Chăm sóc da thai kỳ sao cho mẹ đẹp, bé khỏe

14/07/2024 - 06:56

PNO - Do thay đổi nội tiết tố, nhiều bà bầu gặp phải các vấn đề về da như mụn trứng cá, nám da, da khô, rạn da… Bà bầu chăm sóc da sai cách có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, một số thói quen, sản phẩm chăm sóc da thông thường đôi khi không phù hợp cho thai phụ, thậm chí ẩn chứa nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

Sơ ý khi dùng thuốc, làm đẹp có thể ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi

Chị N.T.L. (32 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) cho biết từ tháng thứ tư của thai kỳ, chị mọc mụn chi chít khắp mặt, sưng tấy, đau nhức. Chị đã tự mua và sử dụng thuốc dạng kem trị mụn theo lời tư vấn của nhân viên bán thuốc. Mụn chẳng những không thuyên giảm mà còn sưng viêm nặng, mủ trắng lan rộng, gây đau nhức và khó chịu.

Quá lo lắng và mất tự tin, chị L. mới đến gặp bác sĩ da liễu. Sau khi kiểm tra thuốc trị mụn chị L. bôi trước đó, bác sĩ phát hiện một số thành phần trong thuốc không phù hợp với làn da nhạy cảm khi mang thai, khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn. Ngoài ra, trong loại thuốc này còn có hoạt chất chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Bác sĩ đã yêu cầu chị ngưng ngay loại thuốc trên, đồng thời kê đơn thuốc phù hợp.

Bà bầu cần tránh sản phẩm chứa cồn, hương liệu nhân tạo, paraben  Nguồn ảnh: Internet
Bà bầu cần tránh sản phẩm chứa cồn, hương liệu nhân tạo, paraben - Nguồn ảnh: Internet

Một trường hợp khác là chị L.T.H. (35 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) đang mang thai tháng thứ bảy. Chị bị rạn da ở bụng, đùi và ngực. Các vết rạn da gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Chị H. đã nhờ bạn đang sinh sống ở nước ngoài mua giúp kem chống rạn da dành cho bà bầu nhưng sau khi bôi, tình trạng vẫn không được cải thiện nhiều.

Da chị bị kích ứng, mẩn đỏ, ngứa rát, các vết rạn sậm màu và lan rộng hơn. Khi đi gội đầu, massage ở 1 spa, chị được nhân viên cơ sở này tư vấn các phương pháp điều trị rạn da hiệu quả bằng ánh sáng như laser (sử dụng tia laser để tác động vào các lớp da sâu hơn, kích thích sản sinh collagen và elastin, giúp da đàn hồi và săn chắc hơn, từ đó làm mờ các vết rạn), liệu pháp ánh sáng LED (sử dụng ánh sáng LED có bước sóng cụ thể để kích thích sản sinh collagen và elastin, giúp da phục hồi và làm mờ các vết rạn).

Bên cạnh đó, chị còn được giới thiệu kỹ thuật dùng sóng cơ học để làm da săn chắc, se khít lỗ chân lông. Nhân viên spa cam kết tất cả phương pháp điều trị, chăm sóc da nói trên không gây đau đớn và rất an toàn. Tuy nhiên, khi chị H. định thực hiện xóa mờ nám bằng laser thì được cô bạn đi cùng ngăn cản, khuyên rằng đang mang thai nên thận trọng. Sau khi tìm hiểu kỹ, chị mới biết phụ nữ mang thai không nên điều trị da bằng ánh sáng và các loại sóng cơ học bởi có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM thường xuyên tiếp nhận những trường hợp thai phụ tới khám vì các bệnh lý liên quan tới làn da như nổi mụn, nám sạm, rạn da… Mới đây, phó giáo sư, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện - đã tiếp nhận một bà bầu bị mụn gây viêm nhiễm nặng do bã nhờn làm tắc nghẽn nang lông. Ban đầu, chị này chỉ nổi mụn ở mặt nhưng do không điều trị kịp thời, mụn lan ra lưng, mông, sưng nề gây đau nhức. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã kê đơn thuốc uống, thuốc bôi và các sản phẩm kiềm dầu phù hợp đối với phụ nữ mang thai cho bệnh nhân.

Dùng sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho bà bầu

Qua một số trường hợp, phó giáo sư, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh đưa ra những khuyến cáo quan trọng về việc chăm sóc da cho bà bầu. Thứ nhất, nhiều bà bầu vẫn có thói quen sử dụng loại kem chống nắng quen dùng mà không biết sản phẩm đó không còn phù hợp bởi có chứa hoạt chất không dành cho phụ nữ mang thai. Do vậy, việc lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp với phụ nữ mang thai cần được bác sĩ da liễu tư vấn.

Một số sản phẩm chăm sóc da phù hợp với thai phụ
Một số sản phẩm chăm sóc da phù hợp với thai phụ

Bên cạnh việc sử dụng loại kem chống nắng phù hợp, bà bầu cũng nên chú trọng đến việc che chắn da bằng khẩu trang màu đen và mũ rộng vành. Khẩu trang màu đen có khả năng cản tia UV tốt hơn so với các màu khác, giúp bảo vệ da mặt khỏi tác hại của tia UVA và UVB. Nên chọn khẩu trang được làm từ chất liệu cotton mềm mại, thoáng khí để tránh gây bí và kích ứng da. Đặc biệt, bà bầu cần thường xuyên thay khẩu trang sau mỗi 2-3 giờ sử dụng hoặc khi đổ mồ hôi nhiều. Mũ rộng vành giúp che chắn da mặt, cổ và tai khỏi ánh nắng mặt trời. Phụ nữ mang thai nên chọn mũ có vành rộng ít nhất 7 - 10cm, được làm từ chất liệu thoáng khí như vải cotton hoặc cói, đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời nắng, đặc biệt vào khoảng thời gian từ 10g đến 16g.

Mang thai là giai đoạn đặc biệt của người phụ nữ. Trong giai đoạn này, cơ thể có nhiều thay đổi về nội tiết tố, ảnh hưởng đến cả làn da. Rạch da lấy cồi mụn là phương pháp nên hạn chế đối với phụ nữ mang thai, nhất là thực hiện tại các spa. Khi rạch mụn, da sẽ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Nguy cơ trên dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai do hệ miễn dịch suy yếu. Không chỉ thế, một số spa sử dụng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, khiến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Chưa kể, mang thai là giai đoạn nhạy cảm về cả thể chất lẫn tinh thần của phụ nữ, phương pháp rạch da lấy cồi mụn có thể khiến thai phụ hồi hộp, stress, không tốt cho thai nhi.

Tiếp đến, bà bầu nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin C, E nhằm tăng cường sức đề kháng cho da; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, đồ cay nóng; uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho da luôn đủ độ ẩm. Đừng quên sử dụng sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho bà bầu, có thành phần dịu nhẹ, không gây kích ứng da. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bà bầu cần tránh sản phẩm chứa cồn, hương liệu nhân tạo, paraben. Một điều lưu ý khá quan trọng khác: tuyệt đối tránh các phương pháp can thiệp trị mụn bằng thuốc, ánh sáng như laser, sóng cơ học, điện di đẩy dưỡng chất vào da vì có thể gây hại cho thai nhi. Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi điều trị da bằng ánh sáng và sóng cơ học vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thai phụ, bao gồm ảnh hưởng đến thai nhi (dị tật bẩm sinh, sẩy thai, sinh non), kích ứng da và hiệu quả không đảm bảo.

Khi bị mụn, bà bầu cần đi khám da liễu để được bác sĩ tư vấn hướng điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai và hướng dẫn cách chăm sóc da tại nhà. Bên cạnh những khuyến cáo trên, phó giáo sư, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc để có làn da khỏe đẹp.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI