Chăm má chồng bằng 'cơm hàng cháo chợ'

27/11/2019 - 05:17

PNO - Cơm nhà hay cơm tiệm rõ ràng không phải chỉ là chuyện “cơm”, mà còn sẽ kéo theo những câu chuyện khác. Má chồng bệnh mà con dâu không chu toàn thì khó tránh lời trách móc.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em là con dâu thứ hai trong gia đình, hiện đang sống cùng ba má chồng. Vợ chồng em có hai con. Tụi em đều đang đi làm nên thời gian eo hẹp, chỉ lo đưa đón con đi học cũng đã đuối rồi. Mọi việc chợ búa cơm nước trong gia đình thường do má chồng em phụ trách. 

Những lúc rảnh, em cũng phụ má làm việc nhà, hay lo cơm nước, nhưng em biết mình không thể đảm đang chu đáo như má. Má chồng em là người làm nội trợ suốt đời nên có dư thời gian và kinh nghiệm. Má lại hiểu tính nết của từng thành viên trong nhà, nên chỉ có má mới chu toàn mọi thứ.

Cham ma chong bang 'com hang chao cho'
Ảnh minh họa

Nhưng nay má chồng em đang nằm viện. Bà đi tập thể dục bị quẹt xe, gãy chân. Quả thật, khi má vào viện, mọi chuyện ở nhà đều đảo lộn. Má nằm một chỗ, em vừa phải lo cơm nước ở nhà, vừa phải mang cơm vào viện cho má. Em nấu mấy bữa cực quá, nên mua cơm tiệm cho má ăn.

Mỗi lần em mang cơm vô, má chưa ăn liền, em chỉ để đó rồi lật đật chạy về lo chuyện nhà. Có bữa vô gần tới phòng bệnh, nghe má nói chuyện với mấy dì cùng phòng, rằng con dâu vụng lắm, không biết nấu nướng, toàn mua cơm tiệm, nuốt hổng nổi. Em đứng sững. Bữa sau em nói chồng em mang cơm vô, coi má ăn uống sao. Chồng em về nói má ăn uống bình thường vui vẻ chứ có gì đâu (dù cũng là cơm tiệm thôi!).

Mới đây bà chị chồng em lại nói em không chăm sóc má, khoán hết cho chồng, đàn ông sao nấu nướng bới xách gì được mà bắt phải chăm má, người bệnh mà suốt ngày cơm hàng cháo chợ. Em nghĩ mình cũng sắp sửa “bứt” rồi, nếu ai đó còn đòi hỏi này kia, đến lúc em mệt mỏi quá tải sẽ bung bét hết. Em không biết làm sao đây…

Ánh Ngọc (TP. HCM)

Em Ánh Ngọc thân mến, 

Cơm nhà hay cơm tiệm rõ ràng không phải chỉ là chuyện “cơm”, mà còn sẽ kéo theo những câu chuyện khác, ví dụ như chuyện đảm hay không đảm, thương má hay không thương, tiết kiệm hay phung phí… Nói những điều đó để em đừng coi đây là việc nhỏ. Nếu không giải quyết, việc nhỏ này sẽ sinh ra nhiều việc khác lớn hơn, rắc rối hơn.

Cham ma chong bang 'com hang chao cho'
Ảnh minh họa

Hạnh Dung tin rằng là một người nội trợ, má chồng em rất hiểu để chu toàn bữa cơm cho gia đình và cả cho người ở trong bệnh viện, thì phải tốn nhiều công sức và thời gian lắm. Má cũng hiểu khó khăn của em khi vừa đi làm, vừa lo công chuyện ở nhà.

Ông bà mình nói “của cho không bằng cách cho” - cũng giỏ cơm xách vô cho má, nếu có thời gian ngồi cùng má, coi má ăn có vừa miệng không, món nào ngon món nào dở, lần sau má thích ăn gì… thì chắc là má sẽ thấy cơm ngon hơn, vì được quan tâm, được chăm sóc. Còn nếu em chỉ xách lên để đó rồi lật đật chạy đi, thì làm sao má ăn ngon được. Đây cũng là lý do chồng em mang cơm lên cho má, ngồi nhìn má ăn thì má vui vẻ; chứ không hẳn vì phân biệt con trai con dâu đâu em.

Em có thể thu xếp công việc một chút, thời gian má nằm viện chắc không kéo dài quá, em có thể xin nghỉ phép, hoặc thu xếp với chồng, để người này ở nhà thì người kia ở trong viện với má. Thời nay khác rồi, cơm nhà hay cơm tiệm, chịu khó tìm một chút vẫn mua được đồ ăn ngon, hợp với người đau ốm.

Má lo cho con cháu cả đời rồi, nay mình ráng một chút để lo chu toàn trong những ngày má phải nằm viện. Cũng không cần nói phải quấy gì với ai lúc này đâu. Chịu khó một thời gian, khi má khỏe về nhà được thì mọi việc lại ổn thôi. Nếu chịu khó, mình sẽ được nhiều hơn mất. Chúc em thành công.  

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI