Trước giờ bà sống một mình một nhà, sáu anh chị chồng sống xung quanh trong khu vườn rộng lớn của gia đình, chỉ cần ới một tiếng là có mặt. Một mình sống yên bình, khỏe thì trồng rau, nhổ cỏ, chăm con gà, con vịt; mệt thì lên võng nằm hát í a vài ba điệu chèo.
Buổi tối, mấy đứa cháu con các anh chị đều sang ngủ với bà cho vui. Vợ chồng tôi làm việc và ở trên tỉnh là cách xa bà nhất, chỉ những ngày cuối tuần mới tranh thủ đưa các cháu về thăm bà.
|
Chồng tôi bón cơm cho mẹ |
Khi bà còn khỏe mạnh, nay bác Cả gửi bà giữ hộ đứa con nhỏ để đi làm đồng. Hôm bác Ba đi xa, lại nhờ bà tưới hộ luống rau, dây bầu dây bí. Lại có bữa bác Tư mang thóc sang sân phơi, nhờ bà trông trời mưa, gà mổ. Những lúc ấy, ai cũng chèo kéo, vui vẻ bà bà con con.
Giờ bà nằm một chỗ, mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đều phải có người trợ giúp. Bà nhất định không chịu ở với ai, không để ai chăm sóc, trừ chồng tôi. Được thể, các bác hùa vào “giàu út ăn, khó út chịu”, “thôi thì vợ chồng chú Út chịu khó chiều bà vậy”, “chú Út ở trên tỉnh gần bệnh viện, thuốc men đầy đủ, điều kiện tốt, có chuyện gì còn kịp ứng phó, chứ chúng tôi ở đây...”.
Trong khi tôi giãy nảy như đỉa phải vôi thì chồng tôi hí hửng ra mặt, một vâng hai dạ liên hồi, nói như reo: “Lần này thì bà không thể từ chối được nữa rồi”. Và, anh lập tức đưa mẹ lên ngay, như chỉ sợ bà đổi ý.
Mới trông bà chưa được mươi ngày mà tôi đã chẳng thể nhận ra chồng vì anh hốc hác, bơ phờ. Mẹ chồng tôi không chỉ bị tai biến nằm một chỗ mà còn bị lẫn và mất ngủ. Ban ngày bà ngủ vùi nhưng từ 21 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau là bà kêu, bà gào, bà đòi đi vệ sinh, bà than nhức mình như có dòi bò lúc nhúc, phải xoa bóp mới chịu được... Chăm bà là phải loay hoay sáng đêm với bà.
Có đêm chồng tôi phải bế bà ra vào nhà vệ sinh cả chục lần, đóng bỉm thì bà kêu nóng, không quen, không chịu; rồi bà rứt, bà xé kỳ được mới thôi. Chúng tôi bàn nhau thuê người giúp việc để phụ nhưng làm chưa nóng chỗ là người nào cũng “bỏ của chạy lấy người” vì không thể đáp ứng nổi các yêu cầu của bà.
Các bác lên chơi thì cũng chỉ chăm được một hai ngày rồi về lo chuyện nhà mình. Tôi một nách hai con, đứa sáu tuổi, đứa mới sinh, cũng tất bật không ngơi tay, chẳng phụ giúp gì được cho chồng.
Cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn, khiến tôi không khỏi có những lần cằn nhằn khó chịu. Lần nào anh cũng nhẹ nhàng ôm vai tôi thủ thỉ: “Anh là con út, sống xa gia đình từ nhỏ, thời gian bên mẹ không nhiều. Được chăm bà ngày nào thì cố gắng ngày ấy, em à! Mai này có muốn cũng không được”. “Nhưng bà ngày càng trái tính, khó chiều”. “Ai rồi cũng sẽ già. Sau mình cũng sẽ như bà. Người già lúc nào cũng cần con, cần cháu quan tâm đến mình, như trẻ con vậy thôi. Vợ chồng mình chịu khó một chút”...
Hằng ngày nhìn người đàn ông hơn bốn mươi tuổi bế bồng một bà già đi tắm rửa, rồi lau chùi, vệ sinh, thay đồ, dỗ dành đút cơm, tối lại xoa chân, bóp tay đến khi bà chìm vào giấc ngủ mới rón rén đặt lưng xuống giường ngay bên cạnh, tôi không khỏi xót lòng.
Nhưng, tôi đụng vào là anh gạt đi “em không quen, làm đau mẹ”. Thương chồng, tôi thuê người đỡ đần, anh cũng không đồng ý: “Anh không yên tâm khi giao mẹ cho người khác. Người ngoài chăm sao bằng con cháu. Mà cũng chỉ anh mới hiểu được ý bà”. Cứ như thế, từng chút từng chút một, tôi ngày càng hiểu ra, càng thương bà, thương chồng nhiều hơn.
Không biết nhờ thầy hay, thuốc tốt hay trời thương tấm lòng hiếu thảo của chồng tôi mà sau hai năm nằm một chỗ, bà dần hồi phục, chân nhúc nhắc đi lại, tay cầm nắm được bánh trái không còn rơi rớt, đầu óc cũng minh mẫn lại, không nhớ nhớ quên quên nữa.
Những tiếng kêu gào, la mắng mọi người của bà giờ đã thay bằng nụ cười hồn hậu. Con lớn của chúng tôi nhìn ba chăm bà cũng mon men lúc lấy giúp ba chiếc khăn, lúc rót cho bà ly nước, khi bóc chiếc bánh đút bà... Vừa tập chăm bà, con bé vừa thỏ thẻ: “Sau này con cũng chăm ba mẹ như ba mẹ chăm bà hôm nay”.
Nghe con nói tôi không khỏi giật mình. May mà…
Thủy Vũ
( Đăk Nông)