở Việt Nam, có 40 - 50% dân số gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống.
Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - trong 9 tháng đầu năm 2024, Khoa Khám bệnh của bệnh viện này tiếp nhận hơn 188.800 lượt người đến khám các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trong đó, có hơn 1.000 lượt khám tinh thần sa sút, 1.021 lượt khám rối loạn tinh thần và hành vi do rượu, 2.480 lượt khám rối loạn tâm thần và hành vi do dùng chất kích thích.
Có đến 40.252 lượt bệnh nhân đến khám tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân biệt và hoang tưởng, trong khi đó số bệnh nhân phải điều trị nội trú vì bệnh này lên đến 1.556 ca. Khoa cũng tiếp nhận 50.079 lượt bệnh nhân rối loạn khí sắc, 42.652 lượt khám bệnh thần kinh do stress và rối loạn thuộc cơ thể…

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang tư vấn, điều trị tâm lý cho một nạn nhân bạo hành gia đình - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý - Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang tư vấn, điều trị tâm lý cho một nạn nhân bạo hành gia đình - Ảnh: Phạm An

Đại diện Khoa Nội trú của bệnh viện này cho biết, chi phí điều trị nội trú trong 4 tuần khoảng 9-10 triệu đồng nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế. Sau thời gian điều trị tại Khoa Nội trú, nếu tâm thần ổn định, bệnh nhân sẽ được về nhà và tiếp tục điều trị ngoại trú. Nếu người nhà muốn tiếp tục điều trị, bệnh nhân sẽ được đưa tới cơ sở Lê Minh Xuân của bệnh viện. Khi được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội khỏi bệnh, sống như những người khỏe mạnh, bình thường khác.

Theo ông Nguyễn Hồng Ân, sức khỏe tâm thần cũng quan trọng và cần được chăm sóc như sức khỏe thể chất. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn cho rằng sức khỏe tâm thần là thứ gì đó nghiêm trọng, nặng nề, thậm chí đáng xấu hổ, cần giấu kín. Đó là quan niệm hết sức sai lầm. Cần có thái độ cởi mở, cần phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh về tâm thần. Ai cũng có thể gặp phải những khó khăn trong cuộc sống ở những giai đoạn khác nhau. Các biểu hiện thường gặp nhất là: khó ngủ, rối loạn ăn uống, cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, không kiểm soát được lo âu… Cần chú ý đến những thay đổi này. Nếu chúng ảnh hưởng xấu đến việc học, việc làm và các mối quan hệ xã hội - trong đó gia đình là tế bào quan trọng của xã hội - thì nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Ông nói: “Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Không nên đợi đến khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng mới tìm cách giải quyết. Việc can thiệp sớm sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng vượt qua khó khăn, phòng tránh được những biến chứng phức tạp”.

Thùy Dương - Diệu Hiền - Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI