Chăm sóc cỡ nào, má chồng cũng không thương

02/05/2023 - 05:57

PNO - Chị đợi má yên ổn nằm trên giường mới đi vào, lấy ra xấp tiền, nói "má cầm lo thuốc thang". Má níu tay chị, quyến luyến không nỡ để chị đi.

 

Đứa cực khổ má không thương, đứa hay cho tiền, lại được lòng má (ảnh minh họa)
Con dâu ở gần cực khổ chăm sóc mỗi ngày, nhưng má không những không thương mà còn xem thường (ảnh minh họa)

Chị Lan - vợ anh Hai - lấy khăn lau mặt cho má. Thấy chén cháo còn nóng để trên chiếc tủ nhỏ đầu giường bệnh, chị cầm lấy, đút cho má ăn. Má ăn ngon lành, còn khen ngợi: “Có con về má ăn mới vô”.

Cô con dâu Út ngồi đó rơi nước mắt tủi thân. Cũng khăn đó cháo đó, vài phút trước thôi, má cáu bẳn với cô: “Khăn gì cứng quèo, lau mặt đau muốn chết”, “con nấu cháo kiểu gì khó ăn quá”… Vào tay chị Lan, mọi thứ bỗng trở nên dễ dàng một cách bất ngờ. Người ta hay nói “khi thương trái ấu cũng tròn”, cô thấm thía sự “tròn” khi tình thương của má dành cho chị bạn dâu là vô điều kiện…

Má nói muốn đi vệ sinh. Chị Lan lật đật đứng lên, bảo cô: “Em đỡ má đi, chị không quen mấy vụ này”. Chị ra hành lang dãy phòng bệnh ngồi. Đợi má sạch sẽ, yên ổn nằm trên giường chị mới vào, lấy ra xấp tiền: “Má cầm tiền lo thuốc thang, con còn nhiều việc lắm. Má ráng khỏe cho con mừng”. Má cầm tay chị Lan, quyến luyến không nỡ để chị đi, dặn: “Con rảnh nhớ về thăm má. Má trông con lắm”.

Má khoe với bà bệnh nhân giường bên: “Con dâu lớn tui đó. Nó làm trưởng phòng ở ngân hàng, đã giỏi lại còn biết điều. Không có nó chắc tui chết”. Cô con dâu Út cắm cúi giặt khăn, dọn chén, lấy thuốc cho má uống…

Bà bạn hình như nhìn thấu sự nhẫn nhịn và kiệm lời của cô, nên phân biện giùm: “Tôi thấy con dâu Út của chị mới tốt nè. Thức đêm thức hôm bóp tay chân, đỡ chị đi vệ sinh, lau mình… Con dâu hiểu chuyện vậy, chị còn chê gì nữa”…

Nhớ lần đầu tiên gặp cô, má đã không hài lòng. Cô là giáo viên, cha mẹ thì làm nông, không giống chị dâu, cái gì cũng hơn cô. Mối ác cảm ban đầu đó khiến cái nhìn của má dành cho cô luôn khắt khe.

Cô đi dạy về muộn, bà mát mẻ: “Kiếm được mấy đồng đâu mà bỏ nhà bỏ cửa”. Cô kèm học sinh yếu tại nhà, bà kêu ca: “Nhà cửa ồn ào y hệt cái chợ”… 

Đôi lúc tan trường, cô bần thần dắt xe ra cổng. Cô sợ về nhà, sợ ánh mắt dò xét của má chồng, sợ những lời bén ngót như dao cau…

Nhà có đám giỗ, từ mấy ngày trước cô lo lau dọn bàn thờ, bày hoa trái, tính toán xem nấu món gì. Trong ý nghĩ của má chồng, không có khái niệm “thuê dịch vụ nấu ăn”.

Má chồng nói hồi bà làm dâu, nấu 10 bàn tiệc gọn hơ. Giờ đãi 4 bàn, cớ gì phải thuê mướn. Chồng cô thuyết phục má không xong, đành động viên cô cố ráng. Cô phải thức khuya dậy sớm, luôn chân luôn tay mới lo toàn vẹn trong ngoài.

Sát giờ cúng, cả nhà anh Hai mới về. Chị dâu lấy ra xấp tiền, phụ má lo đám giỗ. Má hãnh diện khoe với họ hàng: “Nhà này may có con Hai lo trong lo ngoài”. Chị Hai ăn xong, má hối chị nghỉ ngơi. Còn cô phải lo gói ghém bánh trái cho khách mang về, lo dọn bàn, rửa chén bát…

Vợ chồng chị Hai về lại thành phố, cô có nhiệm vụ làm sẵn vài con gà, hái rau trái vườn nhà cho chị mang đi. Má ngồi kiểm đếm, gói ghém cẩn thận từng thứ trước khi cho vào giỏ… Giây phút đó, cô ước má ngoái lại hỏi cô: “Mệt không con, nghỉ chút đi”, “Ăn gì chưa con, công việc từ từ làm”… Chỉ cần má ngoái lại thôi, để cô thấy mình cực cũng đáng, vất vả bao nhiêu cũng không ngại.

Chồng cô hay kể, hồi đó ba mất sớm, má buôn gánh bán bưng, chắt bóp từng đồng nuôi 2 anh em. Khắp xóm này không nhà nào má không hỏi mượn tiền. Là nợ tiền học phí, sách vở áo quần của hai anh em… Anh từng tự hứa rằng sau này đi làm có tiền, nhất định sẽ không để má khổ.

Đoạn đời quá khứ của chồng, cô không dự vào; món nợ ân nghĩa không có phần cô, nhưng cô nguyện cùng gánh với chồng, bởi hạnh phúc của vợ chồng cô có má dự phần. Nhưng mọi cố gắng của cô đều không được má nhìn nhận.

“Thôi ráng đi em, mai này chắc má cũng hiểu em có lòng với má thế nào”, câu động viên của chồng chắc là lần thứ n, mỗi khi thấy cô khóc thầm. Cô vì chồng gượng vui, neo vào đó chút hy vọng rồi má sẽ ngoái lại. Cô ước giá như má hiểu đường xa khó nhọc, không phải dùng tiền là có thể san bằng mọi bất trắc. Cô vất vả chăm má, lẽ nào chưa đủ yêu thương? Người già nhiều chứng bệnh neo bên mình, người bệnh khổ, người nuôi cũng khổ. Mẹ con không hợp tác, nỗi khổ ấy sẽ nhân lên…

Người ta hay nói “xa thương gần thường”. Dâu lớn ở xa không ra đụng vào chạm những chuyện vặt vãnh với má chồng, còn dùng tiền thay trách nhiệm cho khỏe thân. Dâu Út ở gần trăm việc đến tay, còn bị bắt bẻ, giận hờn… Vậy đâu có công bằng cho đứa ở gần. Má cũng từng làm dâu, sao má không hiểu?

                                                                                                                                               Thùy Gương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • trang 06-05-2023 17:06:42

    Để mẹ đối xử tệ với vợ là lỗi của chồng. chỉ biết động viên vợ cố gắng mà không phân tích cho mẹ hiểu thấu đáo chứng tỏ anh chồng này tteej!

  • Tuyet Hang 05-05-2023 19:40:30

    Ước gì sau này có dâu như bé dâu út này, tui sẽ cưng như trứng, hứng như hoa luôn.

  • Ha 05-05-2023 15:48:42

    Vậy có con dâu nào vừa nuôi cả gia đình chồng, vừa chi trả luôn chi phí ăn uống hàng tháng của gia đình em chồng, vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa bị yêu cầu phải làm việc nhà, và vẫn bị mắng mỏ là không tốt không? Con dâu đó quả là ngu ngốc đến khó tưởng tượng là có thể có tồn tại trong thời đại ngày nay.

  • Yuan Parker 04-05-2023 13:57:04

    Tôi thấy 1 số bà mẹ chồng khá lạ lùng, khắt khe chi li soi xét con dâu đủ kiểu rồi đi so với bản thân hồi xưa; chẳng lẽ các bà mẹ chồng chưa từng làm dâu hay sao mà ko thấu hiểu con dâu Út?! Phải chăng chỉ vì ko vừa mắt hay vì background nhà cô ấy ko vừa ý nên hờn mát?

  • Lê Nguyễn 03-05-2023 19:56:56

    Bài viết hay lắm, cảm động vì thương bé dâu Út. Mai mốt mình già có con dâu chăm sóc tận tình vậy thì còn gì bằng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI