Tư tưởng Bác soi đường, doanh nghiệp mạnh dạn bước - Bài 1:

Chăm lo tốt cho công nhân, làm điều lợi cho xã hội

13/10/2023 - 06:40

PNO - Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp không chỉ tạo không gian trưng bày những hình ảnh, thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn vận dụng những tư tưởng nhân văn của Bác vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng đến lợi ích của người lao động và cộng đồng.

 

Công nhân đọc sách trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Công ty cổ phần Sài Gòn Food ẢNH: PHÙNG HUY
Công nhân đọc sách trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Công ty cổ phần Sài Gòn Food - Ảnh: Phùng Huy

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chú trọng chăm lo đời sống của công nhân, tạo mọi điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ, đặt trách nhiệm xã hội song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tạo môi trường làm việc hạnh phúc

16g30, vừa hoàn thành công việc, Hà Thị Duyên - công nhân tổ kirimi (cắt lát cá) của Công ty cổ phần Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) - vội vàng khoác chiếc áo đoàn đã ủi thẳng thớm để kịp tham dự lễ kết nạp đảng viên do công ty tổ chức cho chính mình. 

“Học hết lớp Mười hai, em phải rời quê Thanh Hóa vào TPHCM kiếm tiền phụ giúp gia đình nuôi 2 đứa em ăn học. Biết tin em được kết nạp Đảng, ba má vui lắm, khoe khắp họ hàng, cả đêm không ngủ được. Em thì rất hạnh phúc vì không nghĩ có ngày mình được trưởng thành và làm việc trong một môi trường hạnh phúc như vậy” - Duyên không giấu được xúc động. 

“Môi trường hạnh phúc” mà Duyên nhắc đến là Sài Gòn Food. Công ty có khu lưu trú khá khang trang dành cho công nhân. Còn tại công ty, sau giờ làm việc, công nhân có thể uống cà phê, đọc sách ở Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với hàng trăm đầu sách hay. Dịp tết, công ty tổ chức nhiều chuyến xe miễn phí đưa rước công nhân tận nhà. Sau đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cho công nhân thôi việc, cắt giảm giờ làm nhưng Sài Gòn Food vẫn duy trì đủ công việc và thu nhập cho công nhân. 

Để nâng cao trình độ nghề nghiệp, giúp công nhân có cơ hội phát triển lên các vị trí cao hơn trong tương lai, công ty đã phối hợp với Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ - phân hiệu TPHCM tổ chức lớp dạy nghề chế biến thủy sản hệ trung cấp ngay tại công ty. Sau khóa học, công nhân nào có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng, đại học, công ty sẽ tạo điều kiện về thời gian, bố trí chỗ làm phù hợp. 

Tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Công ty cổ phần Sài Gòn Food có trưng bày hàng trăm đầu sách về Bác -ẢNH: PHÙNG HUY
Tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Công ty cổ phần Sài Gòn Food có trưng bày hàng trăm đầu sách về Bác - Ảnh: Phùng Huy

Giờ ăn trưa, nhiều công nhân Công ty Cơ khí công nghệ cao Lập Phúc (quận 7, TPHCM) tranh thủ đứng trước tấm bích chương đặt trong căng tin để đọc thông tin về Bác Hồ. Tấm bích chương khá lớn được thiết kế bắt mắt với nhiều hình ảnh về Bác Hồ từ lúc sinh ra đến khi từ trần, chia làm 22 giai đoạn. 

Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc công ty - giải thích, công ty lập Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở đây để ngày nào, công nhân cũng được đọc thông tin về Bác, mỗi ngày hiểu thêm một chút về sự nghiệp vĩ đại của Người. Song song đó, công ty duy trì hoạt động chào cờ hằng tháng để công nhân thuộc quốc ca. Những hoạt động này giúp công nhân tự hào về truyền thống, về dân tộc, đất nước. “Khi tự hào mình là người Việt Nam, tự hào là con cháu Bác Hồ, người thợ sẽ làm ra sản phẩm tốt để khi xuất khẩu đến nước nào, họ đều phải đánh giá cao sản phẩm của người thợ Việt Nam” - ông nói.

Lập Phúc hiện có gần 200 công nhân, thu nhập của mỗi người từ hơn 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng/tháng. Ban giám đốc luôn lấy Bác Hồ làm tấm gương để khuyến khích mọi người không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ sản xuất, quản lý, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Ai có nhu cầu học tập đều được hỗ trợ, nên nhiều công nhân đã trưởng thành vượt bậc. Như anh Nguyễn Thừa Phúc, từ nhân viên thiết kế bình thường nay đã trở thành phó giám đốc kỹ thuật.

Học Bác để quản lý hiệu quả hơn

19g, khuôn viên Công ty Lập Phúc vẫn sáng đèn, tiếng máy phay, máy mài, máy tiện, máy gồ đá rầm rập liên hồi để kịp hoàn thành đơn hàng cho các hãng xe nổi tiếng của Mỹ như Tesla, General Motors Corporation (GM) và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác của Mỹ, Nhật. Ông Nguyễn Văn Trí tự hào: “Ở đâu không đủ việc cho công nhân làm chứ ở đây, công nhân làm không hết việc”. 

Theo ông Nguyễn Văn Trí, ban lãnh đạo công ty luôn khắc ghi lời dạy của Bác và vận dụng vào từng hành động, việc làm, biến thành nét văn hóa rất riêng của Lập Phúc. Công ty luôn quán triệt tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên dù kinh doanh có tính quốc tế nhưng vẫn giữ được sự độc lập, tự chủ, không để phụ thuộc. Cụ thể, công ty không quan hệ độc quyền với một thương hiệu hay một đối tác nào, để tránh rủi ro về tiêu thụ, về chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. 

Công ty cũng xây dựng tinh thần công bằng và dân chủ trong nội bộ, cụ thể là công khai doanh thu, giá trị sản phẩm từ các hợp đồng, công khai tiền lương của tất cả công nhân để giúp công nhân thấy được phần đóng góp của mình được tưởng thưởng như thế nào, loại bỏ suy nghĩ “làm chủ rất lời”, từ đó cố gắng hết sức cho công việc, phấn đấu cho bằng đồng nghiệp. 

Những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đến thăm nhiều nhà máy, xí nghiệp. Người dạy công nhân và những người quản lý: “Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”. Vận dụng lời dạy của Bác, ban lãnh đạo Công ty Lập Phúc đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Theo đó, công ty hợp tác chiến lược với Trường cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ thuộc Sở Công Thương TPHCM tạo một địa chỉ để các trường cao đẳng, đại học trên cả nước gửi sinh viên đến thực tập, nâng cao tay nghề. 

Từ khi thành lập công ty, Lập Phúc đã chủ trương sản xuất xanh, đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghệ màng lọc mới nhất, trang bị hệ thống quan trắc tự động.

Phát hành bản đồ số về cuộc đời, sự nghiệp của Bác

Tháng 10/2022, chúng tôi ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở 2 địa điểm gồm Văn phòng Đảng ủy và khối đoàn thể khu công nghiệp Vĩnh Lộc; Công ty cổ phần Sài Gòn Food. Tuy nhiên, sự lan tỏa thông tin về Bác chưa được như kỳ vọng do đa phần công nhân làm việc ở nhà xưởng, không có thời gian đến văn phòng đọc sách, không có khả năng tiếp thu hết thông tin trong sách. Trước tình hình đó, chúng tôi quyết định sẽ thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn 2, đưa vào nhà ăn, nhà xưởng.

Để đạt hiệu quả tuyên truyền, chúng tôi sẽ thiết kế tấm bản đồ hình chữ S với chủ đề “Khắc ghi lời Bác dạy, hăng hái thi đua sản xuất”, cụ thể hóa cuộc đời, sự nghiệp của Bác bằng đồ họa thông tin (infographic). Mỗi tỉnh, thành trên tấm bản đồ chữ S này là các mã QR, công nhân quét mã thì sẽ hiện ra thông tin nơi Bác từng sinh sống, học tập và làm việc, các bài thơ bất hủ, các mẩu chuyện hay về Bác gắn với phong trào công nhân yêu nước. 

Tấm bản đồ này sẽ được đăng lên website Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), được in ra thành các tấm bích chương khổ lớn treo ở các nhà máy, bếp ăn thuộc 18 chi bộ, 21 chi đoàn, 51 công đoàn cơ sở trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Sau đó, các tấm bản đồ này sẽ được đưa về khắp các khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM. Mỗi ngày, công nhân chỉ cần tiếp cận một ít thông tin về Bác, lâu dần sẽ hiệu quả. 

Khi chọn hình ảnh bản đồ chữ S, chúng tôi còn muốn lồng ghép tuyên truyền đến các chủ doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) và công nhân về chủ quyền biển đảo. Tấm bản đồ này dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 10/2023. 

Ông Hồ Hoàng Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ HEPZA, Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý khu công nghiệp Vĩnh Lộc

Hoa Lài (ghi)

Thanh Hoa 
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI