Chăm sóc người bệnh tốt hơn nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo

17/01/2023 - 06:24

PNO - Bệnh án điện tử, đăng ký khám, thanh toán qua mã code, dùng trí tuệ nhân tạo cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, robot tập đi…, nhiều kỹ thuật, công nghệ cao đang được các bệnh viện ở TPHCM ứng dụng, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Chỉ mất vài giây để đăng ký khám bệnh

Hơn 10 năm nay, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 đã từng bước thực hiện chuyển đổi số và y tế thông minh trong khám, chữa bệnh. Bệnh nhi và cha mẹ không còn phải xếp hàng dài chờ đợi, tay xách nách mang khi đến khám bệnh. Theo Giám đốc BV Nguyễn Thanh Hùng, trung bình mỗi ngày BV khám khoảng 5.000 trẻ, những lúc cao điểm lên đến hơn 8.000 trẻ. Số bệnh nhi điều trị nội trú trên dưới 1.500 trẻ. Lúc “bệnh vào mùa” sốt xuất huyết, tay chân miệng…, có đến 1.800-2.000 trẻ nhập viện. Với số lượng bệnh nhi khổng lồ, nếu bác sĩ, điều dưỡng khám, lưu trữ hồ sơ thủ công như trước sẽ khó chu toàn. 

Năm 2010, BV đã ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực như lấy số thứ tự qua ki ốt, bệnh án điện tử, đăng ký khám trực tuyến, số hóa đơn thuốc… giúp người bệnh chủ động hơn khi đi khám bệnh. Cụ thể, tại khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh “một điểm dừng” giúp bệnh nhân không phải đi tới đi lui xếp hàng đóng tiền, khám hết khoa này đến khoa khác mà chỉ cần thực hiện theo thứ tự tiếp nhận - khám bệnh - xét nghiệm - kê đơn - lãnh thuốc - thanh toán trong một lần. 

Điều mà thân nhân bệnh nhi cảm thấy hài lòng nhất là thanh toán qua QR. Các ông bố, bà mẹ chỉ mất vài giây đưa tờ giấy chỉ định của bác sĩ hoặc sổ khám bệnh vào máy, quét mã code là đã có thể thanh toán trực tuyến rồi lấy số thứ tự vào bên trong khám cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Hằng (27 tuổi, ở quận Gò Vấp) nói: “Có máy quét thanh toán, tôi không cần phải mang nhiều tiền rồi vừa lo cho con, vừa sợ kẻ gian móc túi”. Còn ở khu nội trú, BV số hóa hầu hết chứng từ, biên bản hội chẩn, giấy chuyển tuyến, tờ điều trị. Một phần mềm theo dõi an toàn phẫu thuật quản lý các bệnh nhi có chỉ định mổ, giúp hạn chế tối đa nguy cơ mổ nhầm bệnh nhân. 

Phụ huynh sử dụng máy quét mã QR để thanh toán, lấy số thứ tự cho con tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - ẢNH: P.A.
Phụ huynh sử dụng máy quét mã QR để thanh toán, lấy số thứ tự cho con tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: P.A.

Ngoài ra, các ứng dụng như thẻ khám bệnh thông minh, trí tuệ nhân tạo trong telemedicine và robot trong phẫu thuật, “máy học” thực hành cảnh báo trong kê đơn thuốc, giám sát tồn kho... cũng được tất cả bác sĩ sử dụng thuần thục nhằm nâng hiệu quả điều trị lên cao nhất.

Ông Nguyễn Thanh Hùng nói: “BV cũng áp dụng phần mềm quản lý thiết bị giúp bác sĩ biết được số lượng giường bệnh, máy thở… ở từng khoa để linh hoạt trong tình huống quá tải. Hiện BV đang thí điểm bệnh án điện tử ở một số khoa và đã có hiệu quả nhất định. Với những ứng dụng này bác sĩ, nhân viên y tế được giải phóng khỏi nhiều công việc thủ công để có thời gian tập trung chuyên môn và nghỉ ngơi”.

Mở rộng "giờ vàng'' cứu bệnh nhân đột quỵ

Từ khi BV Nhân dân 115 ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào điều trị bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não, các bác sĩ đã cứu sống và mang lại chất lượng cuộc sống khả quan cho hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ được đưa đến BV sau “giờ vàng”. 

Giám đốc BV Nhân dân 115 Phan Văn Báu cho biết, tính đến năm 2015, thời gian vàng để can thiệp đột quỵ não là 6 giờ. Tuy nhiên tại BV, chỉ có khoảng 12% bệnh nhân đột quỵ não được đến BV trong 4 hay 5 tiếng đồng hồ từ khi khởi phát đột quỵ não. Nếu bệnh nhân được đưa đến sau 6 tiếng đồng hồ kể từ khi phát bệnh, hầu như bác sĩ không thể can thiệp. Vì vậy, việc có thể mở rộng “giờ vàng” trong can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não rất quan trọng. Người bệnh không chỉ được cứu sống mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống sau khi hồi phục.

Năm 2018, BV biết đến phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID không chỉ mở rộng “giờ vàng” cho bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não từ 6 lên đến 24 giờ, mà còn giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu bị tắc, định lượng vùng não chết và vùng não cần cứu chữa, để có thể chỉ định can thiệp kịp thời. BV đã lập tức tìm hiểu và quyết tâm có bằng được RAPID. Hơn nửa năm vừa nghiên cứu vừa tích cực ngoại giao, BV Nhân dân 115 đã đưa được phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID về Việt Nam. Cũng trong năm đó, hàng trăm ca đột quỵ tắc mạch máu não đến BV sau “giờ vàng” đã được can thiệp thành công. 

 

Robot hỗ trợ bệnh nhân tập đi ở Bệnh viện 1A - ẢNH: P.A.
Robot hỗ trợ bệnh nhân tập đi ở Bệnh viện 1A - ẢNH: P.A.

Đến nay, hơn 2.200 người bệnh đến sau “giờ vàng” - kể cả bệnh nhân ở tỉnh thành xa, tình trạng rất nặng - đã được điều trị nhờ sự hỗ trợ của RAPID. Theo khảo sát của BV, 48% người bệnh được can thiệp thành công, khi về nhà có thể vận động bình thường, giảm đáng kể tỉ lệ di chứng hoặc tử vong. Con số này có ý nghĩa rất lớn, bởi BV Nhân dân 115 cũng là trung tâm tiếp nhận, điều trị đột quỵ tại phía Nam. Năm 2019, có đến hơn 13.900 ca đột quỵ được cấp cứu tại đây, chiếm khoảng 8 - 10% số ca của cả nước.

BV 1A thì tiên phong nhập robot tập đi từ Hàn Quốc, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân bị yếu, liệt chân do di chứng đột quỵ, tổn thương tủy sống, tai nạn…

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu Huỳnh Hùng Mạnh - Khoa Phục hồi chức năng của BV - cho biết robot đã giúp ích rất nhiều cho cả bệnh nhân và kỹ thuật viên, bác sĩ. Mỗi ngày có hơn 100 người bệnh đang điều trị tại khoa cần phục hồi chức năng vận động.

Trước khi có robot, kỹ thuật viên phải dùng tất cả thời gian, sức lực dìu bệnh nhân này tập đi sau đó quay sang trị liệu cho bệnh nhân khác. “Với người yếu liệt chân, không có gì ý nghĩa bằng việc có thể sải bước trên đôi chân của mình. Được robot nâng đỡ, người bệnh thoải mái hơn, bớt tâm lý tự ti, mặc cảm, cần được người khác giúp đỡ”, anh Mạnh nói.

Dìu một nữ bệnh nhân lên robot, anh Mạnh nhấn nút khởi động, cài thông số, cố định đùi, cẳng chân, bàn chân. Robot dìu đỡ chắc chắn, an toàn, bắt đầu đưa người bệnh sải những bước ngắn, dài. Kỹ thuật viên chỉ cần theo dõi thông số, sinh hiệu khi người bệnh tập đi.

Qua vài buổi tập từ 15-30 phút với vận tốc 0,5 - 2km/giờ, người bệnh đã cảm nhận rõ ràng sức cơ của đôi chân, họ tự giác, chăm chỉ tập luyện hơn, giúp chức năng vận động được phục hồi nhanh chóng. “Từng có bệnh nhân bị bệnh lý não, liệt 2 chân, vậy mà tập đi 2 tuần với robot đã có thể lấy lại vận động. Nhìn anh tự đi trên đôi chân của mình, những bệnh nhân khác cũng lạc quan hơn trong tập luyện”, anh Mạnh hạnh phúc nói. 

“Mùa xuân” đến sớm với bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An

Từ tháng 11/2022, người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) không còn phải vượt quãng đường xa để vào trung tâm TPHCM chụp X-quang nữa. Đó là nhờ Sở Y tế TPHCM đã đưa hệ thống máy X-quang thế hệ mới, ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ chẩn đoán toàn diện X-quang lồng ngực cho người bệnh. Chiếc máy đã đem lại niềm vui lớn, như mùa xuân đến sớm với bệnh nhân ở xã đảo.

Nhờ vào ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo và hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh chuyên biệt, máy có thể phát hiện 95 trường hợp bất thường trên phim X-quang phổi. Lúc cần thiết, máy cũng sẽ truyền tải hình ảnh và thông tin người bệnh lên tuyến trên, kết nối với bác sĩ tuyến cuối từ xa. Qua đó, người dân ở xã đảo không chỉ được phát hiện sớm bệnh mà còn được bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị các bệnh mạn tính không lây vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều nước trên thế giới.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết vận hành quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ hiện đại giúp y tế địa phương vùng xa như Thạnh An trở nên tốt hơn, nhanh hơn, sớm hơn.  

Đây cũng chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã đảo với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở tại xã Thạnh An, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại xã cũng như ngư dân ở khu vực lân cận trên biển.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI