Chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số

27/12/2024 - 06:23

PNO - Chất lượng dân số Việt Nam hiện nay được quyết định bởi nhiều yếu tố. Trong đó, sức khỏe phải là yếu tố kể đến đầu tiên vì mỗi cá nhân có sức khỏe tốt có thể sinh ra thế hệ tương lai khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Sáng 26/12, Báo Người Lao Động tổ chức talk show “Sức khỏe hôm nay - Chất lượng dân số ngày mai”.

Thạc sĩ Trần Thị Hồng - Phó trưởng phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho biết, chất lượng dân số Việt Nam hiện nay được quyết định bởi nhiều yếu tố như sức khỏe, giáo dục, kinh tế, văn hóa - xã hội và chính sách dân số. Trong đó, sức khỏe phải là yếu tố kể đến đầu tiên vì mỗi cá nhân có sức khỏe tốt có thể sinh ra thế hệ tương lai khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Các khách mời trò chuyện tại talk show “Sức khỏe hôm nay - Chất lượng dân số ngày mai”
Các khách mời trò chuyện tại talk show “Sức khỏe hôm nay - Chất lượng dân số ngày mai”

“Hiện nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như tuổi thọ trung bình của người dân cả nước đạt trên 74 tuổi, tầm vóc con người được cải thiện, thể lực tăng cao… Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế. Tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe chỉ đạt 64 tuổi, còn hơn 10 năm còn lại là sống trong bệnh tật. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, già hóa dân số tăng nhanh kéo theo chi phí y tế tăng cao, tạo gánh nặng cho công tác an sinh xã hội” - bà Trần Thị Hồng thông tin.

Theo bà, việc nâng cao sức khỏe và chất lượng dân số có mối liên quan chặt chẽ và trực tiếp, cần bắt đầu từ việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngay từ những năm tháng đầu đời. Nếu ngay từ ban đầu có sức khỏe có thể tạo được nền tảng cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy - đánh giá, sự già hóa dân số đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Một người lớn tuổi của Việt Nam có thể gắn với 4-5 bệnh tật trong cuộc đời. Trong khi đó, nhiều người cũng không quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng từ khi còn trẻ. Người bị bệnh cũng không có chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý.

Bà lấy ví dụ, người bị tiểu đường không phải cần ăn kiêng, mà là ăn điều chỉnh để đường huyết không tăng, không hạ, không có những biến chứng do tiểu đường gây ra. Tuy nhiên, cộng đồng không biết, dẫn đến bệnh nhân bị biến chứng nhiều do chế độ dinh dưỡng và lối sống sai.

Ngoài ra, thế hệ chuẩn bị già, thế hệ trẻ lại ỷ vào việc bản thân có sức khỏe và không có sự lo lắng đến tương lai. Bên cạnh việc thiếu thời gian chăm sóc sức khỏe, sự phát triển đa dạng của các món ăn cũng khiến chế độ dinh dưỡng ngày càng mất cân bằng, dẫn đến tình trạng thừa chất hoặc thiếu chất. Đây chính là những nguyên nhân gây ra bệnh tật ở tuổi già trong tương lai. Thực tế, nhiều bệnh nhân cao huyết áp và đột quỵ xuất hiện ngay ở những người trẻ tuổi.

Đối với trẻ em, nhiều người trong thế hệ sinh đẻ vẫn còn nhiều sai lệch và thiếu kiến thức trong việc nuôi con, dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng. Một số trẻ không được uống sữa đầy đủ hoặc không ăn dặm đúng cách, thậm chí không ăn đủ rau và trái cây. Đây đều là những sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại và chất lượng dân số trong tương lai.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thị Hồng Nhu - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ - cho hay, dinh dưỡng trong thai kỳ là vấn đề vô cùng quan trọng. Giai đoạn này, dinh dưỡng không phải cho 1 người mà là cho 2 người. Nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến cả 2 người và còn đến cả thế hệ tương lai của con trẻ. Do đó, các mẹ bầu cần phải quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng của thai kỳ.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI