Chăm nhau đến răng long đầu bạc

18/03/2020 - 10:04

PNO - Ông bà chiều lòng và hy sinh cho nhau từ thuở thanh xuân, tới tận tuổi già vẫn không quên để ý chăm lo sở thích lẫn sức khỏe của bạn đời.


1.  Bà họ Diệp, nhìn vào giấy tờ thấy sinh năm 1945. Bộ đồ bà mặc nhà in hoa, đơn giản mà sạch sẽ, mát mẻ. Khuôn mặt bà tròn đầy với nét phúc hậu của một người được yêu thương chăm sóc, ít phải lo nghĩ, có vẻ trái ngược với bề ngoài lam lũ của người chồng đang loay hoay bên cạnh. Với chiều cao và thân hình chỉ ở mức trung bình, ông chồng có phần khó khăn khi đẩy bà Diệp trên 

băng-ca vào khu chụp cắt lớp MRI. Có thể do hành trình chuyển viện dằn xóc, hoặc không khí lạnh lẽo của căn phòng, hay do hộp sữa mà ông ép bà uống “cho khỏe” khi vừa tới nơi mà bà ói tung tóe. Quần áo và phần lớn đồ đạc đều bị dây bẩn. Thế nhưng ông cụ không hề tỏ ra cáu bẳn hay khó chịu, vẫn nhẹ nhàng lau dọn, miệng liên tục xin lỗi anh kỹ thuật viên ở đó. 

Hỏi thăm bà bệnh gì, ông bảo lần trước đã bị tai biến nhẹ. Mấy năm nay hằng ngày vẫn đi tập vật lý trị liệu nên bà có thể đi đứng chầm chậm được. Lần này, bà bị lại, khả năng bị liệt nửa người, tay chân cử động được nhưng chẳng còn đủ sức để có thể tự di chuyển. “Thương lắm. Biết là tuổi già không tha một ai, nhưng thấy “bả” yếu như vầy, thấy tội vô cùng…” - ông buồn bã nói.

Nghe như thể ông còn trẻ lắm chứ chẳng phải đang tuổi xưa nay hiếm, mà vẫn quên cả bản thân để chăm chút cho người bạn đời của mình. Tôi hình dung ra những năm tháng cuối của hành trình song đôi ấy, bà được ông đỡ đần yêu thương từng li từng tí, mà không khỏi xúc động.

Tưởng tượng thêm hình ảnh ông già chở bà già trên chiếc xe máy giữa phố phường đông đúc, ông dặn với ra sau là “nhớ ôm vào cho chắc”. Ông đưa bà đi khám bác sĩ, từ tốn dìu từng bước chân. Cứ nhìn cái cách ông kéo chăn, sửa áo cho bà, là hiểu.

Phải yêu thương tới mức nào thì người ta mới có thể dịu dàng và tỉ mẩn đến vậy. Nhất là với một người đàn ông quen việc mưu sinh ngoài xã hội. Thế gian có câu “con chăm cha sao bằng bà chăm ông”, nhưng hình ảnh một người đàn ông cao tuổi chăm vợ được như thế, thật không phải dễ gặp.  

2. Ông tên Nguyễn An, quê ở miệt Tháp Mười, rặt sông nước kênh đìa, bông súng, hoa sen, rau dại. Hồi đó, bà Hoa là con gái Sài Gòn chính gốc, rất “sành điệu” như cách mà ông hay nói về bà. Bà cũng biết là về làm dâu vùng ấy vừa vất vả lại nhiều trở ngại, nhưng vẫn gật đầu.

Vốn không biết bơi, lại sợ nước, thế mà bao năm nay bà vẫn hài lòng và cùng ông vui sống ở vùng nước nổi. Riết rồi cũng thích nghi, dù tới mùa gió là bà lên cơn hen suyễn, đến thở cũng còn khó nhọc. Chừng ấy năm làm vợ làm mẹ, bà đã dần quen với việc trồng cây, làm ruộng, quán xuyến gần bốn héc-ta đất của gia đình. Nhổ cỏ, dặm lúa, bón phân, nuôi heo, bắt cá… mọi công đoạn bà đều thành thạo, y như một nông dân thứ thiệt. Thật hiếm có người đàn bà nào yêu thương gia đình và chịu cực, chịu khổ, tảo tần được như vậy.

Vui miệng ông An kể, hồi ấy nhà ở bên kia sông, muốn qua đó phải bơi xuồng. Mỗi sáng, ghe đậu kín trước khúc sông như thể một cái chợ nổi be bé. Toàn người dân đến để nhờ ông chích thuốc, xem bệnh miễn phí. Mất thời gian lại chẳng được công cán gì, nhưng bà chưa từng tỏ ra khó chịu, mà luôn niềm nở đón tiếp, lại còn cảm thấy tự hào khi chồng mình được những người xung quanh tin tưởng, yêu mến. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà bảo, ông nóng tính và quyết đoán, nhưng cũng vô cùng trân trọng và thương vợ con. Bản thân ông nấu ăn rất ngon, nhưng chẳng bao giờ vì thế mà chê bai những món bà chế biến. Thậm chí ông hay khen ngợi, động viên vợ. Đợt rồi ông bệnh nặng, phải nằm viện một thời gian, bà dọn vào ở hẳn trong bệnh viện để chăm sóc chồng.

Nhìn cách bà Hoa sửa soạn từng chén cháo ấm nóng, bưng cho ông ly nước uống thuốc, với lời lẽ ân cần nhẹ nhàng, những người xung quanh không khỏi ao ước. Cuối đời rồi, vợ chồng luôn được cận kề, chia sớt từng cơn đau, vỗ về từng nỗi mệt, kiên nhẫn lắng nghe nhau từng lời, thì còn gì mãn nguyện bằng…

Thấm thoắt đã 45 năm từ ngày ông bà về với nhau. Con cái trưởng thành, đều ở riêng, nhưng không vì thế mà nhà cửa ông bà vắng lạnh. Trái lại, bữa cơm gia đình dẫu đơn sơ nhưng vẫn luôn đầm ấm, đủ đầy như ngày đầu. Niềm vui của bà bây giờ là loanh quanh trong nhà, vào bếp chuẩn bị món ngon cho chồng và con cháu.

Bà tủm tỉm cười, khoe món này nấu để ông bồi dưỡng, thức kia ngon lành là vì ông thích ăn. Nhìn cách ông bà đối đãi với nhau trong cuộc sống đời thường, mới hiểu và tin rằng, vợ chồng tương kính như tân thì mới dễ hạnh phúc lâu dài, bền chặt.

Vậy đó, chiều lòng và hy sinh cho nhau từ thuở thanh xuân, tới tận tuổi già vẫn không quên để ý chăm lo sở thích lẫn sức khỏe của bạn đời, cả ông An bà Hoa đều thật may mắn. 

Hải Đăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI