Chăm lo sức khỏe, sắc đẹp cho nữ công nhân

06/08/2018 - 07:43

PNO - Ngày hội chăm sóc sức khỏe nữ công nhân do Hội LHPN TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và Công ty TNHH Sepzone Linh Trung phối hợp tổ chức, dành cho 400 nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

“Vừa được khám sức khỏe, được phát thuốc, vừa được chăm sóc ngoại hình, lại còn được hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn, vậy là lời to rồi” - chị Nguyễn Thị Yến, công nhân Công ty TNHH Iwasaki Electric Việt Nam cười tít mắt sau khi vừa được làm tóc xong. Chị Yến là một trong hàng trăm nữ công nhân tham gia ngày hội chăm sóc sức khỏe do Hội LHPN TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 5/8 tại khu chế xuất Linh Trung 1 (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM). 

Cham lo  suc khoe, sac dep cho nu cong nhan
Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM Lâm Thị Ngọc Hoa tặng quà cho các nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.


“Đừng bao giờ mua thịt heo có lớp mỡ mỏng hơn 0,5cm, vì đó là dấu hiệu của thịt heo có sử dụng chất tạo nạc. Cũng không nên chọn thịt quá hồng vì khả năng heo bị chích chất an thần là rất cao”. Khuyến cáo của bà Nguyễn Thị Lệ Thoa - Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM - khiến hầu hết công nhân tròn xoe mắt vì bất ngờ.

Tại ngày hội, chuyên đề “Lựa chọn thực phẩm an toàn” được báo cáo viên truyền tải ngắn gọn nhưng có đầy đủ dẫn chứng thực tế sinh động. Công nhân liên tục giơ tay thắc mắc để được giải đáp cặn kẽ hơn nữa về cách chọn mua thịt, cá, rau củ quả, cách phân biệt thực phẩm an toàn qua màu sắc. 

Một cuộc khảo sát bỏ túi được thực hiện tại chỗ với kết quả: khoảng 2/3 nữ công nhân mua thực phẩm ở chợ truyền thống, 1/3 còn lại mua thực phẩm ở lề đường, không có nữ công nhân nào mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. “Mua ở lề đường rất tiện lợi, nhanh mà rẻ, lại không tốn tiền gửi xe” - câu trả lời của một nữ công nhân khiến mọi người cười ồ nhưng rồi chùng xuống, nghĩ ngợi.

Cham lo  suc khoe, sac dep cho nu cong nhan
Y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương tư vấn cho nữ công nhân.

Theo bà Lệ Thoa, cơ quan chức năng đã từng phát hiện có cả một “đội quân” lượm hàng phế thải ở chợ nông sản mang về “phù phép” để mang ra bán ở lề đường. “Hàng hóa buôn bán dọc lề đường hoàn toàn không đảm bảo an toàn. Mỗi chị em phải biết và cần luôn nhớ để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình” - bà Thoa nhấn mạnh

“Suốt tuần đi làm, tăng ca, về đến nhà trọ thì đầy ắp việc gia đình, còn đâu thời gian chăm chút cho bản thân. Mấy bữa nay nghe trong người “rêm rêm”, thấy trong thư mời có đoàn y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh nên đón xe ôm qua đây từ sáng sớm, chờ khám coi trong người có bị gì không. Khám để biết mà trị sớm chứ lỡ có bề gì chắc chết quá” - chị Nguyễn Thị Yến, 50 tuổi, công nhân Công ty TNHH Iwasaki Electric Việt Nam, cho biết.

Chị Yến hẹn rủ mấy chị em trong công ty cùng cảnh xa quê, gia đình khó khăn cùng đi “cho vui”. Chồng chị Yến làm bảo vệ, phải ở lại công ty vào cuối tuần. Lương cả vợ chồng chỉ “tròm trèm 10 triệu đồng”, gói ghém lắm mới tạm đủ gửi cho đứa con út đang học đại học năm cuối ở TP.Cần Thơ. Sáng nay, chị Yến được khám sớm về phụ khoa, làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú và nhận thuốc miễn phí.  

Chị Trần Thị Nhi - công nhân Công ty TNHH Freetrend - khều nhẹ một bạn nữ,  hỏi nhỏ: “Thấy tóc làm vầy có được không?”. Trong khuôn khổ ngày hội, có lẽ Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM mang đến lực lượng “hùng hậu” nhất: gần 50 người. Trưa 5/8, dù trời nóng hầm hập, các giáo viên, chuyên viên của nhà văn hóa vẫn miệt mài soi da, tư vấn chăm sóc da, chăm sóc móng và cắt tóc hoàn toàn miễn phí cho các nữ công nhân. Nhiều nữ công nhân nán lại đến cuối buổi để gặp lại bác sĩ, xin tư vấn thêm. 

Ngày hội chăm sóc sức khỏe nữ công nhân do Hội LHPN TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và Công ty TNHH Sepzone Linh Trung phối hợp tổ chức, dành cho 400 nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở hai khu chế xuất Linh Trung 1 và Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức, TP.HCM). 

Dịp này, Hội LHPN TP.HCM đã gửi tặng 400 phần quà (trị giá 250.000 đồng/phần) cho công nhân. Thời gian qua, Hội LHPN TP.HCM đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần nữ công nhân, lao động nhập cư: tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị; xây dựng tủ sách, hướng dẫn nữ công nhân tiếp cận với các bài giảng trực tuyến, tặng hơn 28.000 suất quà với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng vào dịp lễ, tết.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI