Chăm nuôi thú cưng - ngành công nghiệp hái ra tiền

06/11/2024 - 05:14

PNO - Ở các thành phố lớn của Việt Nam, thú cưng được chăm sóc rất kỳ công,thậm chí có người sắm cả robot (người máy) để chăm sóc cho chó, mèo. Năm 2023, dù kinh tế cả nước khó khăn, ngành này vẫn tăng trưởng doanh thu 35% và có quy mô gần 100 triệu USD.

Chi bạc triệu cho thú cưng mỗi tháng

Nhiều bạn trẻ đưa chó, mèo đến với ngày hội thú cưng ở Nhà văn hóa Thanh Niên ngày 19/10 - ẢNH: GIA PHÚC
Nhiều bạn trẻ đưa chó, mèo đến với ngày hội thú cưng ở Nhà văn hóa Thanh Niên ngày 19/10 - Ảnh: Gia Phúc

Cuối tháng 10/2024, nghe tin có ngày hội thú cưng ở Nhà văn hóa Thanh Niên, chị Khánh Thy (quận 7, TPHCM) đã sắp xếp công việc, đưa 2 “con” của mình đến dự. Chị cho biết, 2 chú mèo giống Bengal của chị được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài về với giá gần 100 triệu đồng/con. Hiện nay, mỗi tháng, chị chi khoảng 10 triệu đồng để chăm sóc đôi mèo này do phải mua đồ ăn nhập khẩu. “Tôi xem chúng như người thân trong gia đình nên không nghĩ đến chuyện tốn kém” - chị nói.

Mê thú cưng nhưng không có thời gian chăm sóc, anh Lê Văn Phong (quận 8, TPHCM) mua con robot từ nước ngoài về để tự động chăm sóc 2 chú mèo của mình, gồm cho ăn, cho uống và dọn vệ sinh. Robot này có gắn camera nên dù đi công tác ở nước ngoài nửa tháng, vợ chồng anh vẫn ngắm được 2 “con” và giám sát được việc ăn uống, sinh hoạt của chúng.

29 tuổi, anh Phan Huy Hậu (TP Thủ Đức, TPHCM) nuôi thú cưng như một cách hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Ban đầu, anh chỉ nuôi 1 chó, 1 mèo nhưng nay, số chó, mèo đã lên 12 con. Tốn tiền chăm sóc chó, mèo gần 10 triệu đồng/tháng, anh vẫn không coi đây là gánh nặng: “Từ khi nuôi thú cưng, mình cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn. Mình học được cách yêu thương, rèn được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ”.

Anh Kiều Sơn (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) lại có niềm đam mê đặc biệt với các loài bò sát. Anh bắt đầu tìm hiểu về chúng từ cuối bậc THCS và đã nuôi trăn, rắn, kỳ đà, rồng Nam Mỹ (iguana) 8-9 năm qua: “Chó mèo là các loài quá quen thuộc, còn bò sát vẫn là loài bí hiểm nên tôi vừa nuôi, vừa khám phá chúng”. Theo anh, chi phí nuôi bầy bò sát chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng nhưng điều quan trọng là phải hiểu rõ đặc tính và môi trường sống của từng loài.

Theo báo cáo năm 2024 về triển vọng ngành công nghiệp thú cưng tại Việt Nam của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kirin Capital, số lượng thú cưng ở Việt Nam tăng đều đặn 5%/năm kể từ năm 2017. Năm 2023, các gia đình ở Việt Nam nuôi tổng cộng khoảng 12 triệu con chó và mèo, trong đó khoảng 5,58 triệu con mèo và 6,48 triệu con chó. Số chó, mèo nuôi có thể tăng lên 16 triệu con vào năm 2027. Năm 2023, quy mô ngành công nghiệp thú cưng của Việt Nam vào khoảng 94 triệu USD và năm 2028 sẽ đạt 182 triệu USD.

Theo Chi hội Thú y, Thú nhỏ Việt Nam, năm 2023, ngành công nghiệp thú cưng của Việt Nam tăng trưởng doanh thu 35% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới.

Thị trường giàu tiềm năng

Theo Kirin Capital, ngày càng nhiều người trẻ nuôi thú cưng. Trong cơ cấu chi phí chăm sóc thú cưng, tiền mua đồ ăn chiếm 77% và mua phụ kiện, trả cho dịch vụ chăm sóc 23%.

Mô hình quán cà phê thú cưng đang được khá nhiều người ở TPHCM ưa thích - Ảnh do Mame Shiba cafe cung cấp
Mô hình quán cà phê thú cưng đang được khá nhiều người ở TPHCM ưa thích - Ảnh do Mame Shiba cafe cung cấp

Bà Đỗ Thị Mộng Thơ - Phó chủ tịch Chi hội Thú y, Thú nhỏ Việt Nam - nhận định, trước đây, chó mèo chỉ được xem như công cụ trông nhà, bắt chuột nhưng gần đây, ngày càng nhiều người xem chúng như thành viên trong gia đình, là bạn tri kỷ, giúp giảm căng thẳng trong cuộc sống và công việc: “Cùng với sự phát triển của đời sống và thu nhập, nhiều người không ngần ngại chi tiền mua thức ăn cao cấp, đồ chơi cho thú cưng, đưa chúng đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp với mong muốn mang đến những gì tốt đẹp nhất cho thú cưng”.

Thị trường dịch vụ và sản phẩm dành cho thú cưng ở Việt Nam cũng bùng nổ mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều cửa hàng bán vật tư phục vụ việc nuôi thú cưng, các thương hiệu chuyên nghiệp làm dịch vụ chăm sóc thú cưng, gồm mát xa đơn thuần đến phục vụ toàn diện. Ngành công nghiệp thú cưng đang dần định hình một hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Bà Đức Hạnh - chủ hệ thống Kin Neko Pet Shop ở TPHCM - cho hay, với một thú cưng cỡ vừa (dưới 10kg), chủ nuôi cần chi khoảng 2,5 triệu đồng/tháng cho các nhu cầu cơ bản như thức ăn, cát vệ sinh, spa và đồ chơi. Số tiền này chưa bao gồm chi phí phát sinh như khám thú y, tiêm phòng hay gửi khách sạn khi gia đình đi du lịch.

Theo bà, hiện nay, khách hàng không chỉ tìm kiếm dịch vụ tắm, cắt tỉa lông, dưỡng da (spa grooming) mà còn quan tâm đến dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp cho thú cưng, dịch vụ “nhà trẻ” cho thú cưng (daycare) - nơi huấn luyện hành vi, chăm sóc thú cưng theo ngày. Chủ nuôi thường đưa chó đi spa 7-10 ngày/lần, đưa mèo đi spa 10-30 ngày/lần.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc mảng thức ăn thú cưng, Công ty TNHH De Heus - cho biết, khoảng 60% người nuôi thú cưng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho thức ăn và dịch vụ chất lượng. Họ không chỉ quan tâm đến dinh dưỡng cơ bản mà còn chú trọng đến các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và chăm sóc da, lông. Dẫn số liệu từ Statista - nền tảng cung cấp dữ liệu thống kê toàn cầu - ông cho hay, thị trường thức ăn cho thú cưng ở Việt Nam tăng trưởng với tỉ lệ hằng năm trong giai đoạn 2021-2026 khoảng 5,2%. Điều này cho thấy tiềm năng kinh doanh sáng sủa cũng như mức độ cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu thức ăn cho thú cưng nội địa lẫn quốc tế.

Theo bà Đức Hạnh, đối với ngành công nghiệp thú cưng, khó khăn lớn nhất là tìm kiếm và đào tạo nhân sự phù hợp. Người làm công việc chăm sóc thú cưng không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn mà còn phải có tình yêu thương động vật, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Bà dự báo, trong thời gian tới, các dịch vụ mới như huấn luyện hành vi, tổ chức sân chơi cho thú cưng sẽ phát triển, đồng thời sẽ có các ứng dụng di động (app) giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin về các dịch vụ, cũng như kết nối với cộng đồng yêu thú cưng.

Cân nhắc về tài chính, thời gian trước khi quyết định nuôi

Muốn nuôi thú cưng, cần tiên liệu những thách thức mà mình phải đối mặt, nổi bật là chi phí và thời gian. Nhiều người phải từ bỏ việc nuôi thú cưng do không đủ điều kiện tài chính hoặc thời gian chăm sóc chúng.

Chi phí chăm sóc có thể dao động từ 1-6 triệu đồng/tháng, bao gồm thức ăn, khám sức khỏe, vệ sinh và các dịch vụ khác.

Vì vậy, trước khi quyết định nuôi thú cưng, cần cân nhắc kỹ 2 yếu tố trên, xem mình có khả năng theo đuổi lâu dài hay không. Người chuẩn bị nuôi thú cưng cần tìm hiểu kỹ về loại thú cưng định nuôi, chuẩn bị không gian sống phù hợp và các vật dụng cần thiết cho chúng. Khi nuôi, cần khám sức khỏe định kỳ và tiêm phòng đầy đủ cho thú cưng.

Trong tương lai, tôi chắc chắn có nhiều cải tiến trong đào tạo chuyên môn, nghiên cứu khoa học và dịch vụ chăm sóc thú cưng. Khi xã hội nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thú cưng một cách chuyên nghiệp thì quá trình nuôi sẽ thuận lợi hơn và có lợi cho cộng đồng hơn.

Bác sĩ Võ Quý Thành Đạt (hệ thống Bệnh viện Thú y 2Vet)

Lam Hồng - Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI